Phòng chống cúm bằng kinh nghiệm từ Covid-19
Trong gần 3 năm qua, thế giới khoa học và y tế đã xem xét kỹ lưỡng về Covid-19. Từ những nghiên cứu này, các chuyên gia đã có nhiều hiểu biết mới về bệnh cúm - một loại virus cũ.
Tờ NBC News thông tin ngày 3/3/2020, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - đã bắt đầu cuộc họp báo kêu gọi các quốc gia trên thế giới hành động nhiều hơn để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Chỉ hơn một tuần sau đó, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc tuyên bố Covid-19 là đại dịch và loại virus mới này sẽ tiếp tục lan rộng đến hầu hết quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là trong thời điểm Covid-19 lan rộng, dịch cúm bỗng trở nên chững lại, thậm chí có dấu hiệu được ngăn chặn.
Đây không phải là lần duy nhất Covid-19 giúp các nhà khoa học có được hiểu biết mới về bệnh cúm. Trong vòng 3 năm qua, sự tập trung cao độ vào Covid-19 đã thay đổi cách các nhà nghiên cứu và công chúng nghĩ về bệnh cúm mùa.
Covid-19 có thể ngừng lây lan bệnh cúm
Theo đó, vào mùa cúm 2020-2021, lần đầu tiên kể từ năm 1997 (khi WHO ra mắt trang web theo dõi cúm toàn cầu FluNet) thế giới hầu như không ghi nhận ca nhiễm bệnh nào vào mùa đông.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng các biện pháp giảm thiểu đại dịch Covid-19 bao gồm sử dụng khẩu trang, tránh tụ tập, rửa tay thường xuyên đã đóng vai trò nhất định trong việc giảm dịch bệnh cúm. Số khác lại cho rằng Covid-19 là virus thống trị vào mùa đông năm đó.
Tiến sĩ Matthew Memoli - Giám đốc đơn vị nghiên cứu lâm sàng của phòng thí nghiệm bệnh truyền nhiễm tại Viện Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia (Mỹ) - giải thích khi con người tiếp xúc với virus đường hô hấp như cúm hoặc Covid-19, nó sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch ban đầu không đặc hiệu. Sau đó, cơ thể phát triển các kháng thể đặc hiệu với virus. Tuy nhiên, ở thời điểm ban đầu, phản ứng chống virus không đặc hiệu cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm.
"Nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với virus SARS-CoV-2, phản ứng virus của bạn sẽ được kích hoạt và bạn không dễ bị nhiễm virus đường hô hấp khác như cúm vào thời điểm đó", ông Matthew Memoli nói.
"Các biện pháp can thiệp không dùng thuốc"
Trước Covid-19, các chuyên gia vẫn giữ quan điểm không dùng vaccine để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh cúm. Họ chú trọng vào các biện pháp "can thiệp không dùng thuốc" như rửa tay, đeo khẩu trang và lọc không khí.
"Trước khi đại dịch xảy ra, chúng tôi đã rất tập trung vào việc thúc đẩy tiêm chủng như một cách chính để giảm lây lan bệnh cúm. Bây giờ, chúng tôi nhận ra là tiêm chủng thực sự quan trọng và các biện pháp bổ sung có thể làm giảm gánh nặng sức khỏe cộng đồng về bệnh cúm", bà Seema Lakdawala - phó giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại ĐH Emory ở Atlanta (Mỹ) - nói.
Bà Seema Lakdawala cho biết trước năm 2020, một số nghiên cứu đã cố gắng đo lường mức độ hiệu quả của các biện pháp "can thiệp không dùng thuốc" nhưng không có kết luận.
"Sau đại dịch Covid-19, giờ đây, chúng ta có bằng chứng thuyết phục rằng các chiến lược đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và ở nhà khi bạn bị bệnh có thể tác động mạnh mẽ đến việc giảm lây truyền virus cúm. Bên cạnh đó, khả năng miễn dịch từ vaccine cũng đóng vai trò chủ yếu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm bệnh cúm", bà Seema Lakdawala nói.
Cúm có thể lây lan qua sol khí
Trong những ngày đầu của đại dịch, cách thức lây lan của Covid-19 từ người sang người là một trong những chủ đề được các nhà khoa học tranh luận sôi nổi nhất.
Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng cách thức lây lan của Covid-19 là qua các giọt bắn ra khi con người ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Đến hiện tại, các nhà khoa học hiểu rằng Covid-19 cũng có thể lây lan qua các hạt nhỏ hơn gọi là sol khí (aerosol - các chất lơ lửng trong không khí ở tầng thấp, bao gồm hạt bụi, khói, nước, hạt kim loại nặng…).
Linsey Marr - giáo sư kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Virginia Tech (Mỹ) - cho biết bà và đồng nghiệp không có câu trả lời rõ ràng về phương thức lây lan dịch bệnh nào chiếm ưu thế. Tuy nhiên, nghiên cứu của bà đã chỉ ra bệnh cúm giống Covid-19, có thể lây lan qua sol khí.
Theo nghiên cứu của bà Linsey Marr, trong đại dịch Covid-19, các bộ lọc không khí HEPA, UV và việc kiểm soát độ ẩm trong nhà đã hỗ trợ hạn chế sự lây lan virus qua sol khí. Vì vậy, chúng cũng có thể áp dụng cho việc phòng chống sự lây lan của bệnh cúm.
Bị bệnh cúm lâu ngày cũng có thể là mối nguy
Bà Akiko Iwasaki - giáo sư miễn dịch học tại ĐH Yale (Mỹ) - cho biết tỷ lệ mắc bệnh Covid-19 kéo dài đã thay đổi cách các nhà nghiên cứu nghĩ về nguy cơ mắc bệnh cúm.
Theo bà Iwasaki, bệnh cúm mùa ít có khả năng gây ra các triệu chứng kéo dài so với các chủng cúm đại dịch như virus H1N1 2009, nhưng cần phải nghiên cứu thêm để khẳng định chắc chắn.
Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Cell gợi ý ngay cả Covid-19 nhẹ cũng có thể dẫn đến tổn thương não mạn tính. Trong nghiên cứu đó, các nhà khoa học đã so sánh trường hợp mắc Covid-19 nhẹ với nhiễm cúm nhẹ ở chuột và người. Họ nhận thấy rằng sau khoảng 7 ngày mắc Covid-19 và cúm, não của cả chuột và người đều bị ảnh hưởng ở mức độ tương đương.
Sau một khoảng thời gian theo dõi lâu hơn, mắc Covid-19 dẫn đến tổn thương lâu dài hơn so với virus cúm, phần lớn sẽ giảm bớt sau 7 tuần. Iwasaki cho biết những loại nghiên cứu này (được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19) đã bắt đầu giúp giải thích cách thức hoạt động của bệnh cúm trong cơ thể.
Bệnh cúm không triệu chứng đang bị xem nhẹ
Đại dịch Covid-19 đã gây chú ý về mức độ và nguy cơ lây nhiễm không có triệu chứng ở nhiều người. Cụ thể, thông qua việc phần lớn dân số xét nghiệm hàng ngày hoặc hàng tuần, các quan chức y tế đã thu thập rất nhiều dữ liệu về số người có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV mà không có triệu chứng và thời gian những ca nhiễm này kéo dài.
"Chúng tôi phát hiện ra các trường hợp mắc Covid-19 mà không có triệu chứng là vì mọi người đã xét nghiệm nhiều lần để có thể đi làm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xét nghiệm liên tục trên cùng một nhóm dân số vào mỗi tuần. Tuy nhiên, chúng tôi chưa bao giờ làm điều này đối với bệnh cúm. Mọi người hiếm khi xét nghiệm cúm và mức độ lây nhiễm cúm không có triệu chứng rất khó đo lường chứ chưa nói đến ước tính", bà Seema Lakdawala nói.
Các nhà khoa học cho biết những trường hợp nhiễm cúm không có triệu chứng có thể xảy ra, nhưng với chi phí xét nghiệm cao, bà Lakdawala và bà Linsey Marr đều cho rằng nên có sẵn các xét nghiệm cúm giá rẻ, rộng rãi để mọi người sử dụng.
"Trước đây, khi việc xét nghiệm Covid-19 tại nhà diễn ra rộng rãi, luôn có câu hỏi đặt ra là 'mọi người có biết cách tự lấy mẫu xét nghiệm để cho ra kết quả chính xác hay không'. Bây giờ, chúng tôi đã chứng minh rằng mọi người có thể tự xét nghiệm rất tốt. Nếu được lựa chọn xét nghiệm cúm tại nhà với giá cả phải chăng, mọi người sẽ sẵn sàng", bà Seema Lakdawala nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phong-chong-cum-bang-kinh-nghiem-tu-covid-19-post1378108.html