Phóng viên thể thao: Đam mê và trách nhiệm với nghề

Nhà báo Nguyễn Tấn hiện đang công tác tại Phòng Thời sự, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV). Anh là một trong những phóng viên năng nổ ở mảng thể thao, đã tham gia tác nghiệp tại nhiều sự kiện thể thao quan trọng trong nước và quốc tế, nhất là các kỳ SEA Games khoảng 10 năm trở lại đây. Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2023), phóng viên BPTV đã thực hiện cuộc phỏng vấn nhanh với anh xoay quanh những câu chuyện nghề…

Phóng viên Ngọc Huyền: Xin chào nhà báo Nguyễn Tấn. Anh có thể chia sẻ những dấu ấn trong quá trình tác nghiệp tại SEA Games 32 trên đất bạn Campuchia vừa qua?

Nhà báo Nguyễn Tấn: Có rất nhiều dấu ấn đọng lại trong tôi tại kỳ SEA Games lần này. Đầu tiên là sự hiền hòa, đôn hậu, thân thiện của người dân nước chủ nhà. Đội ngũ tình nguyện viên rất tận tình giúp đỡ mọi người. Khi đến các điểm thi đấu để tác nghiệp, chúng tôi luôn nhìn thấy nụ cười thường trực của đội ngũ tình nguyện viên, an ninh, thậm chí tại những nơi công cộng, người bán hàng rong khi gặp du khách quốc tế, gặp phóng viên họ cũng luôn tươi cười. Vì vậy, ê-kíp phóng viên BPTV đã làm phóng sự “Nụ cười Khmer” để nói về sự mến khách của người dân Campuchia. Và tôi nghĩ sự mến khách đó là điểm cộng rất lớn của đất nước Campuchia dù đây là lần đầu tiên họ tổ chức SEA Games.

Tác giả và nhà báo Nguyễn Tấn trao đổi về câu chuyện tác nghiệp tại SEA Games 32

Tác giả và nhà báo Nguyễn Tấn trao đổi về câu chuyện tác nghiệp tại SEA Games 32

Dấu ấn thứ hai là hình ảnh trên đường chạy cự ly 10.000m nam trong giai đoạn tranh chấp nhau về đích cực kỳ gay cấn. Khi đó vận động viên Singapore đang bám sát vận động viên Indonesia; đến điểm tiếp nước, vận động viên Indonesia chụp hụt chai nước nên chạy qua luôn, đối thủ của anh - vận động viên Singapore chạy phía sau đã chụp lấy một chai nước khác và chạy theo bằng được để đưa cho anh. Kết quả chung cuộc thì vận động viên Indonesia giành huy chương vàng (HCV), vận động viên Singapore giành huy chương bạc. Thế nhưng điều đọng lại trong tâm trí mọi người chính là tinh thần fair play, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng ASEAN mà chỉ có sân chơi SEA Games mới thể hiện rõ.

Một dấu ấn nữa là trong quá trình tác nghiệp tôi đã gặp một nhân vật, cô ấy tầm 60 tuổi, làm nghề nhặt ve chai và buôn bán nhỏ kiếm sống qua ngày. Thế nhưng cô đã nhận nuôi hơn 10 người con nuôi và mở rất nhiều lớp học tình thương cho trẻ em Việt kiều không biết chữ. Tiếp cận được những nhân vật như vậy khiến tôi rất xúc động về tình người trong cuộc sống.

Phóng viên Ngọc Huyền: Khi theo dõi các trận đấu mà đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng, lúc các vận động viên của chúng ta đứng trên bục nhận HCV và tiếng quốc ca Việt Nam vang lên, theo dõi qua màn hình tivi tôi thấy rất xúc động. Là người tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường, cảm xúc của anh lúc ấy như thế nào?

Nhà báo Nguyễn Tấn: Tôi may mắn được cơ quan tin tưởng cử đi đưa tin nhiều kỳ SEA Games. Tôi nhớ nhất là hình ảnh thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo đoạt HCV bóng đá nam SEA Games 30 tại Philippines sau 60 năm người hâm mộ Việt Nam chờ đợi ở sân chơi này. Khi đó tôi đứng tác nghiệp ở đường pitch, trong lòng luôn tin tưởng rằng chiếc HCV lịch sử sẽ về tay tuyển Việt Nam và điều đó đã trở thành sự thật. Giống như tất cả người dân Việt Nam và các phóng viên Việt Nam tác nghiệp trận đấu ngày hôm đó, tôi xúc động gần như nói không nên lời. Thậm chí khi đứng dẫn hiện trường, giọng nói tôi đã nghẹn lại.

Nhà báo Nguyễn Tấn và vận động viên Hoàng Nguyên Thanh tại SEA Games 31 khi Hoàng Nguyên Thanh giành HCV

Nhà báo Nguyễn Tấn và vận động viên Hoàng Nguyên Thanh tại SEA Games 31 khi Hoàng Nguyên Thanh giành HCV

Khoảnh khắc thứ hai tôi không thể nào quên là khi nghe cử quốc ca HCV marathon của Hoàng Nguyên Thanh - một vận động viên của Bình Phước. Đó là HCV lịch sử đầu tiên của marathon Việt Nam đoạt được ở đấu trường SEA Games. Đối với phóng viên Bình Phước, Hoàng Nguyên Thanh quá đỗi thân thuộc, giống như một người em. Do đó khi em giành được HCV, tôi cũng rất vui và xúc động. Giây phút dẫn hiện trường lúc đó gần như nghẹn lại nhưng tới hôm nay tôi vẫn rất hài lòng, vì đó là cảm xúc chân thật của một phóng viên thể thao khi đưa tin chiến thắng.

Phóng viên Ngọc Huyền: Để có thể truyền tải được một cách đầy đủ và nhiều nhất thông tin về các trận đấu đến với người hâm mộ thể thao Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung, cường độ làm việc của các phóng viên thể thao tại SEA Games hẳn phải rất cao. Các anh làm thế nào để thích ứng với điều đó?

Nhà báo Nguyễn Tấn: Trên TikTok, YouTube có những clip khá vui về cảnh một vận động viên chạy trên đường pitch thì phóng viên cầm camera chạy ngay phía trước như một vận động viên để ghi lại khoảnh khắc đó. Để có những khoảnh khắc như vậy đòi hỏi phóng viên thể thao phải có thể lực. Điều thứ hai chính là niềm đam mê thể thao. Khi có đam mê, mình am hiểu và sẽ có những cảm xúc cho bản tin mình viết.

Nhà báo Nguyễn Tấn và ê-kíp BPTV tác nghiệp tại một số kỳ SEA Games

Nhà báo Nguyễn Tấn và ê-kíp BPTV tác nghiệp tại một số kỳ SEA Games

Phóng viên Ngọc Huyền: Ngoài những điều anh vừa chia sẻ, còn những khó khăn nào mà phóng viên thể thao hay gặp?

Nhà báo Nguyễn Tấn: Trừ khi Việt Nam là nước chủ nhà, còn hầu như các kỳ SEA Games, phóng viên đều phải đi tác nghiệp ở nước bạn và gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là thực phẩm, món ăn có hợp khẩu vị mình không. Nếu chúng ta đi du lịch 1-2 ngày thì rất tò mò và hào hứng thưởng thức món ăn nước bạn nhưng khi ở dài ngày thì thực phẩm lại trở thành một vấn đề. Trong khi đó phóng viên phải ăn uống đầy đủ để đảm bảo sức khỏe tác nghiệp lâu dài. Thứ hai là văn hóa, mình phải hiểu văn hóa của đất nước bạn để thích ứng và có cách ứng xử phù hợp khi đi tác nghiệp. Khó khăn nữa là xa gia đình lâu ngày sẽ rất nhớ nhà. Bởi vậy khi hoàn thành công việc, xếp hành lý xong là chúng tôi chỉ muốn về nhà. Vì vậy, chúng ta càng phải thương các vận động viên. Phóng viên thể thao chỉ tác nghiệp trong khoảng thời gian thi đấu, nhưng các vận động viên đôi khi phải xa gia đình cả năm trời để luyện tập cho giải. Do đó, chúng ta không nên “khi thắng thì hô hào, còn khi thất bại thì đả phá” vận động viên. Chúng ta nên hiểu và chia sẻ, cổ vũ để họ có động lực vươn lên nếu như họ vấp ngã hoặc thất bại trong thi đấu.

Nhà báo Nguyễn Tấn (ngồi) nỗ lực tác nghiệp tại SEA Games 30 khi đội tuyển bóng đá nam Việt Nam giành HCV lịch sử

Nhà báo Nguyễn Tấn (ngồi) nỗ lực tác nghiệp tại SEA Games 30 khi đội tuyển bóng đá nam Việt Nam giành HCV lịch sử

Phóng viên Ngọc Huyền: Vậy đâu là động lực giúp các anh vượt qua hết những khó khăn, trở ngại đó và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao?

Nhà báo Nguyễn Tấn: Điều đầu tiên là đam mê và trách nhiệm với công việc của mình. Khi chúng ta xách ba lô lên và đi tác nghiệp các sự kiện quốc tế thể thao, suy nghĩ đầu tiên và quan trọng nhất phải là độc giả, khán - thính giả đang chờ đợi mình ở những bản tin đa sắc màu nhất, nóng nhất. Thêm vào đó, tôi nghĩ tới sự tin tưởng của lãnh đạo cơ quan đã giao nhiệm vụ, tôi phải hoàn thành. Tôi tin rằng, không chỉ tôi mà bất cứ anh em phóng viên nào khi được cử đi tác nghiệp SEA Games cũng đều có suy nghĩ như vậy và lấy đó làm động lực để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Phóng viên Ngọc Huyền: Xin cảm ơn anh với những chia sẻ này và chúc anh thành công hơn nữa đối với nghề mà mình đã chọn.

Bài: Ngọc Huyền
Ảnh: Đặng Hùng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/145455/phong-vien-the-thao-dam-me-va-trach-nhiem-voi-nghe