Phòng, chống sạt lở sông, kênh rạch, biển - Cập nhật thực tiễn trong xây dựng chính sách

Công tác bảo vệ tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước đã và đang được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo thực hiện; đặc biệt là việc triển khai các chính sách, văn bản pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, tình hình sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển tại một số địa phương đã và đang diễn biến phức tạp khiến công tác bảo vệ tài nguyên nước gặp nhiều khó khăn. Thực tế trên đòi hỏi công tác xây dựng văn bản chính sách pháp luật đối với lĩnh vực tài nguyên nước phải đáp ứng kịp thời với bối cảnh hiện nay.

Sạt lở tại bờ kè sông Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Sạt lở tại bờ kè sông Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Điểm qua tại một số địa phương, tại tỉnh Bến Tre, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn ngày càng phức tạp, khó lường. Mức độ sạt lở đã diễn ra nhanh hơn gây mất đất sản xuất, rừng phòng hộ... ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, dân sinh. Nhiều khu vực có diễn biến nghiêm trọng như: Bờ biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; bờ sông Mỏ Cày; bờ sông Giao Hòa; khu vực các cồn: Tam Hiệp (huyện Bình Đại), Phú Đa (huyện Chợ Lách), Thành Long (huyện Mỏ Cày Nam)...Hiện, địa bàn còn khoảng 13 km bờ sông và 8,5 km bờ biển đang bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng nhưng chưa được bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình, ước tổng kinh phí thực hiện 730 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Điển hình là khu vực các huyện, thị xã vùng kiểm soát lũ phía Tây nằm đầu nguồn sông Tiền của tỉnh, vùng ven biển Gò Công thuộc địa bàn các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông... Nguyên nhân sạt lở chủ yếu do địa phương nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; đồng thời do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết và thủy văn diễn biến phức tạp cùng hoạt động phát triển sản xuất - kinh doanh, các tác nhân khác...

Nhằm đưa ra giải pháp cụ thể giúp hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển.., Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 957/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phòng, chống sạt, lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030. Đề án được triển khai nhằm chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven sông, ven biển, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng. Đề án đưa ra mục tiêu, đến năm 2030, hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở; quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa tại khu vực ven sông, ven biển.

Đến nay, Đề án đã giúp các địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; tổ chức điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu, thiết kế quy hoạch bờ sông, bờ biển; triển khai thực hiện các các công trình, phi công trình để phòng, chống sạt lở.

Bên cạnh việc phòng chống sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển, công tác bảo vệ bờ sông cũng được Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc thực hiện. Theo ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông đảm bảo sự lưu thông của dòng chảy đã được quy định tại Luật Tài nguyên nước 2012; nội dung quy định chi tiết tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Nghị định được ban hành đã giúp thể chế hóa 5 chính sách quan trọng, trong đó, có hai chính sách liên quan đến trách nhiệm quản lý cát, sỏi theo quy định Luật Khoáng sản gắn với trách nhiệm bảo vệ lòng bờ, bãi sông theo quy định của Luật Tài nguyên nước; quản lý, cấp phép, sử dụng cát, sỏi lòng sông trên lưu vực sông phải gắn với trách nhiệm của địa phương theo địa giới hành chính.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ bằng các quy định pháp luật. Vì vậy, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung và luật hóa một số quy định liên quan đến bảo vệ lòng, bờ, bãi sông như: Các hoạt động có nguy cơ gây tác động xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông phải thực hiện đánh giá tác động và có phương án bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông và được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản, trừ các hoạt động phòng, chống thiên tai, thủy lợi.

Cũng theo ông Ngô Mạnh Hà, sông, đoạn sông bị sạt, lở hoặc có nguy cơ bị sạt, lở bờ, bãi sông phải được khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải rà soát, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình; chỉ đạo, giám sát các hoạt động xây dựng công trình trên sông, trong hành lang bảo vệ nguồn nước bảo đảm yêu cầu về phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông.

Đối với công tác bảo vệ lòng, bờ, bãi sông đảm bảo sự lưu thông của dòng chảy, theo ông Ngô Mạnh Hà, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) hiện đã có quy định cụ thể một số hoạt động phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước được ưu tiên thực hiện theo hình thức xã hội hóa, trong đó có các hoạt động bảo vệ lòng, bờ, bãi sông như: Xây dựng công trình, biện pháp cải tạo, bảo vệ tạo cảnh quan ven sông, hồ; công trình, biện pháp bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; xây dựng, vận hành công trình điều hòa, điều tiết nguồn nước, trữ nước.

Diệu Thúy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/phong-chong-sat-lo-song-kenh-rach-bien-cap-nhat-thuc-tien-trong-xay-dung-chinh-sach-20230927170008728.htm