Phòng, chống tốt, giảm thiệt hại

Hôm qua, bão Molave (bão số 9), cơn bão được coi như 'cơn cuồng phong' đã đổ bộ vào vùng Nam Trung bộ. Sức gió đã giảm, nhưng vẫn rất mạnh. Nơi tâm bão đi qua, gió vẫn ở cấp 10, 11 giật cấp 12, 13… Sau bão để lại là cây đổ, nhà đổ, nhà tốc mái, quang cảnh tan hoang.

Chuẩn bị đối phó với bão số 9, Chính phủ đã sớm họp khẩn. Cả miền Trung, nơi dự báo bão đi qua đã căng mình chuẩn bị đón nhận cơn cuồng phong. Các cấp chính quyền, quân đội, người dân đều cùng vào cuộc phòng, chống bão.

Gần nửa triệu dân đã được sơ tán đến nơi an toàn. Tàu thuyền về nơi trú bão. Riêng Quân khu 5 đã huy động hơn 66.000 người, 1.716 phương tiện, gồm đủ tàu, xuồng, máy bay trực thăng chuẩn bị cứu hộ.

“An toàn tính mạng phải là trên hết”, Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp khẩn. “Tinh thần rất khẩn cấp, nên tập trung ứng phó giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản…”, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Sở Chỉ huy tiền phương.

Các lực lượng phòng, chống hối hả vào cuộc. Người dân nhà nhà chèn chống nhà cửa, đào hầm trú bão, sơ tán tránh bão…

Rõ ràng với việc chuẩn bị tốt phòng, chống bão đã giảm thiểu nhiều thiệt hại. Thực tế chỉ cần sơ xảy, chủ quan một chút là hậu quả xảy ra. Nhiều trường hợp thiệt hại về người rất đơn giản như trường hợp người dân đang lưu thông trên đường Đông Trường Sơn (huyện M’ rắk, tỉnh Đắk Lắk), bị gió cuốn tấm tôn văng vào người gây tử vong. Chưa kể tàu thuyền không vào kịp bờ tránh bão.

Cũng từ công tác chuẩn bị tốt, công tác cứu hộ, cứu nạn cũng đã phát huy kịp thời, hiệu quả, như xe bọc thép quân đội đã đưa hai bệnh nhân cấp cứu ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Lực lượng cứu hộ cũng kịp thời cứu trợ, đưa hai ngư dân xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) mắc kẹt về chỗ an toàn…

Những thiệt hại do bão số 9 gây ra là rất lớn, nhưng có thể nói, thiệt hại về người, tài sản đã được hạn chế với mức thấp nhất. Đó là do khâu chuẩn bị phòng, chống tích cực, kịp thời, sự vào cuộc tích cực, bài bản, từ các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, từ cán bộ lãnh đạo đến mọi người dân.

Đất nước ta hàng năm thường xuyên phải chịu đựng thiên tai, bão lũ. Cùng với việc biến đổi khí hậu tác động, thiên tai sẽ càng ngày càng khắc nghiệt hơn. Việc rèn luyện kỹ năng, phương pháp, phòng, chống bão lũ, đối phó với thiên tai là việc luôn phải làm. Càng chuẩn bị, phòng chống tốt, sẽ càng giảm thiểu thiệt hại.

Thiện Dân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phong-chong-tot-giam-thiet-hai-521947.html