Phỏng vấn một nhà báo
Phóng viên: Thưa anh, có chuyện gì mà anh tỏ ra vui vẻ thế?
Nhà báo: Không phải mình tôi mà tất cả các nhà báo khác đều đang vui.
PV: Vui vì hôm nay là ngày của các nhà báo đúng không? Chắc tiệc tùng nhiều lắm.
Nhà báo: Vâng. Nhưng còn một lý do lớn hơn, đó là nghe tin có thể sắp tới ai đọc báo mạng sẽ trả tiền.
PV: Nghĩa là sao?
Nhà báo: Nghĩa là không còn miễn phí như trước nữa. Muốn coi phải nộp một khoản tài chính.
PV: Thế ư? Bao nhiêu?
Nhà báo: Bao nhiêu chưa biết, nhưng chắc cũng chả cao đâu. Nhưng sao? Phóng viên có vẻ giật mình vậy?
PV: Bởi vì chắc anh cũng biết, trong xã hội hiện nay, bất cứ thứ gì nghe tới chữ “thu phí” đều rất nhạy cảm, rất được quan tâm, rất hay bàn cãi.
Nhà báo: Tôi hiểu điều đó, nhưng do đâu nhạy cảm nào?
PV: Đầu tiên là do bà con mình còn nghèo.
Nhà báo: Tôi cũng công nhận là chúng ta chưa giàu. Nhưng có nghèo tới mức không đóng nổi phí coi báo mạng hay không thì chưa chắc.
PV: Vâng.
Nhà báo: Chắc mọi người đều biết người ta gọi thế kỷ 21 này là thế kỷ thông tin. Thông tin là sức mạnh, là thước đo, đồng thời cũng là hàng hóa.
PV: Thậm chí còn là thứ hàng hóa đắt giá, đỉnh cao mà rất nhiều tổ chức cũng như cá nhân tranh chấp từng giây từng phút.
Nhà báo: Đúng rồi. Mà thông tin ở đâu ra? Rõ ràng từ con người. Con người thu thập, phân tích, tổng hợp, phát hiện, đấu tranh và thậm chí đôi khi phải liều mạng mới có thông tin. Khắp nơi trên trái đất đều thế.
PV: Vâng.
Nhà báo: Mà con người phải ăn, phải mặc, phải có nhà ở, có xe đi, có cha mẹ phải phụng dưỡng, con cái phải nuôi.
PV: Đồng ý.
Nhà báo: Tất cả những thứ ấy đều cần tới tiền. Vậy nếu không thu tiền, lúc bán thông tin thì làm sao người ta cố gắng, làm sao thông tin phong phú, báo chí phát triển.
PV: Nhưng bao nhiêu năm trước không thu phí kia mà.
Nhà báo: Đâu phải. Báo giấy luôn có thu, thậm chí còn thu rất đắt. Tôi nhớ rõ có những tờ tạp chí có giá vài chục ngàn đồng. Mà người ta vẫn mua, không hề thắc mắc. Tại sao như thế?
PV: Tại người ta sinh ra đã thấy vậy rồi.
Nhà báo: Vấn đề ở chỗ ấy đấy. Người ta sinh ra cũng thấy báo mạng miễn phí. Thế là chắc mẩm như vậy mãi mãi ư?
PV: Hừm, đang quen tha hồ xài tự do đã bao năm, đến khi có tin phải đóng tiền, ai chả giãy nảy.
Nhà báo: Tôi tin chắc những người giãy nảy là những người không làm báo, hoặc không phải vợ phải con, anh em của người làm báo, chứ nếu nằm trong số đó sẽ có suy nghĩ khác ngay.
PV: Có lẽ vậy.
Nhà báo: Không thể có lẽ mà chắc chắn. Nhớ ngày xưa khi truyền hình đang miễn phí không? Lúc ấy đề xuất xem phải trả tiền khiến bà con la ó om sòm tưởng như không thể thực hiện được. Nhưng bây giờ mà cắt các chương trình đó chắc chắn bão tố sẽ nổi lên mạnh gấp ngàn lần vì, ai cũng thấy lợi ích của việc đóng phí ấy rồi.
PV: Đúng là chất lượng hình ảnh, âm thanh, và nội dung đã khác rất xa khi người ta đóng phí. Xa đến nỗi không thể quay về tình trạng ngày xưa được nữa.
Nhà báo: Báo mạng cũng vậy thôi, thu được tiền, nếu được trả lương cao, cả tin tức lẫn người săn tin đều sẽ khác xưa, sẽ tận tâm hơn, sẽ cẩn thận hơn, chính xác hơn, phải có trách nhiệm hơn, phải sống chết hơn. Điều ấy việc gì phải nghi ngờ.
PV: Anh hứa chứ?
Nhà báo: Không việc gì tôi phải hứa một chuyện đương nhiên. Bất cứ ngành nghề nào trong xã hội khi việc đầu tư thỏa đáng đều sẽ nâng cao. Báo chí cũng chẳng nằm ngoài quy luật ấy.
PV: Nhưng đóng thế nào, đóng bao nhiêu, đóng cho ai?
Nhà báo: Chuyện đó người ta đang suy xét. Cứ yên tâm đi. Và cũng yên tâm nữa là số tiền chẳng lớn lắm đâu, không làm cho ai phải nghèo đi quá đáng đâu.
PV: Hy vọng!
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/phong-van-mot-nha-bao-i618906/