Phòng trừ sâu bệnh, dịch hại lúa từ đầu vụ
Nhiều nông dân chủ động phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu vụ nhằm hạn chế tối đa sâu bệnh trong cả mùa vụ, giúp cây lúa sinh trưởng tốt, mùa màng bội thu.
Bấy lâu nay, cứ bước vào mùa vụ là nông dân lại tất bật lo phòng trừ sâu bệnh, dịch hại lúa. Vụ hè thu này vừa gieo cấy cơ bản xong với diện tích toàn tỉnh gần 28 ngàn ha, cũng là lúc dịch hại, sâu bệnh bắt đầu xuất hiện. Trong đó, chuột, ốc bươu vàng đang gây hại cục bộ với mật độ, tỷ lệ khá cao. Cùng với đó, một số loại sâu bệnh cũng bắt đầu gây hại với mật độ, tỷ lệ thấp.
Nông dân Lê Văn Đức ở xã Quảng An (Quảng Điền) chia sẻ, sâu bệnh hại lúa không còn là chuyện lạ đối với nhà nông. Đầu vụ hè thu này, sâu bệnh tuy mới xuất hiện, tỷ lệ thấp nhưng nông dân không thể chủ quan, lơ là mà phải tích cực bám đồng, phòng trừ ngay từ đầu vụ. Việc chủ động phòng trừ đầu vụ sẽ giúp hạn chế tối đa sâu bệnh, dịch hại trong suốt mùa vụ.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Phú (Quảng Điền), ông Lê Văn Thứ khẳng định, chưa khi nào đơn vị, nông dân địa phương chủ quan trong phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Và vụ hè thu này cũng vậy, hợp tác xã huy động nông dân, thành viên ra quân diệt chuột, bắt ốc bươu vàng bằng thủ công, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh theo định kỳ ngay từ đầu vụ; song bà con phải tuân thủ đúng thời điểm, liều lượng cho phép. Quá trình phòng trừ sâu bệnh có thể sử dụng thêm các loại chế phẩm sinh học, bắt bẫy ốc, chuột bằng biện pháp thủ công nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Viên, Trưởng ban Kiểm soát - Hợp tác xã Thuận Hòa (TP. Huế) thông tin, hiện ốc bươu và chuột đang gây hại trên các xứ đồng với tỷ lệ và mật độ khá cao. Nếu không chủ động phòng trừ thì mật độ chuột, ốc gây hại lúa tiếp tục tăng trong thời gian đến. Ngoài phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, hợp tác xã huy động Nhân dân tổ chức bắt chuột, ốc bươu vàng bằng thủ công nhằm hạn chế tối đa thiệt hại ngay từ đầu vụ.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Hồ Đính thông tin, từ khi xuống giống cũng là lúc ốc bươu vàng, chuột và một số sâu bệnh bắt đầu gây hại lúa. Ốc bươu vàng đang gây hại rải rác, mật độ 1-3 con/m2, nơi cao 3-5 con/m2, chủ yếu tại TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy, các huyện Phú Vang, Quảng Điền...
Các đối tượng sinh vật gây hại khác như bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, chuột… gây hại rải rác, mật độ và tỷ lệ thấp. Dự báo thời gian đến, ốc bươu vàng tiếp tục gây hại trên các chân ruộng thấp trũng, mặt ruộng không bằng phẳng. Bọ trĩ sẽ phát sinh gây hại trên các chân ruộng bị thiếu nước, chăm sóc kém. Chuột gây hại gia tăng tại các vùng gần cồn mồ, đê đập, ven làng. Các đối tượng sinh vật gây hại phát sinh, phát triển gây hại mật độ và tỷ lệ thấp.
Chi cục đang tập trung đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo sạ diện tích còn lại đảm bảo đúng khung lịch thời vụ hè thu. Đối với các chân ruộng bị chua phèn, tăng cường bón vôi hoặc phân lân hạ phèn để thau chua, rửa phèn; thường xuyên giữ nước trong ruộng nhằm hạn chế ảnh hưởng sinh trưởng phát triển của cây lúa ngay từ đầu vụ.
Vụ hè thu 2024, toàn tỉnh gieo cấy hơn 28 ngàn ha theo kế hoạch, với các giống xác nhận đạt tỷ lệ gần 100%. Các giống lúa đưa vào gieo cấy vụ này phần lớn là giống ngắn ngày, cực ngắn ngày như nhóm giống chủ lực ĐT100 (KH1), N87, N97 (nếp), Khang dân, HT1, HN6, DT39, HG12, TH5… Ngành nông nghiệp tiếp tục sản xuất thử nghiệm giống có triển vọng HG244; khuyến khích nông dân mạnh dạn đưa một số giống lúa đã được công nhận chính thức, có tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm như TBR97, Hà Phát 3, VNR20, ĐB6… để từng bước đa dạng hóa bộ giống của tỉnh.