Phó Chủ tịch xã La Phù xử lý ô nhiễm môi trường kiểu 'tình làng, nghĩa xóm'?
'Quan điểm làm việc của tôi bên cạnh việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật thì còn phải có tình làng, nghĩa xóm. Nếu tiếp tục xả nước thải ra môi trường tôi sẽ kiên quyết xử lý', - ông Nguyễn Hữu Khoa Phó Chủ tịch xã La Phù.
Lộ diện cơ sở xả thải trực tiếp ra môi trường
Sau bài viết "Kinh hãi nước thải đen ngòm xả trực tiếp ra môi trường ở La Phù", PV Kiến Thức, đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hữu Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội.
Ông Khoa cung cấp, liên quan đến cơ sở kinh doanh dệt may xả nước thải đen ngòm ra môi trường ở thôn Minh Khai (xã La Phù), xã xác minh đó là cơ sở của hộ anh Nguyễn Duy Mừng (SN 1987, HKTT tại thôn Minh Khai).
Qua kiểm tra hiện trạng cho thấy, cơ sở của anh Mừng đang hoạt động sản xuất vải dệt kim, vải đan móc, sợi tại thôn Minh Khai.
Theo hồ sơ mà ông Khoa cung cấp, hộ của anh Nguyễn Duy Mừng chỉ mới đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 17/8/2018. Mặc dù hoạt động chưa đến 2 tháng nhưng hộ kinh doanh của anh này đã ngang nhiên xả nước thải đen ngòm, hôi thối ra môi trường.
Ông Phó Chủ tịch UBND xã La Phù cho biết thêm, trên địa bàn xã có khoảng 500 cơ sở, công ty đăng ký hoạt động kinh doanh với hai nghề sản xuất bánh kẹo và dệt. Tuy nhiên, thực tế chỉ có chưa đến 300 cơ sở hoạt động. Điều này là do một số công ty không có mặt bằng; Một số ở giai đoạn trước sản xuất không phù hợp, không cạnh tranh được. Ngoài ra do một số cơ sở đã chuyển sang thương mại, dịch vụ…
Phó Chủ tịch UBND xã La Phù khẳng định, hiện tại việc ô nhiễm trên địa bàn hiện nay đã “giảm”, vấn đề ô nhiễm chỉ còn “rất ít”(!?).
Phó Chủ tịch xã xử lý ô nhiễm môi trường kiểu "tình làng, nghĩa xóm"
Về việc xử lý ô nhiễm với trường hợp cơ sở sản xuất vải Nguyễn Duy Mừng, ông Khoa cho hay: UBND xã đã có văn bản đề nghị hộ kinh doanh của anh Nguyễn Duy Mừng khẩn trương thu gom, xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Đồng thời thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải rắn theo quy định của pháp luật và giảm thiểu, xử lý bụi, khí thải theo quy định.
Đặc biệt, yêu cầu hộ kinh doanh của anh Mừng cần bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường. Hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và người lao động. Cần phải đảm bảo nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó với sự cố. Xây dựng thực hiện phương án bảo vệ môi trường.
“Quan điểm làm việc của tôi bên cạnh việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật thì còn phải có tình làng, nghĩa xóm. Nếu thời gian tới hộ anh Mừng không thực hiện theo như thông báo của UBND xã, mà vẫn tiếp tục xả nước thải ra môi trường chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý”, - ông Nguyễn Hữu Khoa nói.
Trong khi vị Phó Chủ tịch xã La Phù khẳng định việc ô nhiễm trên địa bàn hiện nay đã “giảm”, vấn đề ô nhiễm chỉ còn “rất ít” thì ghi nhận thực tế của PV Kiến Thức lại chứng minh điều ngược lại.
Theo phản ánh của người dân và ghi nhận của PV, tại thôn Minh Khai (xã La Phù), nhiều đoạn cống thoát nước hiện đang ngập đủ thứ rác thải như chai lọ, túi nilon đến xác chết động vật nổi lềnh phềnh, bốc mùi hôi thối nồng nặc khó chịu.
Các cơ sở sản xuất ở đây chủ yếu là cá thể hộ gia đình, máy móc lạc hậu, hệ thống xử lý nước thải, rác thải không biết có hay không. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều ống xả thải của một số cơ sở đưa thẳng ra cống - mương nước dân sinh bốc mùi hôi thối, khó chịu.
Theo quy định và trách nhiệm quản lý, lẽ thường, chính quyền địa phương phải xử lý, ngăn chặn kịp thời tình trạng xả thải gây ô nhiễm của cơ sở sản xuất, để tránh những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, cho sức khỏe và cuộc sống người dân.
Thế nhưng, theo ông Khoa - Phó Chủ tịch xã La Phù thì quan điểm xử lý cửa ông là phải có "tình làng, nghĩa xóm". Việc cơ sở xả thải ra môi trường đã rõ nhưng chính quyền xã và cá nhân ông Phó Chủ tịch chỉ đề nghị khẩn trương thu gom, xử lý nước thải...
Thử hỏi, với việc xả trực tiếp nước thải ra nguồn nước, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm sẽ thu gom, xử lý thế nào? Rõ ràng, đây là sự tác trách, buông lỏng trong quản lý của chính quyền địa phương và cá nhân ông Khoa.
Cách xử lý ô nhiễm môi trường kiểu "tình làng, nghĩa xóm" như ông Khoa nói phải chăng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại La Phù nhiều năm qua?
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.