Phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đề cập trong Chỉ thị số 2542 /CT-UBND của UBND tỉnh Long An về nhiệm vụ, giải pháp năm học 2023-2024 của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh là tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quốc phòng và an ninh,...

Tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh (Ảnh: Việt Hằng)

Tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh (Ảnh: Việt Hằng)

Trong đó, ngành GD&ĐT, các trường quan tâm triển khai, thực hiện hiệu quả Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”; Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng, giai đoạn 2022-2030”; Kế hoạch triển khai, thực hiện Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên (HSSV) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh

Ngày 06/9/2023, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho HSSV đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật của các trường, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; cung cấp kiến thức, kỹ năng về công tác phòng ngừa tội phạm, phòng, chống vi phạm pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các thành viên trong trường; huy động sự tham gia của các ngành chức năng, cơ quan có liên quan trong phối hợp thực hiện công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong trường học.

Cụ thể, yêu cầu 100% trường học kiện toàn, thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm; xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật gắn với nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên của trường trong từng năm học.

100% nhà trường tổ chức ký cam kết giữa nhà trường - gia đình - xã hội về nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật; xây dựng, duy trì ít nhất 1 mô hình về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật; có tối thiểu 90% nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự (ANTT)”. Từ đó, phấn đấu hàng năm giảm số vụ, số người phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến HSSV.

Thông qua Sở GD&ĐT, UBND tỉnh chỉ đạo trường học tham mưu tổ chức Đảng của cơ sở giáo dục ban hành nghị quyết chuyên đề về bảo đảm ANTT hoặc lồng ghép trong nghị quyết lãnh, chỉ đạo hàng năm. Nhà trường ban hành kế hoạch phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật; bảo đảm ANTT hàng năm và đăng ký đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”. Thiết lập, công bố các kênh tiếp nhận những thông tin, phản ánh để tư vấn, hỗ trợ, kịp thời giải quyết những vấn đề liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong nhà trường. Chỉ đạo công tác phối hợp các đoàn thể xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả ít nhất 1 mô hình về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật có sự tham gia của các thành viên trong nhà trường.

Chú trọng công tác tuyên truyền

Đặc biệt, ngành GD&ĐT, trường học chú trọng tổ chức tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật; các quy chế, quy định về công tác bảo đảm ANTT trong nhà trường; các hành vi vi phạm pháp luật phổ biến; những âm mưu, thủ đoạn của tội phạm và sự tác động, lôi kéo đối với HSSV;...

Tổ chức lồng ghép nội dung phòng ngừa tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật qua các chương trình và hoạt động giáo dục của nhà trường, hoạt động Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội SV, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.

Các trường tổ chức nói chuyện chuyên đề, hoạt động văn nghệ, giao lưu; các cuộc thi tìm hiểu dưới dạng bài viết hoặc sân khấu hóa, vẽ tranh, áp phích, sáng tác, biểu diễn tiểu phẩm về đề tài phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho HSSV.

Chú ý xây dựng tin, bài, phóng sự tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, các mô hình, điển hình về công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong HSSV đăng tải trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.

Các cơ sở giáo dục, trường học tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật vào chương trình và hoạt động giáo dục trong trường phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo. Xây dựng và triển khai chương trình, tài liệu giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật thông qua các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa dành cho HSSV.

Để triển khai tốt nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho HSSV, ngành GD&ĐT quan tâm triển khai các tài liệu và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng hàng năm cho cán bộ quản lý, công chức, viên chức về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho HSSV. Trong đó, tổ chức tập huấn nghiệp vụ bảo đảm ANTT trường học, phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên làm công tác bảo vệ, viên chức tham gia các đội thanh niên xung kích, đội thanh niên tình nguyện.

Trước tình hình cháy, nổ phức tạp hiện nay, Bộ GD&ĐT còn chỉ đạo đưa nội dung phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn vào chương trình giảng dạy phù hợp ở các trường học. Khai thác một số ứng dụng, mạng xã hội phù hợp vào công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho HSSV.

Thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Nhà trường phối hợp công an địa phương triển khai, thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tổ chức các mô hình, câu lạc bộ phòng ngừa tội phạm ở trường có đủ điều kiện nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của HSSV tham gia phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật. Chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ trong nhà trường. Tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả trong nhà trường.

Đặc biệt, tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình HSSV trong công tác quản lý, giáo dục, không để người học phạm tội, vi phạm pháp luật và quan tâm đối với HSSV có hoàn cảnh đặc biệt.

Chính quyền các cấp, các ngành chức năng quan tâm công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật đối với nhà trường và HSSV. Thiết lập kênh thông tin và chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất giữa nhà trường với cơ quan công an địa phương; giữa nhà trường với các cơ quan quản lý giáo dục các cấp.

Với sự quan tâm phối hợp của các cấp, các ngành, nhà trường trong phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho HSSV, tỉnh sẽ hạn chế thấp nhất tình trạng bạo lực học đường và xây dựng một môi trường an toàn, thân thiện cho HSSV./.

Tấn Lộc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phong-chong-toi-pham-va-vi-pham-phap-luat-cho-hoc-sinh-sinh-vien-a165176.html