Phòng, chống ngộ độc rau rừng ở Bắc Mê

Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) luôn được huyện Bắc Mê quan tâm chú trọng, để nâng cao nhận thức cho người dân về VSATTP; UBND huyện Bắc Mê đã chỉ đạo ngành chuyên môn triển khai công tác tuyên truyền phòng, chống ngộ độc thực phẩm từ các loại rau rừng đến từng người dân biết được sự nguy hiểm, không dùng thử những loại rau lạ chưa rõ nguồn gốc.

Trung tâm Y tế huyện Bắc Mê tuyên truyền ngộ độc từ các loại rau rừng tại thôn Phiêng Luông, xã Phiêng Luông.

Trung tâm Y tế huyện Bắc Mê tuyên truyền ngộ độc từ các loại rau rừng tại thôn Phiêng Luông, xã Phiêng Luông.

UBND huyện Bắc Mê đã ban hành kế hoạch số 33/KH - UBND về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2020; công văn số 1714/UBND về công tác tuyên truyền VSATTP đến từng thôn, bản. Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Phòng Y tế huyện triển khai công tác tuyên truyền đến 139 thôn, bản trên địa bàn huyện.

Trung tâm Y tế thường xuyên tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông di động, như: phát thanh, tờ rơi… Trong năm 2019 tuyên truyền được 672 buổi, từ tháng 1 - 8.2020 được 255 buổi, triển khai truyền thông trực tiếp vào các buổi sinh hoạt của thôn, như: Hội họp, tổng kết các ngày văn hóa của thôn, bản, các ngày chợ phiên… Hiện nay, 13/13 xã, thị trấn được trang bị loa cầm tay để phục vụ cho công tác tuyên truyền được hiệu quả, sâu rộng tới người dân. Bên cạnh đó, cán bộ Trung tâm Y tế giúp người dân biết cách nhận diện các loại rau rừng có độc tính cao, gây nguy hiểm đến tính mạng, như: Rau gỗ thường mọc vào mùa Xuân, có đặc điểm nhận dạng lá hình bầu dục, màu đỏ tím; rau ngót rừng với lá rộng, đều, màu xanh mỡ… Khi ăn nhiều sẽ có biểu hiện bị say, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, da tím tái,… cần có biện pháp cấp cứu tạm thời tại chỗ: Uống nước chanh pha với ít muối rồi nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến trạm y tế gần nhất. Trung tâm Y tế huyện thường xuyên mở các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ: Kiến thức, kỹ năng truyền thông, kỹ năng tư vấn cho mạng lưới làm công tác tuyên truyền về VSATTP cho các tuyên truyền viên.

Phiêng Luông là xã vùng cao của huyện Bắc Mê, được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ quanh năm, có rừng già bao quanh với nhiều sản vật núi rừng; người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào Mông, còn thiếu am hiểu về VSATTP, tiếng phổ thông chưa biết hết nên công tác tuyên truyền ngộ độc thực phẩm từ các loại rau rừng rất khó khăn. Anh Mã Văn Dế, cán bộ Y tế thôn Phiêng Luông, xã Phiêng Luông, cho biết: Tôi đến tuyên truyền về ngộ độc thực phẩm từ các loại rau rừng cho bà con biết được tác hại, sự nguy hiểm đến tính mạng và không nên ăn thử; một số bà con trong thôn chưa biết tiếng phổ thông nên tôi phải truyền tải các thông tin tuyên truyền qua tiếng địa phương, được bà con quan tâm và nghe theo.

Trưởng khoa An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện Bắc Mê, Bùi Tiến Chình, cho biết: Công tác tuyên truyền được làm tốt từ cơ sở nên trên địa bàn huyện không có trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm từ các loại rau rừng, tất cả đều do sự nỗ lực trong công tác tuyên truyền của các đồng chí y tế thôn, bản; Trung tâm Y tế huyện thường xuyên tham mưu cho UBND huyện các kế hoạch tuyên truyền thiết thực. Huyện đang tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình, khuyến khích trồng các cây dược liệu để đưa Bắc Mê thành huyện đi đầu trong phát triển du lịch sinh thái trên toàn tỉnh.

Bài, ảnh: Đức Ninh

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202009/phong-chong-ngo-doc-rau-rung-o-bac-me-765131/