Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Giản - Gương tiêu biểu của nhà giáo Đất Sen hồng
ĐTO - Thầy là nhà quản lý giáo dục có tâm, có tầm; rất đam mê viết sách, báo cho thế hệ trẻ học tập; là người có thể xử lý “chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không”... Đó là tấm gương tiêu biểu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Giản - Giảng viên cao cấp, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp (ĐHĐT). Thầy đã hết tuổi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, nhưng “ngọn lửa đam mê” với nghề đã “níu chân” thầy ở lại tham gia giảng dạy tại trường.
Sinh ra và lớn lên tại vùng Đất Sen hồng, thầy Phạm Minh Giản tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 1983 với tấm bằng loại Giỏi. Từ ngày bén duyên với nghề đến khi bạc phơ mái tóc - khát vọng của thầy là được phục vụ, cống hiến tri thức cho nền giáo dục tỉnh nhà.
Trên 40 năm công tác, thầy luôn tận tụy, dành cả một đời hoạt động, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đam mê nghiên cứu. Công việc thầy đã làm lâu nhất (22 năm) là quản lý, giảng dạy tại Trường ĐHĐT (từ năm 2000). Dù cương vị nào, thầy đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt nhiều thành tựu đáng tự hào. Tiêu biểu, đội ngũ giảng viên phát triển vượt về chất và lượng; chương trình đào tạo gia tăng đáp ứng yêu cầu xã hội; hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển mạnh... Tích cực tham gia giảng dạy các học phần/chuyên đề đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Thường xuyên cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng. Hướng dẫn trên 80 học viên bảo vệ thành công luận văn nghiên cứu...
Thầy Giản không chỉ dạy chữ mà còn dạy đạo làm người. Nhận định về vấn đề này, Thạc sĩ Phan Anh - giảng viên Trường ĐHĐT cho rằng: “Thầy Giản là người lúc nào cũng vì công việc, tất bật như thế, nhưng khi chúng tôi có việc, tưởng chừng như khó khăn lắm, mà gặp được thầy thì “chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không”...
Với gương mặt, nụ cười hiền hòa, ngôn từ mộc mạc, thái độ khiêm tốn, cầu thị, thầy luôn gắn bó mật thiết với đồng nghiệp và học sinh, sinh viên, Tiến sĩ giảng viên Nguyễn Thị Ngọc Hà - Tổ trưởng Bộ môn Tâm lý Trường ĐHĐT cảm nhận: “Với thầy Giản, tôi dễ dàng bày tỏ suy nghĩ khi chia sẻ”.
Vốn yêu thích đọc sách từ nhỏ, nhờ việc đọc mà thầy Giản học hỏi, đạt được nhiều giải thưởng. Điều đó, càng hun đúc cho thầy niềm say mê đọc sách, mong muốn văn hóa đọc không bị mai một trong thế hệ trẻ, thầy đã thầm lặng truyền văn hóa đọc đến mọi người, nhất là các thầy, cô giáo, học sinh, sinh viên bằng ngòi bút của mình.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Học liệu Lê Vũ Hùng, cho biết: “Thầy Giản rất tâm huyết nghiên cứu lĩnh vực giáo dục, thầy viết và xuất bản 16 sách giáo trình, tham khảo, chuyên khảo; thực hiện 8 đề tài các cấp; công bố 68 bài báo khoa học, trong đó có 2 bài báo đăng trên Tạp chí quốc tế và một số công trình nghiên cứu tiêu biểu khác... Đặc biệt, thầy có 3 đầu sách viết về Bác Hồ”. Thầy là một trong những người viết, xuất bản sách, báo nhiều nhất ở Trường ĐHĐT.
Bất kỳ nền giáo dục nào, đơn vị trường học nào, tấm gương người thầy giáo, cô giáo là quan trọng hàng đầu, một hình mẫu của giáo viên có nhân cách tốt, chuyên môn giỏi sẽ tạo cho đơn vị trong sạch, vững mạnh và tổ chức đó chắc chắn phát triển nhanh về mọi mặt. Và quan trọng hơn là kết quả phát triển của đơn vị trường học đó được học sinh, sinh viên quý mến, viên chức khen ngợi, tập thể ủng hộ, dốc lòng, dốc sức thực hiện - thầy Phạm Minh Giản - giảng viên Trường ĐHĐT đã làm được việc đó.