Phong trào sáng tạo đồ dùng, đồ chơi ở Trường Mầm non thị trấn Trần Cao

Từ những vật liệu đơn giản, dễ tìm, thân thiện với môi trường, qua đôi bàn tay khéo léo cùng trí tưởng tượng phong phú của các cô giáo Trường Mầm non thị trấn Trần Cao (Phù Cừ) đã được “hô biến” thành nhiều bộ đồ dùng, đồ chơi an toàn, mang tính giáo dục, thẩm mỹ cao, tạo niềm vui, hứng thú cho trẻ.

Đến tham quan Trường Mầm non thị trấn Trần Cao, chúng tôi không chỉ ấn tượng trước quang cảnh trường, lớp khang trang, sạch đẹp mà còn ngỡ ngàng khi thấy hầu hết các tiểu cảnh, đồ dùng, đồ chơi trong mỗi lớp học là sản phẩm do giáo viên tự tay làm. Cô giáo Vũ Thị Nga, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tư duy của trẻ mầm non là tư duy hình ảnh, vì vậy đồ dùng, đồ chơi trực quan là không thể thiếu trong các hoạt động dạy và học, qua đó tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện. Thời gian qua, nhà trường có nhiều hoạt động nhằm khuyến khích giáo viên sáng tạo, thiết kế các loại đồ dùng phù hợp với từng chủ điểm, chủ đề cũng như các góc hoạt động và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để góp phần thực hiện tốt chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.

Một giờ thực hành làm đồ chơi của cô và trò Trường Mầm non thị trấn Trần Cao

Phong trào sáng tạo đồ dùng, đồ chơi tại Trường Mầm non thị trấn Trần Cao đã duy trì nhiều năm nhưng được đẩy mạnh từ năm học 2021 – 2022 khi thực hiện dồn ghép các điểm trường lẻ về trường chính. Hiện nay, trên 50% số đồ dùng, đồ chơi trong nhà trường là sản phẩm do các cán bộ, giáo viên thực hiện và được vận dụng đưa vào bài giảng theo chủ đề, chủ điểm hàng tuần.

Tại nhà trường, mỗi lớp học là một thế giới riêng thu nhỏ để từng cô giáo thỏa sức sáng tạo. Những bức tranh, vườn cây đầy hoa trái được tô điểm trên nền tường, bên dưới là góc trưng bày đồ dùng, đồ chơi tự tạo. Điểm đặc biệt là tất cả đều được các cô “thổi hồn” từ những nguyên vật liệu cũ, an toàn và thân thiện với môi trường như: Len, xốp, vải dạ, vỏ lon bia, bìa cát tông, sỏi, đá… Cô giáo Đỗ Thị Bích được đồng nghiệp quý mến gọi là “cây sáng tạo” đồ dùng của nhà trường. Cô thường tận dụng những vật liệu sẵn có trong tự nhiên, thân thiện với môi trường để tạo thành những món đồ chơi dân gian truyền thống như bàn cào, quang gánh, thúng, mẹt… khiến trẻ say mê và thích thú. Cô giáo Bích cho biết: Qua nhiều năm công tác tôi nhận thấy trẻ rất thích được chơi với những đồ chơi mới lạ, đặc biệt là những đồ chơi tự làm, khi đó sẽ phát huy tốt hơn tính tích cực sáng tạo và hứng thú trong các hoạt động. Hơn nữa, khi làm đồ chơi cho trẻ và khi trẻ chơi những đồ chơi do chính tay chúng tôi làm ra, tình cảm cô và trò sẽ trở nên gần gũi, gắn bó hơn.

Mong muốn mang đến cho học sinh những trải nghiệm lý thú, nhiều giáo viên còn hướng dẫn, lôi cuốn học sinh cùng tham gia bằng cách gợi ý tự chọn màu sắc, hướng dẫn làm đồ dùng, đồ chơi gần gũi, quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của trẻ. Bé Phạm Nhật Khang, lớp 5 tuổi tươi cười nói: Theo hướng dẫn của các cô, cháu đã biết ghép cánh hoa từ nắp chai, rồi tô màu thành những bông hoa đẹp. Cháu rất thích.

Nhiều cha, mẹ học sinh còn mang nguyên vật liệu đến tặng nhà trường, từ vỏ chai nhựa, vỏ lon bia đến những tấm vải, ruột bông gối... Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, một phụ huynh chia sẻ: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều đồ dùng, đồ chơi cho trẻ em, tuy nhiên những sản phẩm do cô giáo và các con tự tay làm ra không chỉ an toàn mà còn khiến các cháu thấy yêu thích và hứng thú hơn. Tôi rất ủng hộ và trân trọng sự nỗ lực, hết lòng vì các con của giáo viên nhà trường.

Những đồ dùng học tập, đồ chơi do giáo viên Trường Mầm non thị trấn Trần Cao thực hiện không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn góp phần tạo dựng được môi trường trải nghiệm cho trẻ, giúp các con cảm nhận được sự vật một cách trực quan, sinh động. Từ đó, giúp các cô giáo thuận lợi hơn trong việc giáo dục kỹ năng sống, giúp trẻ yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường...

Dương Miền

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202210/phong-trao-sang-tao-do-dung-do-choi-o-truong-mam-non-thi-tran-tran-cao-042227f/