Phó Thủ tướng: Cuối năm 2023, có thể cơ bản hoàn thành việc ban hành Đề án Vị trí việc làm

Trước ngày 10/8, các bộ, ngành phải hoàn tất việc ban hành 2 Thông tư làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc rà soát, phê duyệt, điều chỉnh vị trí việc làm công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của mình. Đồng thời, đến cuối năm 2023, có thể cơ bản hoàn thành việc ban hành các Đề án Vị trí việc làm của các bộ, ngành, địa phương.

 Phó Thủ tướng cho rằng, Đề án vị trí việc làm tạo tiền đề để cải cách chế độ tiền lương. Ảnh:VGP

Phó Thủ tướng cho rằng, Đề án vị trí việc làm tạo tiền đề để cải cách chế độ tiền lương. Ảnh:VGP

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu yêu cầu tại cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, diễn ra hôm nay (14/7).

Cụ thể, hai Thông tư các bộ, ngành phải hoàn tất, đó là: Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành và Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, đối với Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành, đến nay mới có 6/20 bộ, ngành ban hành Thông tư bao gồm các Bộ: Bộ Nội vụ, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; có 8/20 bộ, ngành đã hoàn thiện chuẩn bị ban hành Thông tư; 4/20 bộ, ngành đang hoàn thiện trên cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Nội vụ; 2/20 bộ, ngành chuẩn bị có văn bản xin ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.

 Theo Phó Thủ tướng, cuối năm 2023 có thể cơ bản hoàn thành việc ban hành Đề án Vị trí việc làm. Ảnh:VGP

Theo Phó Thủ tướng, cuối năm 2023 có thể cơ bản hoàn thành việc ban hành Đề án Vị trí việc làm. Ảnh:VGP

Đối với Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành, theo báo cáo, hiện đã có 5/15 bộ, ngành ban hành Thông tư, gồm có: Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Y tế và Bộ Công thương; có 6/15 bộ, ngành đã hoàn thiện chuẩn bị ban hành Thông tư; 3/15 bộ, ngành đang hoàn thiện trên cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Nội vụ và 1/15 bộ, ngành chuẩn bị có văn bản xin ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ rất khó và nhạy cảm, nhất là việc xác định vị trí việc làm, nhưng không thể không làm để nâng cao tính minh bạch cùng chất lượng và hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, đồng thời tạo tiền đề để cải cách chế độ tiền lương.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo cần có các kênh để tiếp nhận các ý kiến của các bộ, ngành, đồng thời, giao Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa trực tiếp làm việc với từng bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và ban hành 2 Thông tư nêu trên, bảo đảm đúng thời hạn yêu cầu.

“Sau khi ban hành 2 Thông tư trên, cần có các cuộc họp trực tuyến với các địa phương để hướng dẫn tổ chức thực hiện và tiếp tục lắng nghe ý kiến phản hồi của các địa phương để có sự điều chỉnh, bổ sung kịp thời”- Phó Thủ tướng nơi.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trước khi diễn ra cuộc họp của Ban Chỉ đạo, ông đã nhận được 23 ý kiến từ các địa phương, thể hiện sự mong đợi của các địa phương đối với nhiệm vụ này.

Đồng thời khẳng định, Chính phủ sẽ cùng đồng hành với các bộ, ngành vì nếu chậm ban hành sẽ kéo chậm sự phát triển, gây tâm tư cho cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở. Phó Thủ tướng cho biết, mục tiêu tiếp theo là đến cuối năm 2023 có thể cơ bản hoàn thành việc ban hành các Đề án Vị trí việc làm của các bộ, ngành, địa phương.

Nguyễn Anh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/lao-dong-viec-lam/pho-thu-tuong-cuoi-nam-2023-co-the-co-ban-hoan-thanh-viec-ban-hanh-de-an-vi-tri-viec-lam-142855.html