Phòng dịch COVID-19, không quên chăm ruộng đồng

Nông dân xã An Định (huyện Tuy An) cấy dặm lúa. Ảnh: LÊ TRÂM

Lúa hè thu đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh nhưng xuất hiện tình trạng sâu bệnh, chuột cắn phá nên nông dân trong tỉnh vừa phòng, chống dịch vừa chăm sóc ruộng đồng, đảm bảo năng suất vụ mùa.

Chăm sóc phòng trừ sâu bệnh

Theo Sở NN-PTNT, vụ lúa hè thu nông dân trong tỉnh xuống giống gần 24.500ha, lúa đang giai đoạn mạ, đẻ nhánh. Hiện nay, bọ trĩ phát sinh gây hại diện tích 2,5ha, tập trung ở Phú Hòa. Ốc bươu vàng cắn phá gây hại rải rác ở các huyện Sơn Hòa, Phú Hòa. Chuột phát sinh, cắn phá rải rác diện tích nhiễm nhẹ 2,5ha ở TX Đông Hòa. Bệnh khô vằn phát sinh gây hại rải rác khoảng 8ha ở huyện Tuy An. Ngoài ra còn có sâu đục thân, bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, sâu keo… gây hại tỉ lệ và mật độ thấp, rải rác ở các địa phương.

Ông Nguyễn Văn Tuấn ở phường Hòa Vinh (TX Đông Hòa) cho hay: Mấy hôm nay thực hiện giãn cách xã hội, sáng tôi không tụ tập uống cà phê ở quán mà ngồi uống tại nhà rồi đi thăm đồng. Ngoài bị chuột cắn phá, thời điểm này lúa xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ gây hại, do mật độ thấp nên tôi không phun thuốc mà chỉ lấy nước đầy đủ trong ruộng rồi bón phân cho lúa phát triển.

Nông dân Bùi Văn Minh ở xã Hòa Xuân Đông (TX Đông Hòa), chiều đi thăm đồng phát hiện tình hình sâu bệnh phát sinh trên ruộng nên đã chủ động phun thuốc diệt bọ trĩ. “Kinh nghiệm mấy năm trước ruộng bị bọ trĩ túm đầu lá lúa, vãi phân mấy cũng không xanh”, ông Minh nói.

Tại huyện Tây Hòa, vụ lúa hè thu nông dân gieo sạ 6.523ha, trong đó trà chính vụ 5.300ha. Phòng NN-PTNT huyện này theo dõi hoạt động của mạng lưới bảo vệ thực vật cơ sở tại các HTX nông nghiệp kinh doanh dịch vụ, đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan vận động nông dân bằng cách thông báo trên đài truyền thanh của xã tăng cường chăm sóc, theo dõi tình hình sâu bệnh hại lúa hè thu.

Ông Phùng Minh Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây, cho hay: HTX cử cán bộ đi thăm đồng, qua đó hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh. HTX triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch COVID-19 bằng cách thông báo nông dân không tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc…

Ông Đào Văn Roa, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cho biết: Khi ruộng đồng sạ xong, để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây lúa, phòng phối hợp với Trạm kênh Nam thủy nông Đồng Cam qua điện thoại bàn về việc điều tiết nước hợp lý; chỉ đạo các trạm bơm điện (do phòng quản lý) tổ chức điều tiết, bơm, tưới đủ nước trong ruộng đảm bảo cây lúa phát triển.

Trong vụ hè thu này, trên 1,37ha ở xã Hòa Thịnh không đủ nước để sạ, phòng khuyến cáo nông dân chuyển đổi cây trồng. Cùng với đó, Phòng NN-PTNT huyện xây dựng phương án phòng, chống hạn cho cây trồng, triển khai các giải pháp phòng, chống nắng hạn kéo dài trong thời gian đến.

Đề phòng khô hạn giữa và cuối vụ

Trên cánh đồng thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An), nông dân tập trung cấy dặm lại những vị trí lúa chết, thưa. Vụ hè thu này, gia đình ông Bùi Văn Tuấn gieo sạ gần 3 sào lúa. Đầu vụ, ốc bươu vàng, chuột cắn phá nên lúa hư chòm bằng sàng, nong, nia nên gia đình tranh thủ cấy dặm. Để cây lúa cấy dặm mau bén rễ, đẻ nhánh, ông Tuấn mua phân NPK để bón.

“Trong số diện tích gieo sạ 3 sào thì có 1 sào sau sạ bị ốc bươu vàng cắn phá nên cây lúa thưa thớt, tôi dùng cây ba chia cấy dặm lại một ngày là xong, sau đó vãi phân lúa đơm màu xanh. Bên cạnh việc chăm sóc cấy dặm, phòng trừ sâu bệnh hại, nông dân cũng thăm đồng để chủ động lấy nước tích trữ trong ruộng”, ông Tuấn nói.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, hiện trên địa bàn còn 27ha chưa sạ, tập trung tại các xã An Ninh Đông, An Cư, đây là số diện tích xa nguồn nước tưới, nhiễm mặn. Phòng NN-PTNT huyện phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam (đơn vị quản lý hồ Đồng Tròn và hệ thống thủy nông Tam Giang) theo dõi công tác bơm tưới vụ hè thu trên địa bàn huyện, đưa ra phương án kịp thời phòng chống hạn trong tình trạng nắng nóng kéo dài dẫn đến khô hạn giai đoạn giữa và cuối vụ.

Ông Nguyễn Văn Phước, nhân viên Tổ thủy nông dẫn nước hồ Phú Xuân (Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam) cho hay: Thời tiết nắng nóng nên ngày nào tổ thủy nông cũng ra đồng dẫn nước về các cánh đồng tránh khô hạn. Trước đây, sau khi dẫn nước đầy ruộng, chúng tôi thường cùng với nông dân ngồi bờ ruộng “tám” chuyện ruộng đồng, nay dịch COVID-19 bùng phát, không tiếp xúc nhiều người, nên làm xong chúng tôi về nhà.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, vụ lúa hè thu, nông dân trong huyện gieo sạ xong với diện tích 1.270/1.450ha, đạt 87,6% kế hoạch, giảm diện tích gieo sạ có nguy cơ thiếu nước ở các xã: Xuân Phước, Xuân Quang 3 và Phú Mỡ. Hiện lúa đang giai đoạn mạ, đẻ nhánh.

Bà Nguyễn Thị Trúc Mai, Phó Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết: Phòng phối hợp với các địa phương và tổ thủy nông vận hành 2 hồ Phú Xuân, Kỳ Châu, tưới tiêu khoa học nhằm tiết kiệm nước, nâng cao năng suất cây trồng. Đồng thời tiếp tục rà soát khắc phục các công trình thủy lợi bị hư hỏng để đảm bảo chủ động tưới tiêu phục vụ sản xuất.

Thời gian đến, địa phương tăng cường công tác điều tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết khí hậu, giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa và các đối tượng dịch hại chính trong vụ hè thu như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, bệnh lem lép hạt… để chủ động quản lý và phòng trừ kịp thời nhằm đảm bảo năng suất cho vụ lúa này.

Ông Nguyễn Lê Lanh Đa, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/260996/phong-dich-covid-19-khong-quen-cham-ruong-dong.html