Phong trào 'không mua gì' càn quét thế giới

Phong trào 'không mua gì' đã càn quét thế giới, giúp tăng cường kết nối cộng đồng và thậm chí mang đến sợi dây cứu sinh trong đại dịch Covid-19.

Đến 21h ngày 5/4, nhà chức trách Ottawa (Canada) nhận được báo cáo về 600 cây xanh bị đổ và hàng triệu người chìm trong bóng tối khi một cơn bão băng dữ dội đổ bộ vào khu vực này. Hai người chết do bị cây hoặc cành cây đè trúng.

Chính trong bóng tối lạnh giá này, một nhóm “buy nothing” (Tạm dịch: Không mua gì) ở địa phương đã giúp đỡ các thành viên của nhóm.

“Những người vẫn có điện đã cho bảo quản nhờ thực phẩm trong tủ đông. Nhiều người đã cung cấp nơi sạc điện thoại di động, bữa ăn nóng hoặc nơi để tắm. Và họ đã đăng tải thông tin về những cái cây bị đổ”, Jodi Ettenberg, nhà văn 43 tuổi sống ở Ottawa và là thành viên của nhóm “buy nothing” địa phương, chia sẻ.

Trên các nhóm “buy nothing”, các thành viên đăng lên mạng xã hội bất cứ thứ gì họ muốn cho đi, cho mượn hoặc chia sẻ với những người hàng xóm hay yêu cầu bất cứ thứ gì họ cần. Hành vi mua bán bằng tiền không xuất hiện trong các nhóm như vậy.

Trao đổi cả vật chất lẫn kiến thức chuyên môn

Phong trào “buy nothing” sao chép mô hình một mạng lưới quan hệ kiểu cũ tại những khu phố. Dự án này có hơn 6 triệu thành viên trên 44 quốc gia, trong đó nhóm mà bà Ettenberg tham gia có khoảng 2.100 thành viên.

Phong trào được bắt đầu từ một nhóm trên Facebook - Buy Nothing Bainbridge, do Rebecca Rockefeller và Liesl Clark sáng lập năm 2013. Họ đến từ đảo Bainbridge, phía Đông Seattle (Mỹ), đồng thời đều hướng tới lối sống bền vững và tiết kiệm.

Sứ mệnh của phong trào này là “cho, nhận, cho vay, chia sẻ và thể hiện lòng biết ơn trong nền kinh tế quà tặng địa phương, nơi của cải thực sự là mối quan hệ giữa những người hàng xóm”.

Theo bà Clark, họ có thể tạo ra tác động về kinh tế, môi trường và xã hội lớn hơn nếu chia sẻ, cho vay và vay một cách có ý thức trong nền kinh tế tuần hoàn ở mỗi cộng đồng.

Chẳng hạn, nếu muốn thanh lý một thiết bị cũ nhưng vẫn còn sử dụng được, một người nào đó có thể đăng bài trên nhóm “buy nothing” tại địa phương của họ. Một hộ gia đình khác cần món đồ đó có thể nhận nó miễn phí.

Trong các nhóm “buy nothing”, các thành viên cung cấp mọi thứ từ đồ dùng trẻ em đến đồ nội thất, nhưng không phải lúc nào cũng là "đồ đạc". Katie Emery, một cư dân Los Angeles, cho biết đôi khi mọi người cho hoặc nhận kiến thức chuyên môn.

Chẳng hạn, cô cho biết một thành viên trong nhóm đã đề nghị tặng một giờ để tư vấn cho ai đó về việc làm vườn.

 Phong trào "buy nothing" dần trở nên phổ biến khắp thế giới. Ảnh: AP.

Phong trào "buy nothing" dần trở nên phổ biến khắp thế giới. Ảnh: AP.

Các thuật ngữ như first come first serve (Tạm dịch: Đến trước thì phục vụ trước) sẽ không được khuyến khích. Bạn không đặt đồ đạc của mình trên đường với hy vọng ai đó sẽ lấy nó trước khi xe rác đến, New York Times nhận định.

Thay vào đó, bạn đang có ý định “tặng” tài sản của mình. Tại đây, tất cả mặt hàng đều có giá trị như nhau, các thành viên không được phép trao đổi hoặc đổi chác, vì mỗi mặt hàng được coi là một món quà độc lập với bất kỳ thứ gì khác. Những hạn chế như vậy có thể gây khó chịu cho một thành viên muốn trao đổi hàng hóa lấy dịch vụ chẳng hạn.

Bà Clark được truyền cảm hứng từ quãng thời gian ở những ngôi làng xa xôi tại Nepal. Bà đã nhận thấy rằng mọi người tái sử dụng đồ đạc của họ và chia sẻ thay vì mua những thứ họ cần.

Các nhóm trên khắp thế giới được điều hành bởi các quản trị viên độc lập. Ngoài ra, vào năm 2021, những người sáng lập đã ra mắt một ứng dụng cho phép các nhóm hoạt động độc lập với Facebook.

Sự phát triển của phong trào này đã mang lại nhiều kết quả khác nhau. Một báo cáo gần đây trên Wired, một ấn phẩm lớn của Mỹ, tuyên bố rằng phong trào đã thất bại, sau những bất đồng của các thành viên với những người sáng lập hoặc giữa các thành viên với nhau. Tuy nhiên, một số thành viên cho rằng đó là nói quá.

“Chúng tôi không chỉ thiết lập ngày càng nhiều nhóm ‘buy nothing’ trên Facebook, mà chúng tôi còn nhận được trung bình 1.500 lượt tải xuống ứng dụng ‘buy nothing’ mỗi ngày”, bà Clark chia sẻ.

Sợi dây cứu sinh

Trong khi đó, bà Ettenberg cho rằng vấn đề như vậy chỉ xảy ra khi nhóm có quy mô quá lớn. “Ngoài ra, điều đó còn phụ thuộc vào vị trí của cộng đồng. Khu vực Ottawa của tôi dường như không có bất kỳ vấn đề mâu thuẫn nội bộ, sự nhỏ nhen hay tranh cãi nào”, bà nói thêm.

Theo bà, phong trào càng phổ biến rộng rãi, có khả năng nhiều người sẽ tham gia với những mục đích sai trái hoặc không cởi mở trước những nét đặc trưng của tập thể. Đối với "buy nothing", nét đặc trưng đó chính là việc đây là một nền kinh tế tặng quà, vì vậy bạn không thể bán mọi thứ.

Linda True, cư dân San Francisco, cũng hài lòng với nhóm “buy nothing” tại địa phương. Nhóm này hoạt động tích cực đến mức quản trị viên phải giới hạn số lượng thành viên.

“Tôi có xu hướng cho đi rất nhiều món đồ mới lạ. Đó là một cách để truyền niềm vui”, bà True, 45 tuổi, cho biết. Đó cũng là một cách hay để tương tác tích cực với mọi người trong giai đoạn cách ly của đại dịch Covid-19, bà chia sẻ thêm.

 Các nhóm "buy nothing" không chấp nhận giao dịch bằng tiền bạc. Ảnh: Wired.

Các nhóm "buy nothing" không chấp nhận giao dịch bằng tiền bạc. Ảnh: Wired.

Tương tự, bà Ettenberg nhận thấy nhóm “buy nothing” tại địa phương của mình là “sợi dây cứu sinh” trong đại dịch. “Tôi sẽ cho mọi thứ và nói chuyện với họ trong vài phút, và một số người trong số họ đã trở thành bạn bè”, bà chia sẻ.

Việc cho đi những món đồ không còn muốn sử dụng không phải là điều gì mới. Tuy nhiên, phong trào “buy nothing” biến hành động cho đi những thứ bản thân không cần thành một cách để gặp gỡ và kết bạn với những người hàng xóm.

Theo quan điểm của “buy nothing”, mọi thứ chúng ta sở hữu đều có giá trị, nếu bạn có thể tìm thấy người cần nó.

“Nếu chúng ta có thể tái sử dụng, tân trang, sửa chữa và tiếp tục tái chế những món đồ này thì không cần phải vứt bỏ bất cứ thứ gì”, New York Times dẫn lời bà Clark.

“Hy vọng rằng cuối cùng chúng ta sẽ tặng những món đồ mà bản thân không sử dụng và mọi người sẽ làm điều này trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta càng khắc sâu hành vi đó trong cộng đồng của mình, thì tất cả chúng ta sẽ càng có cuộc sống”, bà khẳng định.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phong-trao-khong-mua-gi-can-quet-the-gioi-post1424970.html