PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI UÔNG CHU LƯU DỰ HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NHIỆM KỲ KHÓA XIV CỦA ỦY BAN TƯ PHÁP

Sáng 23/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Dự hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, cùng các Phó Chủ nhiệm và các thành viên của Ủy ban Tư pháp khóa XIV của Quốc hội, cán bộ, công chức Văn phòng Quốc hội và đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan.

Hội nghị Tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021) của Ủy ban Tư pháp

Hội nghị Tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021) của Ủy ban Tư pháp

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội; sự phối hợp, hợp tác của các cơ quan của Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị, Ủy ban Tư pháp đã luôn nỗ lực, cố gắng triển khai toàn diện các mặt công tác và đổi mới phương thức hoạt động để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, tiến độ công việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, phát huy dân chủ, chủ động, sáng tạo trong tổ chức công việc, bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Ủy ban.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, công tác xây dựng pháp luật của Ủy ban tiếp tục được thực hiện, nhiều đạo luật quan trọng thuộc các lĩnh vực phụ trách của Ủy ban được Quốc hội thông qua, đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về tổ chức bộ máy cơ quan Nhà nước, cơ quan tư pháp và phòng, chống tham nhũng.

Công tác giám sát tiếp tục được chú trọng. Thông qua hoạt động giám sát, Ủy ban Tư pháp đã làm rõ được những tồn tại, hạn chế đối với từng nội dung giám sát và trách nhiệm của các cơ quan liên quan, kịp thời kiến nghị những giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục. Đáng chú ý là một số phiên giải trình do Ủy ban tổ chức trong nhiệm kỳ đã thẳng thắn đề cập đến những vấn đề có tính thời sự, gây bức xúc trong xã hội, được các đại biểu Quốc hội và dự luận, cử tri đánh giá cao; đã góp phần giảm tải nội dung chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội.

Qua đó, đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, uy tín của Ủy ban Tư pháp trong tổ chức, hoạt động của Quốc hội và bộ máy nhà nước, đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách, yêu cầu đổi mới của Đảng và Nhà nước, yêu cầu của cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu khai mạc hội nghị

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu khai mạc hội nghị

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chia sẻ, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được trong nhiệm kỳ, vẫn còn những vấn đề cần tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện hơn, nhất là đối với công tác giám sát của Ủy ban như: việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát; công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật... còn hạn chế; phương thức giám sát còn bất cập. Do đó, Hội nghị này là dịp để các đại biểu đánh giá rõ hơn về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Tư pháp trong nhiệm kỳ vừa qua; đồng thời kiến nghị, đề xuất những giải pháp tăng cường, nâng cao hơn nữa năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Tư pháp, bảo đảm tính chuyên sâu trong thực hiện nhiệm vụ.

Tại hội nghị các đại biểu đã nghe trình bày tóm tắt báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV (2016-2021) của Ủy ban Tư pháp và thảo luận về các nội dung của báo cáo, khẳng định trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Tư pháp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng, nỗ lực thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, tính đúng đắn và tuân thủ pháp luật trong hoạt động của các cơ quan tư pháp, các cơ quan hữu quan, tạo sự chuyển biến tích cực trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần bảo đảm mục tiêu của cải cách tư pháp ở nước ta là: xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Các đại biểu cũng chia sẻ bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cùng với đó là một số việc còn triển khai dang dở. Các đại biểu kỳ vọng trong nhiệm kỳ tới, Ủy ban tiếp tục được kiện toàn về tổ chức, thành viên; tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy các cơ quan tư pháp; tăng cường các phương thức, hình thức giám sát, tính công khai trong hoạt động giám sát nhất là hoạt động giải trình và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Các đại biểu kỳ vọng, trên cơ sở kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm và kết quả đã đạt được của các nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Tư pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động; tăng cường sự phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan trong quá trình hoạt động để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Các đại biểu nghe báo cáo tóm tắt tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV của Ủy ban Tư pháp

Các đại biểu nghe báo cáo tóm tắt tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV của Ủy ban Tư pháp

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận, qua hội nghị đã nhìn lại chặng đường 5 năm hoạt động của Ủy ban, đánh giá những thành tựu và kết quả đạt được và những hạn chế bất cập chỉ rõ nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ủy ban góp phần cùng với các cơ quan tư pháp của nước ta xây dựng nền tư pháp liêm minh, pháp quyền, trong sạch, vững mạnh, là chỗ dựa và niềm tin của người dân vào công lý.

Đánh giá cao nội dung báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Tư pháp được chuẩn bị công phu, chất lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng nhiệm kỳ khóa XIV, Ủy ban Tư pháp đã để lại dấu ấn cho cử tri và đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong hoạt động lập pháp, Ủy ban Tư pháp đã cùng các cơ quan tư pháp xây dựng hoàn thiện căn bản hệ thống pháp luật về tư pháp, pháp luật về tổ tổ chức bộ máy, hoạt động của các cơ quan tư pháp tương đối đồng bộ và đầy đủ là cơ sở quan trọng cho hoạt động của các cơ quan.

Nhiều đạo luật quan trọng thuộc các lĩnh vực phụ trách của Ủy ban đã được Quốc hội thông qua như: Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Đặc xá (sửa đổi), Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án... Ủy ban Tư pháp đã tham mưu cho Quốc hội ban hành Nghị quyết chung về công tác tư pháp với các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, đã tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ để nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và phòng, chống tham nhũng.

Công tác giám sát trong lĩnh vực tư pháp đã thu được nhiều kết quả thiết thực; Ủy ban đã chủ động, tích cực đề xuất và tổ chức các đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương, tiến hành giám sát chuyên đề, tổ chức các phiên giải trình; giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; giám sát văn bản quy phạm pháp luật... Thông qua hoạt động giám sát, Ủy ban Tư pháp đã làm rõ được trách nhiệm của các cơ quan liên quan, kịp thời kiến nghị những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, phòng, chống tham nhũng và các cơ quan hữu quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng trong bối cảnh tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật, đơn thư khiếu nại có nhiều diễn biến phức tạp tạo áp lực lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban. Song Ủy ban Tư pháp đã phát huy được tinh thần tập thể đoàn kết dân chủ, tận tụy, trách nhiệm, các thành viên làm việc miệt mài, hăng say với năng lực trình độ hoàn thành khối lượng công việc lớn được Đảng, Nhà nước, Quốc hội giao phó.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ mong muốn trong thời gian tới Ủy ban tiếp tục kiện toàn các thành viên là những người tâm huyết, có kinh nghiệm ở các lĩnh vực; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động lập pháp, giám sát để Ủy ban trở thành địa chỉ tin cậy, là chỗ dựa, là nơi người dân gửi gắm niềm tin vào công lý, để Ủy ban cùng các cơ quan tư pháp giải quyết oan sai và những vấn đề bức xúc trong xã hội, bảo đảm quyền con người quyền công dân./.

Bảo Yến - Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/cacvilanhdao/pages/hoat-dong.aspx?itemid=53483