Phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

Hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) đã thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho nhiều đối tượng, giúp những người yếu thế trong xã hội hiểu biết pháp luật, có ý thức tôn trọng pháp luật và được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong các vụ việc pháp luật. Tại Thanh Hóa, thời gian qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh và các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng, đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng TGPL trong hoạt động tố tụng.

TGVPL thuộc Chi nhánh số 5, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tham gia bào chữa tại một phiên tòa trực tuyến. Ảnh: CTV

TGVPL thuộc Chi nhánh số 5, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tham gia bào chữa tại một phiên tòa trực tuyến. Ảnh: CTV

Theo thống kê của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã thực hiện 1.229 vụ việc TGPL (tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 762 vụ việc kỳ trước chuyển qua, 537 vụ việc thụ lý mới. Tổng số vụ việc hoàn thành là 509 vụ việc, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có 501 vụ việc tham gia tố tụng, 4 vụ việc tư vấn và 4 vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Chia theo lĩnh vực thực hiện TGPL, các vụ việc chủ yếu là vụ việc hình sự (432 vụ việc); vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình (67 vụ việc); vụ việc hành chính (7 vụ việc)...

Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng lên. 100% trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) đều hoàn thành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng do Bộ Tư pháp yêu cầu. Hầu hết các vụ việc tham gia tố tụng hiện nay đều tham gia từ giai đoạn điều tra (án hình sự), giai đoạn chuẩn bị hồ sơ khởi kiện (án dân sự, hành chính). Quá trình tham gia tố tụng, TGVPL đều thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc nghiên cứu hồ sơ, tiếp xúc người được TGPL, thu thập chứng cứ, chuẩn bị bản luận cứ và tham gia tranh luận tại phiên tòa. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật của vụ án, giúp cho hội đồng xét xử đánh giá khách quan, toàn diện, đúng bản chất vụ án, bảo đảm quyền và lợi ích cho người được TGPL.

Hàng năm, Trung tâm TGPL đều thành lập các tổ thẩm định vụ việc TGPL và Sở Tư pháp cũng đã thành lập hội đồng đánh giá chất lượng vụ việc TGPL. 100% vụ việc hoàn thành đều được thẩm định chất lượng. Qua thẩm định, đánh giá chất lượng cho thấy, tỷ lệ vụ việc đạt chất lượng tốt chiếm trên 90%. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng có quan điểm bào chữa, bảo vệ của người thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng có lợi cho người được TGPL như: được tăng mức bồi thường thiệt hại, được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân, thậm chí được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt...

Thanh Hóa là tỉnh có địa bàn rộng, dân cư đông, có tới 11 huyện miền núi với nhiều dân tộc cùng sinh sống. Nhiều người dân, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa nhận thức pháp luật còn hạn chế, khả năng tiếp cận các tài liệu pháp luật còn ít. Chính vì vậy, hoạt động hiệu quả của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh và các chi nhánh đã giúp người dân có địa chỉ tin cậy khi có vướng mắc về pháp lý. Nhất là từ khi thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng đã tạo ra những bước chuyển mới trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý cho việc đổi mới công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng, quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người thực hiện TGPL; đồng thời là điều kiện thuận lợi cho người được TGPL tiếp cận với dịch vụ pháp lý miễn phí trong tình huống có vướng mắc về pháp luật.

Đến nay, 100% các cơ quan tiến hành tố tụng, trại giam trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm quy định niêm yết công khai bảng thông tin về TGPL, giải thích đầy đủ quyền được TGPL cho các đối tượng. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, với địa bàn rộng, dân số đông, đối tượng được TGPL tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại hết sức khó khăn, công tác truyền thông chưa được đa dạng nên một số người dân vẫn chưa được biết đến hoạt động TGPL của trung tâm và các chi nhánh. Một số trường hợp là người dân tộc thiểu số, có sự khác biệt về ngôn ngữ giữa đối tượng được TGPL và người thực hiện TGPL nên gây khó khăn trong quá trình thu thập thông tin. Việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở một số huyện với các tổ chức thực hiện TGPL còn chưa được thường xuyên, chưa chủ động.

Ông Đoàn Văn Dương, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, cho biết: Công tác TGPL đã dần đi vào chiều sâu, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các đối tượng yếu thế trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính... và ngày càng được người dân tin tưởng. Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh xác định tập trung thực hiện vụ việc, nhất là vụ việc tham gia tố tụng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng triển khai hiệu quả hoạt động theo Thông tư liên tịch số 10, hướng dẫn để các đối tượng thuộc diện được TGPL được tiếp cận với dịch vụ một cách sớm nhất và tốt nhất. Đồng thời, trung tâm tăng cường hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho các TGVPL, thực hiện tốt việc theo dõi, đánh giá, nâng cao hiệu quả hoạt động của các TGVPL tham gia TGPL, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ TGPL trong thời gian tới.

Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phoi-hop-thuc-hien-tro-giup-phap-ly-nbsp-trong-hoat-dong-to-tung-225844.htm