Phỏng vấn một bác sĩ

PV: Kìa, chào bác sĩ, ông đi đâu mà vội vã thế kia?

Bác : Tôi đi học lái xe

PV: A ha, ông mới mua ô tô à?

Bác sĩ: Làm gì có chuyện ấy. Đúng là cũng có những bác sĩ mua được xe hơi, nhưng đa số không như vậy. Tôi học lái xe để chuyển nghề. Tôi muốn chạy dịch vụ, không làm bác sĩ nữa.

Minh họa: Lê Tâm

Minh họa: Lê Tâm

PV: Chết, chết. Đâu được. Tất nhiên nghề lái xe dịch vụ cũng rất cao quý. Nhưng…

Bác sĩ: Ừ. Nhưng dù sao lái xe cũng phải có bằng.

PV: Kìa, bác sĩ cũng có bằng chứ. Đã thế còn phải học lâu hơn lái xe nhiều năm lắm.

Bác sĩ: Tại sao vậy nhỉ?

PV: Tại bác sĩ liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Khám bệnh rồi đưa thuốc sai là chết.

Bác sĩ: Nhà báo tưởng thế thôi. Chứ tôi thấy rất nhiều nơi chả cần khám bệnh, vẫn kê đơn… chưa thấy ai chết cả.

PV: Đùa hả? Đùa vậy không nên đâu. Bệnh tật là chuyện nghiêm túc lắm.

Bác sĩ: Đâu có đùa. Không tin, nhà báo cứ thử ra nhà thuốc đi.

PV: Ra làm gì?

Bác sĩ: Ra rồi kể với nhân viên bán hàng, bất kể trai gái, bất kể bệnh gì, chắc chắn họ sẽ kê đơn và bán thuốc cho ngay lập tức.

PV: Nhà thuốc nào?

Bác sĩ: Gần như tất cả các nhà thuốc nào ở ta, nhân viên bán hàng cũng kiêm luôn kê đơn cho khách.

PV: Trời đất. Họ học nghề thầy thuốc ở đâu ra?

Bác sĩ: Việc gì phải học thầy thuốc, họ học dược sĩ, đôi khi còn không phải đại học dược nữa kia.

PV: Ơ kìa, chế tạo thuốc và kê đơn thuốc là hai việc khác nhau hoàn toàn cơ mà.

Bác sĩ: Ai chả biết. Nhưng người ta cứ bán và cứ bán bao nhiêu năm nay rồi.

PV: Không cấm à?

Bác sĩ: Cấm chứ. Nhưng ai kiểm tra?

PV: Chết, chết. Nguy hiểm quá.

Bác sĩ: Nguy hiểm. Nhưng đó là một thực trạng có lẽ tất cả bà con đều biết, và đều có lúc… nhắm mắt mua, nhắm tai nghe theo.

PV: Vì sao bà con liều thế?

Bác sĩ: Vì thứ nhất họ ngại đi bệnh viện do không có thời gian hoặc không có tiền. Thứ hai là họ thấy như thế vừa nhanh vừa… khỏi bệnh.

PV: Ối trời, tuy khỏi bệnh nhưng di chứng ai mà biết được.

Bác sĩ: Đấy không phải là việc của tiệm thuốc.

PV: Tôi tưởng đã từ lâu có quy định là chỉ bán thuốc theo đơn thôi chứ.

Bác sĩ: Có hết. Nhưng xin nhắc lại là chẳng ai đủ sức, đủ nhân lực và đủ trách nhiệm để kiểm tra, cho nên việc nhân viên tiệm thuốc tự kê đơn cho khách vẫn diễn tiến một cách bình thường.

PV: Chết chết. Ở các quốc gia khác thì sao?

Bác sĩ: Ở các quốc gia khác, không có đơn bác sĩ, đố mua nổi một viên kháng sinh chứ đừng nói mua cả vỉ hay mua cả chai.

PV: Chính vì lẽ đó mà ông buồn?

Bác sĩ: Không những buồn mà còn có lúc tuyệt vọng pha thất vọng. Tôi học sáu, bảy năm để làm gì cho tốn sức cơ chứ.

PV: Và ông muốn đi học lái xe?

Bác sĩ: Đã nói rồi, bằng lái xe rất hay bị kiểm tra, và gần như chẳng ai chưa có bằng mà dám ngồi sau tay lái. Còn hàng ngày, hàng giờ có hàng ngàn kẻ chưa có bằng bác sĩ vẫn kê đơn trên mọi nẻo đường.

PV: Không được, không được. Nhà thuốc phải như mẹ hiền. Mẹ phải có trách nhiệm.

Bác : Nhưng bán thuốc hôm nay đang như mẹ kế. Đã thế còn chả cần đăng ký kết hôn.

PV: Lời ông nói hôm nay khiến tôi choáng váng.

Bác sĩ: Ra tiệm thuốc đi. Họ sẽ bán cho thuốc ngay, bất kể choáng váng kiểu gì.

Lê Thị Liên Hoan

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/phong-van-mot-bac-si-i747920/