Phòng ngừa biến chứng bệnh tiểu đường

Đối với những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, nếu không được điều trị kịp thời sẽ rất dễ gặp các biến chứng khó lường về tim mạch, thận, mắt, hệ thần kinh… Tuy nhiên, nếu kiểm soát tốt được đường huyết, kiểm soát các bệnh cơ hội và phòng ngừa sớm biến chứng, người bệnh hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với căn bệnh tiểu đường.

 Thăm khám cho bệnh nhân điều trị biến chứng tiểu đường -Ảnh: P.T

Thăm khám cho bệnh nhân điều trị biến chứng tiểu đường -Ảnh: P.T

Chung sống với căn bệnh tiểu đường hơn mười năm nay, bà Lê Thị H. ở Phường I, thị xã Quảng Trị cho biết mình đã 2 lần bị loét ở bàn chân. Cả 2 lần, vết loét ở chân bà đều bắt đầu bằng tổn thương nhỏ, không đau, nhưng rất lâu lành khiến bà phải nhập viện điều trị.

Theo các cán bộ y tế trực tiếp điều trị cho bà H. thì đây là một biến chứng thường gặp ở người bệnh tiểu đường. Đối với những bệnh nhân này, chỉ một vết xước nhỏ cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng, loét, hoại tử và nghiêm trọng hơn là có thể sẽ phải cắt bỏ chi. “Trường hợp loét bàn chân như bà H. là hậu quả của quá trình tổn thương thần kinh ngoại vi, tổn thương mạch máu và tình trạng nhiễm trùng. Khi đường máu tăng cao kéo dài, các dây thần kinh bị hư hại khiến người bệnh giảm hoặc mất cảm giác đau nên không phát hiện ra những vết thương nhỏ và không điều trị kịp thời. Ngoài ra, đường huyết cao vừa là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, vừa ức chế hệ thống miễn dịch của cơ thể khiến cho vết thương khó liền, ngày càng nhiễm trùng nặng, tạo ra các ổ loét, dẫn đến tình trạng hoại tử ở bàn chân”, bác sĩ Lê Quý Đạt, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa khu vực (BVĐKKV) Triệu Hải cho biết.

Trong số những biến chứng của bệnh tiểu đường thì hạ đường huyết là một biến chứng cấp tính hết sức nguy hiểm mà nhiều bệnh nhân chưa chú ý đúng mức. Nguyên nhân có thể do dùng thuốc hạ đường huyết quá liều, ăn uống kiêng khem, tập luyện quá sức hay uống quá nhiều rượu. Khi gặp biến chứng này, nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể hôn mê, thậm chí tử vong. Trò chuyện với chúng tôi, bà Hoàng Thị L.- một bệnh nhân tiểu đường ở thôn Ngô Xá Tây, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, cho biết: “Nhiều lần đang di chuyển trên đường, tự nhiên chân tay tôi bủn rủn, mắt mũi xây xẩm, đứng không vững. Cũng may tôi biết rõ bệnh của mình, lại được sự tư vấn của bác sĩ nên tôi lấy kẹo ngậm ngay”.

Theo bác sĩ Lê Quý Đạt thì trong điều trị bệnh tiểu đường, nhiều bệnh nhân không chú ý đề phòng trường hợp có thể hạ đường huyết dù trên thực tế, hạ đường huyết nguy hiểm hơn tăng đường huyết, hạ đường huyết trên 6 giờ có thể dẫn đến chết não. Hạ đường huyết là khi đường huyết ở mức dưới 3,9 mmol/L, đây là một tình trạng rất nguy hiểm, có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cho người bệnh tiểu đường nếu không được kịp thời phát hiện và can thiệp điều trị. Đối với người bệnh tiểu đường, những dấu hiệu sớm giúp nhận biết biến chứng hạ đường huyết bao gồm: người run rẩy; hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu; đổ mồ hôi; bủn rủn chân tay; bồn chồn, khó chịu, căng thẳng, lo lắng, nhịp tim đập mạnh. Tình trạng hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường còn có thể xảy ra trong khi ngủ với các triệu chứng điển hình như mệt mỏi, khó chịu, ý thức không rõ ràng khi thức dậy; đổ mồ hôi trộm vào ban đêm; gặp ác mộng, ngủ không ngon giấc. Nếu tình trạng hạ lượng đường trong máu kéo dài có thể dẫn đến hôn mê bất tỉnh. Ngoài ra còn có các biến chứng nguy hiểm kèm theo gồm động kinh, mất trí và tử vong. Có thể xử trí ban đầu tình trạng hạ đường huyết bằng những cách đơn giản như ăn kẹo, bánh quy ngọt; uống một cốc nước đường, nước ép trái cây… Trong trường hợp người bệnh hôn mê, không được cho bệnh nhân ăn, uống bất cứ thứ gì vì rất dễ gây sặc. Sau 15 phút, cần cho người bệnh thử lại đường huyết, nếu không đỡ, lập tức đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Biến chứng của bệnh tiểu đường có thể chia thành 2 nhóm là biến chứng cấp tính (xảy ra đột ngột trong thời gian ngắn, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời) và biến chứng mạn tính (có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa và tăng đường huyết, lâu dần có thể gây tổn thương đến cơ thể). Để phòng và cải thiện biến chứng ở người bệnh tiểu đường, việc điều trị, chăm sóc để ổn định đường huyết là chưa đủ mà còn phải điều trị tốt các rối loạn chuyển hóa và bệnh cơ hội kèm theo bằng cách kết hợp nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó, giải pháp hữu hiệu nhất chính là việc kết hợp giữa chế độ ăn uống phù hợp, luyện tập hợp lý và tuân thủ sử dụng thuốc điều trị dành cho người bệnh tiểu đường.

“Khi mắc bệnh tiểu đường, người bệnh thường phải đối mặt với nhiều nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm kèm theo về mắt, thần kinh, tim, thận…Tuy nhiên, tình trạng này có thể được kiểm soát và đẩy lùi nếu người bệnh biết cách kết hợp các giải pháp ngăn ngừa và kiểm soát sớm biến chứng một cách hiệu quả. Trong đó, đầu tiên và quan trọng nhất chính là việc kiểm soát tốt đường huyết. Để đạt được mục tiêu đó, người bệnh cần tuân thủ nghiêm việc sử dụng thuốc điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt không được chủ quan bỏ điều trị khi thấy đường máu về đạt mục tiêu; kiểm soát chế độ ăn với việc giảm chất bột, đường, muối, chất béo xấu và chất đạm từ các loại thịt đỏ, trứng, sữa... Nên chú ý đến chế độ ăn uống, luyện tập thể thao. Đặc biệt, cần chủ động nắm rõ các dấu hiệu cảnh báo của biến chứng tiểu đường để giảm thiểu các rủi ro về sức khỏe. Cụ thể, dấu hiệu cảnh báo về biến chứng tim mạch gồm thường xuyên mệt mỏi, đau, khó chịu ở ngực, khó thở, nếu bị tổn thương mạch máu ở chân, bạn có thể bị chuột rút, đau cách hồi, thay đổi màu sắc da, mu chân lạnh, không bắt được mạch... Biến chứng về mắt gồm giảm thị lực, đau nhức hốc mắt, nhìn thấy đốm, chấm đen trước mắt, chảy nước mắt liên tục. Biến chứng thận gồm tiểu đêm nhiều lần, nước tiểu sủi bọt, ngứa da, phù.... Biến chứng thần kinh gồm tê bì, châm chích, đau bỏng rát, chậm tiêu hóa, rối loạn cương dương, tim đập nhanh khi nghỉ....”, bác sĩ Trần Thị Dung, Khoa Nội tổng hợp, BVĐKKV Triệu Hải khuyến cáo.

Phương Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=153249