Phong trào thi đua 'Dân vận khéo' của Hội Nông dân Mai Sơn

Những năm qua, Hội Nông dân huyện Mai Sơn đã tích cực triển khai phong trào thi đua 'Dân vận khéo', góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Cán bộ Hội Nông dân xã Cò Nòi (Mai Sơn) hướng dẫn người dân chăm sóc vườn nhãn.

Cán bộ Hội Nông dân xã Cò Nòi (Mai Sơn) hướng dẫn người dân chăm sóc vườn nhãn.

Hội Nông dân huyện Mai Sơn có trên 19.400 hội viên, sinh hoạt ở 22 cơ sở hội xã, thị trấn. Để thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về công tác dân vận, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận trong các phong trào thi đua. Chỉ đạo, hướng dẫn các hội cơ sở xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực; trong đó, chú trọng xây dựng mô hình ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Đến nay, các cơ sở hội nông dân trong toàn huyện đã xây dựng 161 mô hình dân vận khéo.

Thể hiện rõ nhất là tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Từ năm 2010 đến nay, Hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện tổ chức 754 buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho hơn 42.840 lượt cán bộ, hội viên; xây dựng hơn 20 mô hình trồng bưởi da xanh, xoài, nhãn, na, trồng rau sạch, trồng cỏ nuôi bò sinh sản, nuôi dê... Từ các mô hình này, nông dân các xã, thị trấn đã ra sức thi đua mở rộng sản xuất, hình thành nên các vùng sản xuất nông sản tập trung, như: sản xuất cây ăn quả tại thị trấn Hát Lót và các xã: Cò Nòi, Hát Lót, Nà Bó; mô hình trồng rau sạch, nuôi lợn thịt ở xã Mường Bon, Chiềng Mung; mô hình trồng cây sơn tra, trồng rừng kết hợp chăn nuôi đại gia súc ở các xã vùng cao Nà Ớt, Phiêng Pằn, Tà Hộc; mô hình trồng chè ở Phiêng Cằm.

Nổi bật, đã có nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, như: Chi hội nông dân bản Mé Lếch (Cò Nòi) đã vận động gia đình hội viên chuyển đổi hơn 80 ha ngô, mía thu nhập thấp sang trồng xoài, nhãn, na cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng/ha; mô hình kinh tế của gia đình hội viên Nguyễn Ngọc Dũng, bản Nong Xôm (Hát Lót) trồng 5 ha bưởi da xanh theo quy trình VietGap, mỗi năm thu nhập hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng; mô hình kinh tế của gia đình hội viên Nguyễn Quang Vinh, tiểu khu 8 (Nà Bó) trồng 5 ha thanh long ruột đỏ, xoài, nhãn, mỗi năm cho thu nhập 600-700 triệu đồng...

Trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân huyện Mai Sơn đã tích cực phối hợp với mặt trận và các đoàn thể các xã, thị trấn vận động cán bộ, hội viên tham gia tự nguyện góp ngày công, hiến đất, vật liệu để xây dựng các công trình phúc lợi. Nhiều địa phương điển hình trong phong trào này, như: Cò Nòi, Mường Chanh, Nà Bó, Chiềng Ban, Chiềng Mung, Hát Lót với phong trào làm đường giao thông nông thôn; xã Nà Bó và xã Cò Nòi duy trì tốt mô hình “Thu gom rác thải bảo vệ môi trường”; xã Chiềng Ban, Mường Chanh với mô hình “Xây dựng đô thị văn minh xanh, sạch, đẹp”... Qua rà soát, toàn huyện đã đạt 248 tiêu chí nông thôn mới; bình quân mỗi xã đạt 11,8 tiêu chí; 6 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; 5 xã đạt từ 10-13 tiêu chí; 10 xã đạt từ 6-9 tiêu chí.

Qua phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội Nông dân huyện Mai Sơn đã khơi dậy được tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của hội viên và nông dân, góp phần nâng cao đời sống cho hội viên, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội.

Nguyễn Thư

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phong-trao-thi-dua-dan-van-kheo-cua-hoi-nong-dan-mai-son-32770