Phòng lửa rừng: Chủ động từ sớm, từ xa

Xác định công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) là nhiệm vụ quan trọng, đảm bảo lĩnh vực lâm nghiệp phát triển hiệu quả, ngay từ đầu năm 2024, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Qua đó, hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 578 nghìn héc-ta đất có rừng, trong đó, rừng tự nhiên có hơn 257 nghìn héc-ta, rừng trồng trên 320 nghìn héc-ta. Trong số diện tích rừng trồng, phần lớn là các loại cây dễ cháy như: thông, keo, bạch đàn.

Các lực lượng chức năng thực hiện diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện Văn Lãng

Các lực lượng chức năng thực hiện diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện Văn Lãng

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả phòng, chống cháy rừng, từ đầu năm 2024, đơn vị đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành quyết định về quy định cấp dự báo cháy rừng và bảng tra cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quy định cụ thể cấp dự báo cháy rừng, biện pháp phòng cháy rừng theo từng cấp; bảng tra cấp dự báo cháy rừng được tính cho 5 vùng sinh thái và phương pháp sử dụng bảng tra cấp dự báo cháy rừng. Đồng thời, đơn vị chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành phố thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống cháy rừng, trong đó, công tác tuyên truyền là trọng tâm.

Theo đó, qua 9 tháng đầu năm 2024, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống cháy rừng được 135 hội nghị với trên 9.600 lượt người tham gia; tuyên truyền lưu động 117 cuộc, tuyên truyền lồng ghép 215 lớp cho trên 13.500 lượt người. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống cháy rừng.

Song song với đó, công tác kiểm tra, truy quét, tuần rừng cũng được lực lượng kiểm lâm tăng cường. Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, tuần rừng được 905 cuộc, kết quả, phát hiện và xử lý 29 vụ vi phạm quy định trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có 1 vụ vi phạm các quy định của pháp luật về PCCCR. Đây cũng là biện pháp quan trọng để nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ, phát triển, phòng, chữa cháy rừng.

Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm cũng chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng; theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng sớm của Cục Kiểm lâm để kiểm tra, phát hiện điểm cháy và có biện pháp xử lý kịp thời.

Ông Phạm Công Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đình Lập cho biết: Từ đầu năm 2024, đơn vị đã phối hợp tổ chức 6 lớp tập huấn cho 390 người tại các xã, thị trấn về công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác này. Đặc biệt, vào thời gian cao điểm dễ xảy ra cháy rừng, đơn vị phân công cán bộ thực hiện công tác tuyên truyền PCCCR thường xuyên, liên tục bằng xe lưu động đến các thôn, bản trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, hạt chỉ đạo bộ phận chuyên môn, kiểm lâm địa bàn thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo cháy rừng tại trang website: http://www.kiemlam.org.vn/ để kiểm tra, phát hiện và có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các điểm cháy. Nhờ đó, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra. Hiện nay, hạt cũng đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức diễn tập PCCCR trong tháng 10/2024 nhằm nâng cao năng lực tổ chức, nhanh chóng thực hiện các biện pháp khi có cháy rừng xảy ra.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua, toàn tỉnh có trên 30.000 ha rừng bị gãy, đổ, chủ yếu là keo, bạch đàn. Khi thời tiết nắng, hanh, lá cây trở nên khô héo, nếu người dân không khắc phục kịp thời cũng là một trong những nguyên dân xảy ra cháy rừng rất cao. Trước nguy cơ đó, lực lượng kiểm lâm cùng với các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân dọn dẹp cây bị gãy, đổ.

Ông Liễu Minh Nghĩa, xã Hòa Bình, huyện Văn Quan cho biết: Gia đình tôi có khoảng 8 ha keo, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, có hơn 2 ha rừng bị gãy, đổ. Được chính quyền xã tuyên truyền khắc phục hậu quả sau mưa bão, đặc biệt, thực hiện công tác phòng, chống cháy rừng trong mùa hanh khô, gia đình tôi đã chủ động dọn dẹp các diện tích cây bị gãy đổ, phát dọn và xử lý thực bì đảm bảo theo quy định.

Nhờ thực hiện các biện pháp trên, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng. Hiện nay, bên cạnh các biện pháp kể trên, lực lượng kiểm lâm đã và đang tiếp tục thực hiện các giải pháp như: thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác PCCCR; xây dựng, hoàn thiện các phương án PCCCR phù hợp với thực tế từng khu vực; thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ và PCCCR... Qua đó, góp phần hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng, đảm bảo hiệu quả phát triển kinh tế lâm nghiệp cho người dân.

CÁT TIÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chu-dong-phong-lua-rung-vao-mua-hanh-kho-5024221.html