Phố trong ca khúc Trịnh Công Sơn

Lật từng trang, từng trang nhạc Trịnh, tôi chợt nhận ra: Ồ sao phố trong âm nhạc của ông nhiều quá! Phố như người bạn thân thiết để ông giãi bày tâm trạng.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nguồn: NNVN

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nguồn: NNVN

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ra, lớn lên, rồi thành danh với một dòng nhạc rất riêng, gần như luôn gắn với phố; không phố lớn thì phố vừa, phố nhỏ. (Ông sinh ra ở phố Ban Mê, năm 1939, lớn lên, học tập và làm việc ở phố Huế, Quy Nhơn, Sài Gòn). Sau khi tìm hiểu về tiểu sử của ông để cung cấp thông tin cho học sinh phổ thông (có rất nhiều bài học sử dụng âm nhạc Trịnh Công Sơn), tôi dám nói vậy. Coi như là sự kiểm chứng, chứ trước đấy, khi biết kha khá về nhạc Trịnh, tôi đã có cảm giác ông là người của phố rồi. Phố của ông không nhộn nhịp, không chỉ để ở mà còn để ông chuyện trò như người thân, người tình; ông san sẻ niềm vui, nỗi buồn và đôi khi còn trút hờn vào phố...

Ca từ trong âm nhạc của ông quá đỗi mênh mông và thênh thang. Vậy thì có gì khó khi ta cứ ở nhà đàn hát, rồi sẽ cảm nhận được bao điều lạ về âm nhạc Trịnh Công Sơn. Và như thế, ta không “góp phần” làm lây lan COVID-19. Và như thế là đã “biết yêu thương con người” như lời ca của ông rồi.

Yêu nhạc Trịnh, tôi yêu cả phố trong âm nhạc của ông. Vì mỗi lần đứng bên nốt nhạc, với cao độ, trường độ ấy, phố sẽ vang lên với cảm xúc khác nhau. Theo tôi, phố của ông rất hiền, đôi khi man mác buồn. Cũng dễ hiểu vì tuổi trẻ ông trải dài trong hoàn cảnh đất nước còn chia cắt, trong đó phố nơi ông ở thường nghe “Đại bác đêm đêm dội về...” (Đại bác ru đêm). Ông yêu phố, giữ phố bằng cách của riêng mình, bằng ca khúc phản chiến, chứa đựng niềm khát khao hòa bình của một nghệ sĩ lớn.

Năm nay, đến độ tháng tư về nhưng không thể như mọi năm, không thể í ới gọi nhau: “Ngày giỗ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mình cùng nhau đàn hát tưởng nhớ!”. Cả nước đang “chống dịch như chống giặc”, thực hiện cách ly toàn xã hội (giãn cách xã hội) để ngăn ngừa lây lan COVID-19. Học sinh không đến trường thì thầy trò dạy và học trực tuyến; người quen không gặp nhau thì nhắn tin, a lô… Bao nhiêu việc hệ trọng đều có giải pháp an toàn. Vậy, những người yêu nhạc Trịnh thì sao? Cũng có giải pháp chứ! Không ngồi quây quần, ôm guitar hát ca nhớ ngày ông trở về cát bụi thì cứ việc ở nhà ngân nga, vừa hát vừa suy ngẫm cho thật kỹ cả giai điệu lẫn ca từ, biết đâu nơi cát bụi ông sẽ cảm thấy vui hơn!

Nhà văn Bửu Ý viết trong lời tựa, tuyển tập ca khúc Trịnh Công Sơn: “Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ đầu tiên viết về thân phận con người. Và đã thành đạt trong công cuộc thể nghiệm một dòng nhạc vốn không dễ nhập cảnh vào lòng quần chúng trong buổi đầu”. Vậy thì ta cứ hát; hát và suy ngẫm. Và bạn sẽ cảm thấy rất thú vị khi một mình với âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Lật từng trang, từng trang nhạc Trịnh, tôi chợt nhận ra: Ồ sao phố trong âm nhạc của ông nhiều quá! Mà phố của ông không như trong suy nghĩ thường nhật của tôi (phố là nơi để ở, là chốn đông vui). Phố của ông như người bạn thân thiết để ông giãi bày tâm trạng: xa lạ, nằm im, hắt hiu, tủi hờn hay mênh mông, mưa gió…

Tuổi thơ của ông thuộc về phố quá rõ trong Tiếng ve gọi hè: “Khắp phố phường tiếng ve kêu hè hè hè/ trong những tàu lá ve kêu hè hè hè”. Khi viết cho tuổi hoa, ông tiếp tục vui với phố: “Em cùng lá tung tăng như loài chim đến và đã hót giữa phố nhà” (Tuổi đời mênh mông).

Phố trong những ca khúc thiếu nhi, đơn giản là phố nhà, phố vui, phố mênh mông… Còn trong ca khúc dành cho người lớn, cho nỗi lòng của ông thì phố với rất nhiều tâm trạng. Này là phố xa lạ: “Lòng thật bình yên mà sao buồn thế/ Giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ” (Bên đời quạnh hiu), “Mười năm sao áo bay đường chiều/ bàn chân trong phố xa lạ nhiều” (Có một dòng sông đã qua đời). Có khi, nhìn phố mà ông lại thấy mình rất lạ: “Hôm chợt thấy em về bên kia phố, trong lòng bỗng vui như đời rất lạ” (Cho đời chút ơn). Hay “lạ” chỉ vì ông nghĩ phố đang ngủ trưa: “Một hôm bước qua thành phố lạ, thành phố đã đi ngủ trưa” (Đêm thấy ta là thác đổ). Này là phố chờ: “Vì một bàn tay không ngần ngại, tặng hết cho tôi một phố chờ” (Đoản khúc thu Hà Nội).

Phố dài, phố buồn cũng xuất hiện khá nhiều trong ca khúc của ông: “Đường phố dài, một đường phố dài, đường phố nào một chiều tôi tới”, “Đường phố buồn, một đường phố buồn, đường phố buồn mọi người đi vắng” (Có những con đường). Đôi khi phố của ông bỗng hắt hiu, hoang vu: “Chiều nay em ra phố về thấy đời là những quán không…” (Nghe những tàn phai), “Thành phố hoang vu như một lần qua cuộc tình” (Tình xa).

Phố của ông như phận người nên phố muốn cưu mang những phận người, những phận đời lầm lỡ về lại với phố “Hãy chôn vào quên lãng nỗi đau hay niềm cay đắng, đời nhẹ nâng bước chân em về lại trong phố thênh thang” (Đời gọi em biết bao lần).

Phố trong nhạc Trịnh đã làm bao người say mê. Ca từ trong âm nhạc của ông quá đỗi mênh mông và thênh thang. Vậy thì có gì khó khi ta cứ ở nhà đàn hát, rồi sẽ cảm nhận được bao điều lạ về âm nhạc Trịnh Công Sơn. Và như thế, ta không “góp phần” làm lây lan COVID-19. Và như thế là đã “biết yêu thương con người” như lời ca của ông rồi.

NGÔ TRỌNG CƯ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/237211/pho-trong-ca-khuc-trinh-cong-son.html