Phong trào thi đua yêu nước đã khơi dậy trách nhiệm với cộng đồng, xã hội của nhân dân Thủ đô

Sáng 3-10, trong không khí chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội, 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và chào mừng Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP (nhiệm kỳ 2020-2025), Thành ủy-HĐND-UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Đại hội thi đua yêu nước TP giai đoạn 2020-2025 với chủ đề: 'Đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, thi đua xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại'.

Tới dự đại hội, đại biểu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương.

Đại biểu TP Hà Nội dự đại hội có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Trưởng các ban Đảng Thành ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị, quận, huyện, thị xã; đại biểu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các vị lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và hơn 600 đại biểu là công dân Thủ đô ưu tú, đại diện tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt tiêu biểu giai đoạn 2015-2020.

Báo cáo kết quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng giai đoạn 2015-2020, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Thành phố cho biết: Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước phát động và tổ chức phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”. Sau 28 năm triển khai thực hiện, đến nay phong trào đã trở thành phong trào thi đua trọng tâm, xuyên suốt trong tất cả các lĩnh vực công tác và đời sống xã hội của Thủ đô.

Điểm nổi bật trong giai đoạn 2015-2020, phong trào đã được TP gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thường xuyên đổi mới trong triển khai thực hiện với nhiều giải pháp, biện pháp đã thực sự khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân, tương ái, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội của nhân dân Thủ đô.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại đại hội (ảnh V.T)

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại đại hội (ảnh V.T)

Các cấp, ngành và đơn thị thuộc TP đã chủ động tổ chức và triển khai với sự chỉ đạo quyết liệt và trách nhiệm của người đứng đầu tại các đơn vị; gắn phong trào “Người tốt, việc tốt” với các phong trào thi đua yêu nước, hướng về cơ sở, phục vụ lợi ích của nhân dân. Do vậy, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân trong việc thực hiện, giới thiệu và biểu dương các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong các lĩnh vực.

Phong trào đã thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của các cấp, các ngành, nhân dân Thủ đô và được các bộ, ban, ngành Trung ương trên địa bàn, một số tỉnh, TP nghiên cứu, học tập cách làm và tổ chức triển khai thực hiện ở địa phương, đơn vị mình. Từ phong trào đã phát hiện, biểu dương, khen thưởng nhiều tấm gương sáng với nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng nhân ái, không quản ngại khó khăn, vượt lên chính mình cống hiến cho cộng đồng và xã hội được tuyên truyền, nhân rộng và lan tỏa trong cộng đồng.

5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước của TP Hà Nội luôn đổi mới về nội dung, phương pháp tổ chức phong trào hướng về cơ sở và người lao động trực tiếp, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, khâu yếu, việc khó với chủ đề, tên gọi, khẩu hiệu hành động và tiêu chí thi đua cụ thể. Nhiều phong trào thi đua với nội dung ngày càng thực chất hơn đã góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của TP.

Nổi bật, phong trào thi đua yêu nước lĩnh vực kinh tế được thành phố triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, chuyển dịch cơ cấu, năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện. Hà Nội đã góp phần tích cực trong tăng trưởng cả nước, cụ thể, đóng góp trên 16% tổng sản phẩm trong nước (GDP), 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Thủ đô xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, động lực phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước...

Điểm đột phá trong 5 năm (2015-2020), TP đã phát động Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt, nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, cả hệ thống chính trị cùng phát hiện, giới thiệu và biểu dương các gương điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt. 5 năm qua đã có hơn 5.000 cá nhân người tốt - việc tốt tiêu biểu được TP biểu dương, khen thưởng và hơn 30.000 cá nhân người tốt - việc tốt được các quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể và đơn vị thuộc TP biểu dương, khen thưởng.

Với những kết quả đạt được, 5 năm qua, nhân dân và cán bộ TP Hà Nội đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Hàng vạn tập thể, cá nhân thuộc TP được Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội khen thưởng. Trong đó, 3.721 tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ khen thưởng; 42.556 tập thể, cá nhân được UBND TP Hà Nội khen thưởng.

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2020-2025, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nêu rõ, công tác thi đua, khen thưởng trong 5 năm tới cần được tiếp tục đổi mới, tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu. Đó là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thi đua, khen thưởng, tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TƯ của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; trong đó: Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Gắn các phong trào thi đua yêu nước với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền nhân rộng điển hình tiên tiến.

Đổi mới việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, bám sát nhiệm vụ trọng tâm, các khâu yếu, việc khó của mỗi địa phương, đơn vị; xây dựng các giải pháp phù hợp, nhân rộng các mô hình, điển hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong tổ chức triển khai phong trào.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát hiện, tuyên truyền, bồi dưỡng, nhân điển hình tiên tiến, thực hiện đồng bộ tốt cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân điển hình tiên tiến. Có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới trong từng năm và cả giai đoạn.

Nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác, khen thưởng thành tích trong lao động sáng tạo. Quan tâm khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, các tập thể, cá nhân dũng cảm cứu người, tài sản của Nhà nước và nhân dân… Thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng. Phát huy vai trò của các ngành, các cấp, các đoàn thể và các kênh thông tin trong việc phát hiện các điển hình để khen thưởng…

Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương cho rằng, Hà Nội nghìn năm văn hiến là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Giai đoạn 2015-2020, Hà Nội thường xuyên phát động tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua, nhiều phong trào mang sắc thái riêng của Thủ đô, có sức lan tỏa mạnh mẽ, như phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”; phong trào thi đua xây dựng "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh"; phong trào thi đua hành động "Năm trật tự và văn minh đô thị-2015, 2016”, "Năm kỷ cương hành chính - 2017”...

"Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương hoan nghênh Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên đã phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”, Thủ tướng Chính phủ nói.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội

Cơ bản thống nhất phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp về công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2020-2025 của Hà Nội, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung. Đó là tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Thực tiễn cho thấy, chỉ khi nào công tác thi đua khen thưởng được cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy đầy đủ vai trò của MTTQ và các đoàn thể, được nhân dân, mọi tổ chức xã hội tham gia tích cực, thường xuyên liên tục, tự giác thì mới tạo ra được động lực thực sự và đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.

Đồng thời, không ngừng vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia, làm cho phong trào thi đua thực sự là đợt sinh hoạt chính trị, là trách nhiệm, tình cảm của mỗi sở, ngành, địa phương và của mỗi công dân Thủ đô. Chú trọng gắn các phong trào thi đua với việc bồi dưỡng xây dựng con người Thủ đô văn minh, thanh lịch, phát triển toàn diện, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, TP vì hòa bình, TP sáng tạo trong mạng lưới TP sáng tạo của thế giới.

Đặc biệt, cần có những cuộc vận động phong trào thi đua xây dựng văn hóa và người Hà Nội văn minh, thanh lịch nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của lịch sử 1010 năm Thăng Long-Hà Nội, phát triển toàn diện, hình thành hệ văn hóa mới, phù hợp với xu thế thời đại để trở thành một động lực quan trọng phát triển Thủ đô, tạo dấu ấn văn hóa người Hà Nội tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc, đồng thời khơi dậy niềm tự hào và tình yêu Hà Nội trong tất cả mỗi người.

Cùng đó, không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị. Khen thưởng phải khen trúng, khen đúng, khen kịp thời và bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ. Khen thưởng phải trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, bảo đảm dân chủ, công khai, bảo đảm tính tiêu biểu, nêu gương, giáo dục và tạo được động lực tích cực lan tỏa trong toàn xã hội, được dư luận xã hội đồng tình, tránh khen thưởng tràn lan, làm suy giảm ý nghĩa của việc khen thưởng và kiên quyết chống bệnh thành tích. Chú trọng khen thưởng thành tích đột xuất, người lao động, người trực tiếp sản xuất kinh doanh, học tập và công tác.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Hà Nội tiếp tục phát động phong trào thi đua những tháng cuối năm để có thể đóng góp tăng trưởng gấp 1,13 đến 1,4 lần của cả nước, đi liền với đó là hoàn thành chỉ tiêu nộp ngân sách Nhà nước như dự toán Trung ương đã giao. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng Thủ tướng tin tưởng, với bản lĩnh, ý chí của Hà Nội, nhất định TP sẽ đóng góp cùng cả nước trong lúc đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Hội Cựu thanh niên xung phong TP Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Hội Cựu thanh niên xung phong TP Hà Nội

Ghi nhận những kết quả phong trào thi đua của Thủ đô 5 năm qua, hàng vạn tập thể, cá nhân của TP Hà Nội đã được Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ và TP Hà Nội khen thưởng. Tại đại hội, hàng chục quyết định khen thưởng đã được công bố. Trong đó, Hội Cựu thanh niên xung phong TP Hà Nội vinh dự được Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hai Bà Trưng; Hội Đông y TP; Bệnh viện Đa khoa Đống Đa và Trường Mầm non 20-10 (quận Hoàn Kiếm) được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Oai; Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố; Bệnh viện Ung bướu Hà Nội; Nhân dân và cán bộ phường Thượng Thanh (quận Long Biên) được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Báo Người Hà Nội; Trường Trung học cơ sở dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội; Hội Cựu chiến binh huyện Hoài Đức; Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội; Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Thăng Long được tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương cho đại diện các tập thể.

Đại hội cũng đã công bố và trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”, “Người tốt - Việc tốt” và khen thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, ghi nhận những đóng góp đặc biệt của các cá nhân vì sự phát triển của Thủ đô, ngày 1-10-2020, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã quyết định về việc tặng thưởng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2020 cho 10 cá nhân.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phong-trao-thi-dua-yeu-nuoc-da-khoi-day-trach-nhiem-voi-cong-dong-xa-hoi-cua-nhan-dan-thu-do-212252.html