Phòng, chống dịch bệnh tại chợ trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg

Tùy theo thực tế địa phương, việc cấp thẻ đi chợ có thể điều chỉnh, một thẻ có thể đi nhiều chợ, đồng thời cần có vai trò của chính quyền địa phương để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại hội nghị trực tuyến hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ đối với các địa phương trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế tổ chức sáng 29-7.

Các đại biểu tham gia hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ đã được Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế xây dựng và ban hành tại Công văn số 5858/BYT-MT ngày 21-7-2021 của Bộ Y tế (Công văn 5858). Bộ Công Thương cũng đã có văn bản chỉ đạo sở công thương các tỉnh, thành phố phổ biến thực hiện công văn này.

Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ áp dụng đối với các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, áp dụng cho các chợ đầu mối và chợ bán lẻ. Hướng dẫn đưa ra các nội dung chi tiết yêu cầu bảo đảm công tác phòng dịch tại chợ đối với các tổ chức, cá nhân liên quan, gồm: Đơn vị quản lý chợ; hộ kinh doanh, người kinh doanh, người lao động; khách hàng mua bán tại chợ; UBND các cấp được phân cấp quản lý chợ. Hướng dẫn này giúp các địa phương vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, vừa bảo đảm hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế, Bộ Công Thương đã trao đổi, làm rõ các quy định trong hướng dẫn. Ông Trần Anh Dũng, Trưởng phòng Quản lý sức khỏe môi trường và hóa chất (Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế) cho biết, việc cấp thẻ đi chợ tùy theo thực tế tại địa phương có thể điều chỉnh cho phù hợp, một thẻ có thể đi nhiều chợ. Đồng thời cần có vai trò của chính quyền địa phương trong việc cấp thẻ đi chợ, sát với nhu cầu về hàng hóa thiết yếu của người tiêu dùng và bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Về kinh phí test nhanh, theo Công văn 5858, tùy theo địa phương để áp dụng. Trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg thì áp dụng kinh phí nhà nước là phù hợp. Quy định thời gian xét nghiệm không nên cứng nhắc là 3 hay 7 ngày mà tùy thuộc vào các địa phương. Về khu vực cách ly tạm thời, có thể bố trí khu vực bảo đảm giãn cách tối thiểu trên 2m nhằm giảm tiếp xúc.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) lưu ý, các địa phương thực hiện đúng các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành, song cần linh hoạt theo tình hình thực tế để công tác phòng, chống dịch tại địa bàn nói chung, tại chợ nói riêng đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến dịch phức tạp hiện nay. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc, có thể phản ánh về Bộ Công Thương để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Tuyền Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1007354/phong-chong-dich-benh-tai-cho-trong-thoi-gian-thuc-hien-chi-thi-so-16ct-ttg