Phối hợp tổng kiểm tra, chống khai thác IUU

'Kiểm tra thủ tục hành chính 100% số tàu trên phạm vi vùng biển và đất liền của tỉnh Cà Mau, Kiên Giang thời điểm cuối tháng 9. Thông tin từng trường hợp tàu có nguy cơ cao: tàu cá mất tích, hết hạn đăng ký, đăng kiểm, tàu cá mất tín hiệu kết nối trong bờ, ngoài biển dài ngày, tàu cá nằm bờ sẽ được cập nhật, chuyển đến các đoàn kiểm tra', đó là quyết tâm của tỉnh trong thực hiện chống IUU, được ông Nguyễn Việt Triều, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, thông tin.

Theo kế hoạch kiểm tra vừa được sự thống nhất giữa các bên: Cà Mau - Kiên Giang - Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 - Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5 - Hải đoàn Biên phòng 28 và Kiểm ngư Vùng 5, sẽ tiến hành tổng kiểm tra tàu cá trên biển và chống khai thác IUU trên vùng biển Cà Mau, Kiên Giang (vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi, các đảo trên biển). Ðối tượng kiểm tra là nhóm tàu cá nằm trong danh sách mất tích, hết hạn đăng ký (giấy phép khai thác thủy sản), hết hạn đăng kiểm (giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá), tàu cá mất tín hiệu kết nối trong bờ, ngoài biển dài ngày; các hoạt động khai thác thủy sản chưa đúng quy định, nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU của các tổ chức, cá nhân trên vùng biển Kiên Giang - Cà Mau. Ðặc biệt, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; góp phần đảm bảo an ninh trật tự vùng biển Việt Nam nói chung và vùng biển Cà Mau - Kiên Giang nói riêng.

Quyết tâm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu cũng là dịp thiết lập lại ngành khai thác hải sản gắn liền với bảo tồn, khôi phục nguồn lợi.

Theo ông Triều, tổng kiểm tra còn là dịp tạo điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quản lý các hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển tỉnh Cà Mau, Kiên Giang. Nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác, bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Trong đó tập trung tuyên truyền việc vận động chủ tàu, thuyền trưởng không vi phạm vùng biển nước ngoài; mở thiết bị giám sát hành trình 24/24 giờ kể từ khi rời cảng hoạt động trên biển đến khi cập cảng… Các hoạt động này sẽ góp phần phát triển nghề cá có trách nhiệm và khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản, góp phần đảm bảo an ninh trên vùng biển của 2 tỉnh. Ðồng thời hỗ trợ, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong quá trình hoạt động khai thác thủy sản.

Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện phương tiện vi phạm trên vùng biển và mang số đăng ký của tỉnh nào thì giao cho lực lượng chức năng của tỉnh đó xử lý. Riêng lực lượng Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, khi phát hiện phương tiện vi phạm, kịp thời thông báo cho cơ quan điều phối để sử dụng phương tiện gần nhất tiếp cận kiểm tra, xử lý theo quy định.

Thời gian qua, hai tỉnh đã chỉ đạo các bộ phận, lực lượng có liên quan tuần tra chung. Cụ thể đã thực hiện được 6 đợt tính từ năm 2020, phát hiện xử lý 119 vụ (72 vụ liên quan tàu cá và 47 vụ liên quan đến thiết bị giám sát hành trình), với tổng số tiền trên 8,6 tỷ đồng.

Cà Mau và Kiên Giang sẽ tiến hành phối hợp tổng kiểm tra tất cả các phương tiện trong bờ và trên biển về thực hiện các quy định khai thác hải sản, đặc biệt là theo quy định IUU của EC.

Ngoài ra, quá trình tuần tra, Ðoàn kiểm tra chung tuyên truyền trên 1 ngàn lượt tàu cá/5 ngàn thuyền viên. Thống nhất quy định về việc chuyển ngạch tàu cá 2 tỉnh, tập trung quản lý đối với nhóm tàu có nguy cơ cao vi phạm IUU, tàu sang bán nhưng chưa sang tên, kiểm soát chặt chẽ tàu cá trước khi xuất, nhập bến, kiên quyết không cho khai thác thủy sản trên biển nếu không đảm bảo hồ sơ giấy tờ, trang thiết bị theo quy định, đặc biệt là kiểm tra thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS). Hai tỉnh thống nhất sử dụng phần mềm liên thông kiểm soát tàu cá xuất nhập, cập rời cảng cá (hiện Cà Mau đang triển khai thực hiện) để làm cơ sở theo dõi, kiểm tra, xác thực, chứng nhận, xác nhận, phục vụ công tác quản lý của lực lượng chức năng.

Vùng biển Cà Mau và Kiên Giang giáp ranh vùng biển của nhiều nước trong khu vực, với hàng chục ngàn phương tiện khai thác. Hoạt động khai thác hình thành lâu đời, địa hình phức tạp... nên việc quản lý và giám sát khai thác hải sản gặp rất nhiều khó khăn, cần có quá trình thực hiện.

“Với trách nhiệm trong thực hiện các quy định về hội nhập sâu kinh tế toàn cầu, quyết tâm bảo vệ và khôi phục nguồn lợi hải sản, Cà Mau đang từng bước quản lý và giám sát chặt hoạt động khai thác trên biển, hướng đến gỡ thẻ vàng IUU trong thời gian tới”, ông Nguyễn Việt Triều chia sẻ.

Với quyết tâm cao, Cà Mau cũng vừa thành lập thêm 9 chốt kiểm tra, kiểm soát lưu động tại các cửa biển không có trạm kiểm soát biên phòng; không để tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, mất tín hiệu kết nối thiết bị giám sát hành trình và thiếu thủ tục, giấy tờ... ra biển hoạt động./.

Trần Nguyên

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/phoi-hop-tong-kiem-tra-chong-khai-thac-iuu-a29329.html