Phong tỏa kéo dài, tăng trưởng kinh tế của Pháp có thể suy giảm hơn 8%

Một ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo kéo dài lệnh phong tỏa tới 11-5, Bộ trưởng Kinh tế và Bộ trưởng Ngân sách Pháp dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế có thể suy giảm tới 8% và thâm hụt ngân sách cũng có nguy cơ ở mức 9% GDP.

Người dân ở Pháp sẽ phải ở nhà thêm một tháng nữa vì dịch bệnh còn diễn biến khó lường.

Người dân ở Pháp sẽ phải ở nhà thêm một tháng nữa vì dịch bệnh còn diễn biến khó lường.

NDĐT - Một ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo kéo dài lệnh phong tỏa tới 11-5, Bộ trưởng Kinh tế và Bộ trưởng Ngân sách Pháp dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế có thể suy giảm tới 8% và thâm hụt ngân sách cũng có nguy cơ ở mức 9% GDP.

Do bệnh dịch vẫn diễn biến nghiêm trọng, tối 13-4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có bài phát biểu dài gần 30 phút, thừa nhận rằng, nước Pháp "rõ ràng đã không được chuẩn bị đầy đủ" để đối phó với đại dịch Covid-19. Vì vậy, nước Pháp phải tiếp tục một tháng phong tỏa nữa để dồn sức khống chế dịch bệnh, rồi mới có thể khôi phục dần dần hoạt động trên các lĩnh vực.

Như vậy Tổng thống Pháp đã phải điều chỉnh chiến lược chống dịch và phục hồi kinh tế. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình BFM, Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire cho biết, dự luật tài chính sửa đổi 2020 sẽ được tính toán lại đối với mức tăng trưởng GDP.

Tuần trước, Chính phủ Pháp đã dự báo rằng tăng trưởng kinh tế có thể suy giảm rất tồi tệ trong năm 2020, ở mức -6%, còn thâm hụt ngân sách có thể lên tới 7,6% cũng như nợ công là 112%. Đó là mức dự báo cho thời gian phong tỏa trong một tháng.

Nước Pháp tiếp tục đình trệ thêm ít nhất một tháng nữa. Bộ trưởng Bruno Le Maire cho biết, mức dự báo suy giảm tăng trưởng kinh tế tới 8% sẽ được đưa vào dự toán ngân sách sửa đổi. Theo Bộ trưởng Kinh tế Pháp, cần phải xem xét và ước tính rất thận trọng về mức độ ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch đối với hoạt động kinh tế.

Ông Bruno Le Maire cho biết, cùng với việc điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế, Chính phủ tiếp tục tăng cường các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động, tăng gấp đôi ngân sách hỗ trợ khẩn cấp lên 100 tỷ euro. Ông hy vọng rằng, mức độ ảnh hưởng do bệnh dịch và biện pháp phong tỏa sẽ chỉ ở mức như vậy. Tuy nhiên, tình hình kinh tế của Pháp, ở châu Âu và thế giới vẫn có nhiều dấu hiệu bất ổn, khó lường.

Còn Bộ trưởng Ngân sách Gérald Darmanin dự báo rằng, thâm hụt công sẽ cao hơn so với dự kiến trước đó, khoảng 9% GDP và nợ công cũng có thể tăng tới 115% GDP. Trong cuộc phỏng vấn với đài France Info, ông nhận định tình hình ngân sách sẽ vô cùng khó khăn vì toàn bộ nhà hàng, quán bar, khách sạn, cửa hàng và các hoạt động kinh doanh khác phải ngừng hoạt động cả tháng nữa. Ông nói: Thêm mỗi ngày, mỗi tuần phong tỏa sẽ dẫn tới sự sụt giảm rất lớn về nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Theo Hiệp ước bình ổn và tăng trưởng của Liên hiệp châu Âu (EU), giới hạn thâm hụt ngân sách hằng năm của một quốc gia thành viên ở mức 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nợ tích lũy có mức trần là 60%. Do tác động nghiêm trọng của bệnh dịch, ngày 23-3, các Bộ trưởng Tài chính EU đã thống nhất đình chỉ các quy tắc nghiêm ngặt về quản lý thâm hụt công của khối, lần đầu tiên trong lịch sử cho phép các quốc gia thành viên tự do chi tiêu để giải quyết những tác động của dịch Covid-19.

Theo quyết định mới do Tổng thống Pháp đưa ra ngày 13-4, kể từ 11-5, chỉ có các nhà trẻ và trường từ mẫu giáo đến trung học sẽ mở cửa dần dần và tùy tình hình ở các khu vực, còn các trường đại học tiếp tục đóng cửa cho đến hè.

Những công ty có khả năng tạo điều kiện cho nhân viên tiếp tục làm việc trong môi trường an toàn sẽ tiếp tục hoạt động. Những lĩnh vực kinh doanh như khách sạn, nhà hàng, du lịch, tổ chức sự kiện, rạp chiếu phim, bảo tàng sẽ tiếp tục ngừng hoạt động. Các sự kiện lớn sẽ phải hoãn cho tới giữa tháng 7.

Tổng thống Macron cũng thông báo chiến lược phục hồi hoạt động kể từ ngày 11-5. Theo đó, Pháp sẽ tăng cuờng xét nghiệm toàn bộ những người có triệu chứng Covid-19. Những người đã bị nhiễm virus có thể sẽ bị cách ly và được bác sĩ theo dõi điều trị.

Tổng thống Macron cũng cam kết, kể từ ngày 11-5, với sự tham gia của chính quyền địa phương, Nhà nước sẽ bảo đảm cho mỗi người dân Pháp có đủ khẩu trang, loại dành cho công chúng để mang khi ra đường nhằm ngăn ngừa virus corona.

Sáng 14-3, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner giải thích rằng, thông báo của Tổng thống về thời hạn khôi phục hoạt động một phần vào ngày 11-5 chỉ là mục tiêu. Thời điểm này không phải để bãi bỏ lệnh phong tỏa, mà phong tỏa được kéo dài cho đến ngày đó.

Kể từ ngày 17-3, các lực lượng cảnh sát và hiến binh trên toàn nước Pháp đã tiến hành khoảng 11,8 triệu lượt kiểm tra, phạt hơn 700 nghìn người vi phạm lệnh hạn chế di chuyển.

KHẢI HOÀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44081302-phong-toa-keo-dai-tang-truong-kinh-te-cua-phap-co-the-suy-giam-hon-8.html