Phú Đình nỗ lực 'về đích' nông thôn mới nâng cao

Phú Đình từng là một trong những địa phương khó khăn nhất của huyện Định Hóa. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, cùng nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân địa phương trong xây dựng nông thôn mới, đời sống của bà con không ngừng được nâng lên, diện mạo nông thôn đổi thay nhanh chóng.

Người dân xóm Phú Ninh (xã Phú Đình, Định Hóa) sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: CÔNG SƠN

Người dân xóm Phú Ninh (xã Phú Đình, Định Hóa) sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: CÔNG SƠN

Nhờ địa thế hiểm trở và nhân dân có truyền thống cách mạng, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Phú Đình có nhiều cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội đóng quân trên địa bàn, nhất là tại các địa điểm: xóm Khuôn Tát, Tỉn Keo, đồi Pụ Đồn. Đặc biệt, lán Tỉn Keo được chọn làm đại bản doanh của Trung ương trong giai đoạn từ 1947-1953. Tại đây, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp và ra nhiều chỉ thị, nghị quyết có tính chất quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong đó, ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, thông qua phương án tác chiến mùa xuân 1954 của Tổng Quân ủy và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Phú Đình đã có nhiều nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội. Trước khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Phú Đình là địa phương đặc biệt khó khăn. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp, trong đó có trồng và chế biến chè, nhưng chất lượng và giá trị sản phẩm khá thấp.

Ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã Phú Đình: Năm 2011, qua rà soát, hầu hết 19 tiêu chí NTM của xã đều chưa đạt. Trong đó, các tiêu chí khó thực hiện nhất là giao thông và thu nhập, giảm nghèo đa chiều. Đảng ủy, chính quyền xã Phú Đình đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện NTM và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo. Mỗi tuần, mỗi tháng các thành viên phải báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện tiêu chí được giao. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện được đưa ra thảo luận và đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã tập trung hỗ trợ người dân chuyển từ giống chè trung du già cỗi sang trồng chè lai năng suất cao, chất lượng tốt. Đến nay, hàng trăm héc-ta chè giống mới đã được trồng và cho thu hoạch. Bà con trồng chè tham gia 4 hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 5 làng nghề chè truyền thống.

Đồi chè xã Phú Đình, Định Hóa.

Đồi chè xã Phú Đình, Định Hóa.

Bên cạnh đó, để khai thác tiềm năng lợi thế, phát triển du lịch (nhiều du khách đến tham quan tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa), các cấp, ngành của tỉnh, huyện đã đầu tư phát triển du lịch cộng đồng theo mô hình homestay, với hàng chục hộ tham gia. Qua đó khuyến khích người dân phát triển sản phẩm đặc sản của địa phương để bán cho du khách.

Hằng năm, chính quyền địa phương phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, các doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm.

Đến nay, xã Phú Đình có hơn 800 lao động của địa phương đang làm việc tại khu, cụm công nghiệp, với mức thu nhập bình quân từ 6,5-8 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân của xã tăng từ 11,5 triệu đồng (năm 2013) lên gần 53 triệu đồng (năm 2023); tỷ lệ nghèo theo chuẩn đa chiều chỉ còn 5,2%.

Đối với tiêu chí giao thông, xã huy động các nguồn lực hỗ trợ và thực hiện chủ trương để bà con thực hiện đối ứng theo kế hoạch từng năm. Đến nay, đường xóm, liên xóm của xã được đổ bê tông 100%; đường ngõ xóm đổ bê tông đạt 85%; đường trục chính nội đồng được đổ bê tông 100%...

Năm 2019, Phú Đình hoàn thành các tiêu chí NTM. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM nâng cao vào năm 2025.

Tuy nhiên, với tinh thần nỗ lực vượt khó, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và huy động được nguồn lực hỗ trợ từ các cấp, ngành cùng nhân dân địa phương, đến cuối năm 2023, xã Phú Đình đã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao.

Để đạt được kết quả đó, từ năm 2020 đến 2023, xã đã huy động được gần 48 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước đầu tư trên 31 tỷ đồng, nguồn vốn hỗ trợ khác trên 7 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 9,5 tỷ đồng. Nhờ vậy, diện mạo nông thôn của xã Phú Đình ngày càng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Dương Hưng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202410/phu-dinh-no-luc-ve-dichnong-thon-moi-nang-cao-38a1520/