Phong trào phản đối lỗ hổng pháp lý giúp 'yêu râu xanh' thoát tội lan rộng khắp Nhật Bản

Hàng trăm người dân Nhật Bản đã đổ xuống đường trên khắp Nhật Bản để phản đối một loạt quyết định tha bổng cho tội phạm tình dục nam trong các vụ án tấn công tình dục gần đây tại đất nước này. Phong trào đồng hành cùng những nạn nhân bị tấn công tình dục đã lan rộng tại 9 thành phố tại Nhật Bản.

Phong trào Flower Demo là phong trào đồng hành cùng những nạn nhân bị tấn công tình dục tại Nhật Bản. Hiện phong trào này đã lan rộng đến 9 thành phố lớn trên khắp nước Nhật Bản, gồm: Sapporo, Sendai, Tokyo, Nagoya, Osaka, Kobe, Yamaguchi, Fukuoka và Kagoshima.

Những người dân đổ xuống trong phòng trào Flower Demo với khẩu hiệu Me Too, With you cùng những bông hoa trên tay, một biểu tượng của sự đồng cảm với các nạn nhân bị tấn công tình dục.

Phong trào Flower Demo bắt đầu từ tháng 4 khi hàng trăm người biểu tình ở Tokyo và Osaka nhằm chống lại các phán quyết vô lý, bao gồm phán quyết ngày 26/3 của Tòa án quận Nagoya Chi nhánh Okazaki trong một vụ kiện loạn luân. Trong vụ án này, nạn nhân 19 tuổi đã phải quan hệ tình dục với cha mình trái với ý muốn vào năm 2017 và sau khi bị ông ta lạm dụng tình dục nhiều lần. Tuy nhiên, tòa án đã tha bổng cho người đàn ông bệnh hoạn này khi đưa ra phán quyết: Nạn nhân có thể chống lại nếu cô ấy muốn.

Phán quyết trên không chỉ gây phẫn nộ trong dư luận mà còn dấy lên làn sóng phản đối và chỉ trích công khai của một số chuyên gia pháp lý.

Tương tự vụ án trên là vụ việc của Miyako Shirakawa khi mới 19 tuổi khi bị một người đàn ông lớn tuổi hơn mình cưỡng hiếp. Nạn nhân Shirakawa cho hay lúc vụ tấn công diễn ra, tâm trí của cô trở nên trống rỗng và rơi vào trạng thái "đóng băng" khiến cô không thể phản kháng.

Năm nay Miyako Shirakawa 54 tuổi, hiện là bác sĩ tâm lý điều trị cho các nạn nhân bị xâm hại tình dục. Miyako Shirakawa giải thích những biểu hiện của bà lúc đó là "phản ứng hoàn toàn bình thường, theo bản năng, như một hình thức tự vệ về tâm lý". Đến khi bà lấy lại được nhận thức, mọi thứ đã muộn.

Nhưng theo luật Nhật Bản, nếu nạn nhân không chống trả, các công tố viên không thể truy tố thủ phạm tội hiếp dâm. Sau sự việc, Shirakawa không báo cảnh sát, dù bà mang bầu và phải phá thai.

Các nhà lập pháp Nhật Bản năm 2017 sửa đổi luật hình sự về tội hiếp dâm, bổ sung những hình phạt nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên, bộ luật vẫn giữ nguyên yêu cầu gây tranh cãi về việc một vụ án chỉ được xác định là hiếp dâm khi liên quan đến bạo lực và hành vi đe dọa hoặc nạn nhân "không có khả năng kháng cự".

Người biểu tình giơ biển hiệu và hoa ở gần ga Tokyo vào ngày 11/6 như một phần của phong trào Flower Demo được tổ chức trên 9 thành phố tại Nhật. Ảnh: KYODO

Người biểu tình giơ biển hiệu và hoa ở gần ga Tokyo vào ngày 11/6 như một phần của phong trào Flower Demo được tổ chức trên 9 thành phố tại Nhật. Ảnh: KYODO

Khoảng 100 người đã tham gia cuộc biểu tình vào ngày 11/6, tại Fukuoka, trong đó có cả nghệ sĩ Minori Kitahara - người đã tổ chức chiến dịch Flower Demo phản đối sự thất bại của hệ thống pháp luật Nhật Bản trong việc trừng phạt tội phạm tình dục.

Một người phụ nữ bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương sau khi bị quấy rối tình dục 15 năm trước, đã nhấn mạnh với những người khác tại cuộc biểu tình: “Nạn nhân chắc chắn có thể phục hồi nếu họ có được sự hỗ trợ thích hợp. Hãy cùng nhau làm việc này để chúng ta có thể biến nỗi đau thành sức mạnh”.

Minami Ejiri, một phụ nữ làm nội trợ tham gia biểu tình Flower Demo ở Nagoya, cho biết, phán quyết của Tòa án quận Nagoya Chi nhánh Okazaki là một cú sốc lớn. Cô đã tham gia tổ chức cuộc biểu tình trong thành phố.

“Chúng ta hãy tiếp tục lên tiếng chống lại những điều không hợp lý. Mặc dù chúng tôi không là ai cả, nhưng chúng tôi không đơn độc”, Ejiri nói.

Hàng trăm người cũng đã tập trung tại cuộc biểu tình được tổ chức gần ga Tokyo.

Các phán quyết vô lý khác của tòa án mà những người biểu tình tập trung để phản đối bao gồm một vụ án mà một người đàn ông bị buộc tội cưỡng hiếp một người phụ nữ sau khi cô bị chuốc rượu. Tuy nhiên, Tòa án quận Fukuoka đã phán quyết người đàn ông trên vô tội vào ngày 12/3, với lý do người này hiểu lầm rằng, người phụ nữ kia đã đồng ý quan hệ tình dục với anh ta.

Hàng loạt vụ tha bổng gần đây đã khiến dư luận Nhật Bản tiếp tục thể hiện sự phẫn nộ đối với tiêu chuẩn pháp lý này. Các nhà hoạt động xã hội cho rằng nó đặt gánh nặng không công bằng lên các nạn nhân, ngăn họ lên tiếng tố giác hành vi hiếp dâm và nếu đủ dũng cảm để lên tiếng, cơ hội chiến thắng tại tòa của họ cũng bị ảnh hưởng.

Theo những người phản đối, luật Nhật Bản cần phải được xem xét lại để liệt mọi hành động cưỡng ép tình dục vào hành vi tội ác mà không có bất kỳ ngoại lệ nào, giống cách những nước phát triển như Anh, Đức và Canada đang làm.

"Xem xét bạo lực tình dục từ góc nhìn của nạn nhân là một xu hướng toàn cầu. Đã đến lúc thay đổi hệ thống pháp luật và cả xã hội Nhật Bản vốn không thể làm được điều này", Minori Kitahara, nhà hoạt động dẫn đầu những cuộc biểu tình phản đối các phán quyết gây bất bình gần đây liên quan tới tội phạm tình dục ở Nhật, cho hay.

Một báo cáo hồi năm ngoái do Vụ Bình đẳng giới Nhật Bản thực hiện cho thấy gần 60% nạn nhân nữ bị ép buộc quan hệ tình dục đã quyết định không nói với ai về những gì họ phải trải qua.

Ngoài gánh nặng pháp lý, theo giới chuyên gia, quan điểm phổ biến lâu nay ở Nhật cho rằng phụ nữ phải có trách nhiệm bảo vệ sự trong trắng của bản thân là một lý do khác khiến các nạn nhân bị xâm hại tình dục ngần ngại lên tiếng. Luật hiếp dâm Nhật Bản được đưa ra từ trước cả khi phụ nữ có quyền đi bỏ phiếu và mục đích chính chỉ là nhằm bảo vệ danh dự của gia tộc, dòng họ.

Trà Li Japan Times

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/phong-trao-phan-doi-lo-hong-phap-ly-giup-yeu-rau-xanh-thoat-toi-lan-rong-khap-nhat-ban-post60813.html