Phó Thủ tướng: Sẽ yêu cầu thực hiện việc rà soát thuế với sàn thương mại điện tử Temu

Bên hành lang Quốc hội sáng 26/10, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, sẽ yêu cầu thực hiện ngay việc rà soát thuế với sàn thương mại điện tử Temu.

 Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Ông Hồ Đức Phớc cho biết, đây là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới vừa xuất hiện tại Việt Nam và nền tảng này cũng nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook…

Để có thông tin cụ thể hơn về tiến độ triển khai thu thuế với sàn giao dịch điện tử xuyên biên giới Temu, ông Phớc ngay lập tức dùng điện thoại gọi điện cho Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế. Qua điện thoại, ông yêu cầu lãnh đạo Tổng cục Thuế rà soát ngay và trước tiên phải làm văn bản đôn đốc, yêu cầu Temu kê khai nộp thuế, đồng thời, lập tức thu thập các dữ liệu thống kê.

"Tổng cục Thuế đang kiểm tra dữ liệu và yêu cầu kê khai nộp thuế. Trường hợp không nộp sẽ tổ chức thanh tra, xử lý", ông Phớc nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TPHCM - cũng cho hay, những ngày qua, báo chí và mạng xã hội nhắc nhiều đến Temu. "Chúng ta nhắc đến sàn này quá nhiều mà không có giải pháp gì thì không khác gì chúng ta quảng bá cho thương hiệu này phổ biến đến công chúng. Nói nhiều nhưng cơ quan Nhà nước, cụ thể là Bộ Công Thương có trách nhiệm phải đưa ra giải pháp. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có giải pháp nào hiệu quả", bà Lan nói.

Theo bà Lan, sự phát triển nhảy vọt của thương mại điện tử đến từ các nước khác ngày càng hiện rõ nhưng chúng ta chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát.

Bà Lan cho rằng, trong thế giới phẳng hiện nay, chúng ta khó có thể dùng mệnh lệnh hành chính để cấm, cản mà phải dùng đồng bộ các giải pháp. Thương mại điện tử là xu hướng của thế giới nhưng phải được đặt trong quy định về quản lý thuế, cạnh tranh lành mạnh, hàng hóa phải đảm bảo chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng.

Theo Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, hiện có 102 đơn vị nước ngoài đăng ký nộp thuế, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Google, Facebook, Microsoft… trong diện nộp thuế. Điển hình, ở Hà Nội vừa qua thu được 33.000 tỷ đồng tiền thuế.

Ông Phớc cho rằng trước sự phát triển như vũ bão trong thời đại công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo AI, chúng ta phải thích ứng nhanh, bắt kịp xu thế thời đại, nếu không sẽ tụt hậu, bị bỏ lại phía sau. Ông cho biết, đã chỉ đạo các Tổng cục của Bộ Tài chính thành lập từng nhóm, nghiên cứu trí tuệ nhân tạo để áp dụng.

Đánh giá về nguy cơ doanh nghiệp trong nước "thua ngay trên sân nhà", Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Tài chính cho rằng cần phải ban hành luật về chống bán phá giá để chống phá giá và độc quyền. Cùng đó, doanh nghiệp nội buộc phải thích nghi và vươn lên.

Nêu vấn đề số thu ngân sách vượt 940.000 tỉ đồng trong 4 năm, ông Phớc cho rằng, đó là nhờ có các giải pháp như xuất hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu liên thông, kết nối máy tính tiền, hóa đơn may mắn, hay là xuất hóa đơn từng lần qua bán hàng, chống đầu cơ, chuyển nhượng trong bất động sản, rồi thu thuế sàn thương mại điện tử trong nước, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới…

"Một loạt giải pháp được chúng tôi đưa ra để không bị trục lợi, thất thu thuế. Chúng tôi cũng phát động trong toàn ngành thuế với gần 40.000 người viết phần mềm đối chiếu các lần giao dịch, xác định giao dịch đáng ngờ để đánh giá, kiểm tra", ông Phớc nói.

Temu là một sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, được thành lập bởi PDD Holdings (Trung Quốc). Sự xuất hiện của Temu đã khiến chính phủ nhiều quốc gia lo ngại về khả năng cạnh tranh của các nhà bán lẻ và doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ trong nước. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 24/10, Temu có văn bản gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số về thực hiện các yêu cầu pháp luật thương mại điện tử Việt Nam.

Hải Yến

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/pho-thu-tuong-san-temu-trong-dien-phai-nop-thue-khong-nop-se-bi-thanh-tra-20241026141652952.htm