PHÒNG KHÁM VẼ BỆNH, MOI TIỀN (*): Chiêu thức nuôi bệnh
Không chỉ vẽ từ tai bệnh nhẹ thành bệnh nặng, Phòng khám Đa khoa Hoàn Cầu còn dụ dẫn người bệnh điều trị nhiều ngày với chi phí gần cả chục triệu đồng với danh nghĩa 'hạn chế tác hại của kháng sinh'
Trong vai người có bệnh về tai, phóng viên vào trang web của Phòng khám Đa khoa Hoàn Cầu (Phòng khám Hoàn Cầu; địa chỉ 80 - 82, đường Châu Văn Liêm, phường 11, quận 5, TP HCM) để được tư vấn.
Nội soi tai, chẩn đoán nhiễm nấm (!?)
Qua tin nhắn, từ thông tin là đau, nhức và khó nghe bên tai trái mà phóng viên đưa ra, một người tự xưng là bác sĩ Châu chẩn đoán "qua mạng" là bị giảm thính lực và cảnh báo không điều trị ngay sẽ dẫn đến viêm lan sâu gây rách màng nhĩ, tắc vòi nhĩ hoặc điếc tai.
Bác sĩ Châu đề nghị phóng viên đến Phòng khám Hoàn Cầu để điều trị. Nhẹ thì uống thuốc giá tiền trên 200.000 đồng, trường hợp nặng phải dùng sóng viba thì trên 1 triệu đồng.
Đến Phòng khám Hoàn Cầu theo lịch hẹn, sau khi đăng ký, phóng viên được dẫn lên tầng 3 để được một người không rõ chức danh xưng là bác sĩ Tiến khám. Từ một người chỉ bị viêm ống tai ngoài, bác sĩ Tiến chẩn đoán phóng viên bị viêm tai giữa nên chỉ định kiểm tra chuyên sâu 2 bước: cận lâm sàng và lâm sàng.
"Cận lâm sàng là kiểm tra lại đường kháng khuẩn để xem có bị nhiễm khuẩn không, kiểm tra bằng xét nghiệm. Lâm sàng tức là phương pháp nội soi, xem lại tai ở trong đó có phải bị polyp không và xem lại màng nhĩ của em có bị tổn thương không" - bác sĩ Tiến giải thích.
Về chi phí điều trị, do có đợt giảm giá 50% nên phí khám là 150.000 đồng, gói kiểm tra kháng khuẩn 400.000 đồng và phí nội soi là 400.000 đồng. Tiếp đó, bác sĩ Tiến cho người dẫn phóng viên đi đóng tiền tại lầu 1, cho lấy máu để làm xét nghiệm (!?) (nhưng không thấy nhắc đến việc kiểm tra kháng khuẩn).
Trở lại phòng khám, phóng viên được bác sĩ Tiến trực tiếp khám bằng nội soi. Chưa đầy 1 phút sau, ông kết luận phóng viên bị viêm tai giữa, đã có nấm và đưa ra phương thức điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm.
Cũng theo bác sĩ Tiến, 2 năm trước, đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng sức đề kháng của phóng viên rất nhiều. Hiện trong y khoa, đặc biệt là Phòng khám Hoàn Cầu, hạn chế cho bệnh nhân điều trị, sử dụng kháng sinh dạng viên để khống chế lượng kháng sinh trong người, nhằm bảo vệ dạ dày, gan, thận...
"Tôi kê đơn kháng sinh và kháng viêm nhưng dạng nước, không phải dạng viên. Nếu dạng viên một ngày em phải uống 3, 4 cữ thì giờ tôi chỉ kê một loại. Uống kháng sinh cũng như ăn cơm, ví dụ muốn hấp thụ được hàm lượng kháng sinh đó thì phải đi qua gan, ruột, dạ dày rồi mới sàng lọc qua máu. Còn kháng sinh dạng nước đi qua tĩnh mạch vào thẳng máu. Chưa kể em phải làm thuốc ở tai chứ không phải uống. Kháng sinh nước rất hiệu quả" - bác sĩ Tiến lý giải.
Tiếp đó, bác sĩ này kê đơn rồi yêu cầu phóng viên quay lại lầu 1 để mua thuốc chữa trị, đồng thời cảnh báo chỉ y tá mới có thể truyền thuốc.
Xuống lầu 1, một nhân viên cho biết số tiền chi cho đơn thuốc này là 1.199.000 đồng. Đóng tiền xong, nhân viên dẫn tôi đi truyền dịch.
Chiêu bài... tái khám
Tại lầu 4, nhân viên truyền dịch cho biết phóng viên đang được truyền kháng sinh và một chút vitamin C để hết đau tai. Sau đó, phóng viên trở lại lầu 3 gặp bác sĩ Tiến để làm thuốc lỗ tai bằng cách dùng thuốc dạng nước thấm vào bông y tế, đặt vào tai và dặn nhiều lần không được lấy ra.
"Ngày mai, em phải quay lại đây tái khám, để xem sử dụng thuốc như thế nào. Em bắt buộc phải đến đây để tôi làm thuốc cho. Em tưởng tôi là thánh hay thần y, trị có 1 ngày làm sao hết được! Hôm nay là xong rồi, không phải uống kháng sinh nữa, tôi đã kê đơn kháng sinh để truyền vào tĩnh mạch. Của em điều trị một ngày không được đâu" - bác sĩ Tiến căn dặn.
Trong khi trước đó, quá trình thăm khám và chẩn bệnh, bác sĩ Tiến không hề đề cập việc dùng phương pháp điều trị là đặt thuốc vào tai phải tái khám vào hôm sau.
Khi tôi hỏi chi phí cho ngày điều trị tiếp theo là bao nhiêu thì bác sĩ Tiến cho biết tái khám sẽ không tốn tiền. "Hôm nay tôi kê kháng sinh này tên gọi clindacine. Kháng sinh này pha vào bịch nước muối 250 đã truyền cho em. Còn bịch nước muối 100 em truyền 2 bịch là vitamin C. Tôi chỉ kê một loại kháng sinh, kháng sinh này điều trị rất tốt" - bác sĩ Tiến khẳng định.
Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM: Chỉ bị viêm
Sau khi rời Phòng khám Hoàn Cầu, tôi lập tức đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM để nội soi tai và phết nấm ống tai ngoài. Để có kết quả xác định tai có nhiễm nấm hay không, phóng viên phải đợi hơn 30 phút. Và kết quả hoàn toàn trái ngược với chẩn đoán của bác sĩ Phòng khám Hoàn Cầu: Phóng viên chỉ bị viêm nhẹ ống tai ngoài và âm tính với nấm.
Để có nhiều thông tin hơn về cách thức điều trị ở Phòng khám Hoàn Cầu, hôm sau, tôi trở lại theo lịch hẹn. Bác sĩ Tiến tiếp tục kiểm tra tai phóng viên và cho biết tình trạng bệnh đã đỡ nhiều, hết nấm.
"Tôi hạn chế lượng kháng sinh trong người em ở mức tối đa, không cho em lạm dụng kháng sinh nhiều như lúc trước. Loại kháng sinh này không phải để uống, uống phải mất 15 - 20 ngày nên có thể lạm dụng, còn truyền thì cao lắm 7 ngày là hết. Trước tiên, liệu trình này là 5 ngày và sử dụng liên tục" - bác sĩ Tiến nói với giọng tử tế.
Ngay sau đó, bác sĩ Tiến lại cho người đưa phóng viên xuống lầu 1 để đóng 1.199.000 đồng như lần trước. Như vậy, không chỉ 1 lần mà theo lộ trình do bác sĩ Tiến đưa ra, phóng viên phải đến phòng khám ít nhất 5 lần nữa và chi từ 7 đến hơn 9 triệu đồng cho việc điều trị một bệnh lý mà bản thân không bị mắc là tai có nấm và viêm tai giữa.
Thiếu tiền được ký nợ
Khi đó, tôi được một phụ nữ mặc áo blouse đưa đi tiêm. Tôi than không đủ tiền, người này gợi ý tôi gọi điện cho người nhà nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên, người nhà của phóng viên cho biết chưa thể đến phòng khám đóng tiền hoặc chuyển khoản ngay được mà phải đợi đến chiều.
Sau một hồi thuyết phục bất thành, người này bảo phóng viên còn bao nhiêu tiền thì cứ tạm ứng để tiếp tục điều trị. "Em cứ tạm ứng trước cho chị vài trăm rồi ký nợ lại, truyền thuốc, một lát người nhà em đến trả sau" - chị gợi ý.
Phóng viên đồng ý đóng 100.000 đồng và phần còn lại được ghi nợ. Sau đó, nhân viên cho phóng viên ghi họ tên cùng các thông tin về số tiền đã đóng, số tiền còn nợ vào một quyển sổ và ký tên.
Sau khi được truyền dịch, phóng viên trở lại lầu 3 để gặp bác sĩ Tiến. Ông liên tục hỏi tôi về việc đóng tiền tạm ứng và ký nợ: "Em còn nợ tôi bao nhiêu? Một lát em thanh toán đúng không? Mất công làm xong người nhà đến đây không chấp nhận".
Sau khi được truyền dịch và làm thuốc lỗ tai như 1 ngày trước đó, phóng viên lại được bác sĩ Tiến yêu cầu tái khám vào hôm sau. Tuy nhiên, phóng viên đề nghị được trả hồ sơ bệnh án và được kê thuốc uống chứ không muốn tiếp tục lộ trình điều trị thêm vài ngày nữa.
Chần chừ không muốn trả hồ sơ, bác sĩ Tiến khuyên phóng viên không sử dụng kháng sinh dạng viên với chiêu bài cũ là lạm dụng kháng sinh dạng uống không tốt cho sức khỏe.
"Mình truyền thuốc so với uống thì phí sẽ cao hơn chút xíu, tại vì y tá truyền cho mình họ phải thu phí chứ. Tôi kê thuốc, về nhà em nhờ trạm xá truyền cho thì cũng phải trả họ chút xíu tiền cà phê. Em sử dụng kháng sinh chỉ một loại, giờ uống thì một ngày 2-3 cữ chứ đâu phải một viên, với lại phải kết hợp làm thuốc cho em" - bác sĩ Tiến cố thuyết phục tôi tái khám và làm thuốc ngày hôm sau nhưng tôi từ chối.
Bệnh nặng, có chỉ định nhập viện mới truyền kháng sinh
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một bác sĩ trưởng khoa tai mũi họng tại một bệnh viện trên địa bàn TP HCM cho biết tai gồm 3 phần chính: tai ngoài, tai giữa và tai trong.
Để xác định bệnh viêm tai giữa thì phải thực hiện các xét nghiệm đo thính lực, đo phản xạ, phân tích dịch nhầy, nội soi... Trong đó, ít nhất phải có một hình ảnh học bằng nội soi tai để chứng minh viêm tai giữa mạn hay viêm tai giữa cấp tính.
Đối với nấm, nếu nội soi tai bệnh nhân phát hiện những sợi tơ màu trắng thì lấy mẫu để soi tươi hoặc nhuộm cấy nhằm xác định nấm, từ đó mới có hướng điều trị đúng.
Việc điều trị viêm tai giữa thông thường có thể dùng thuốc uống hoặc trường hợp nặng sẽ có chỉ định tiêm kháng sinh.
Khi người bệnh viêm tai giữa điều trị ngoại trú có thể chỉ dùng thuốc. Còn với viêm tai giữa nặng có chỉ định nhập viện điều trị nội trú thì lúc này tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể khi đã thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng mới chỉ định kháng sinh truyền.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-11