Phú Hòa: Ứng dụng khoa học kỹ thuật gắn với tái cơ cấu nông nghiệp

Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din giới thiệu mô hình trồng khóm cho Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Đinh Thị Thu Thanh. Ảnh: THÙY TRANG

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Phú Hòa có sự tăng trưởng, chất lượng nông sản được cải thiện, đảm bảo an toàn thực phẩm. Để có được kết quả đó, huyện đã chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất, góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, tăng thu nhập cho người nông dân.

Nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả

Theo ông Nguyễn Siêng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, trong 5 năm (2015-2020), huyện đã tổ chức 138 lớp tập huấn công tác khuyến nông, chuyển giao ứng dụng KHKT vào sản xuất cho 9.280 nông dân, 6 cuộc hội thảo với hơn 360 người tham dự.

Huyện cũng xây dựng các mô hình khuyến nông ứng dụng KHKT làm thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất của người dân như: Mô hình giảm lượng giống gieo sạ kết hợp ứng dụng cơ giới hóa; ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất lúa; trồng cây đậu phộng trên đất sản xuất lúa kém hiệu quả; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trên cây sắn; nuôi dê thương phẩm; cải tạo đàn bò thịt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; ứng dụng KHKT trong sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, xử lý phân chuồng bằng men vi sinh, xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ sinh học, biogas..., giảm được dịch bệnh, mùi hôi và ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa và nâng cao giá trị sản xuất.

Nhờ ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình đã đạt hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Thanh ở xã Hòa An, thực hiện mô hình kinh tế tổng hợp cho biết: Khởi đầu tôi chỉ nuôi 2 con dê, đến nay có đến 500 con dê và cừu. Hiện tôi mở rộng thêm 5ha đất trang trại, chủ yếu nuôi dê và nuôi cừu với số lượng lớn, thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.

Còn theo ông Phạm Xuân Long ở thị trấn Phú Hòa, từ khi chuyển sang nuôi heo trên đệm lót sinh học, mỗi ngày ông không còn mất nhiều thời gian để tắm heo và quét dọn chuồng, giúp tiết kiệm được thời gian và khá nhiều chi phí tiền điện. Vệ sinh môi trường được đảm bảo, không có mùi hôi, khí độc nên heo nuôi trên đệm lót sinh học hạn chế dịch bệnh, heo lớn nhanh. Trung bình mỗi con cho lãi khoảng 1 triệu đồng sau 3 tháng nuôi.

Gia đình anh Ngô Quốc Dũng ở xã Hòa Quang Bắc, thì có thu nhập cao từ ứng dụng tiến bộ KHKT trong trồng cây ăn trái. Anh Dũng cho biết: Tôi đã mua 6ha đất để cải tạo thành trang trại, và trong 2 năm 2015-2016 thì đầu tư gần 6 tỉ đồng để san ủi mặt bằng, đào ao lấy nước, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động theo mô hình của Israel. Sau đó, tôi vào các tỉnh miền Nam mua giống mãng cầu tốt, trái sai, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở Phú Yên về trồng.

Trên diện tích trang trại, tôi đã trồng được 4.500 cây mãng cầu, 480 cây dừa xiêm, 100 cây cam, cây bưởi, thu về trên 1,3 tỉ đồng/năm. Để tránh sâu bệnh hại cây và tạo sản phẩm sạch, tôi đã nghiên cứu thuốc bảo vệ thực vật sinh học từ thiên nhiên như ớt, tỏi, sả… phun cho các loại cây ăn trái. Ngoài ra, gia đình tôi còn đầu tư xây dựng một số nhà sàn, nhà lá gần bờ suối trong khu trang trại để thực hiện mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm, hàng tuần thu hút nhiều khách tham quan.

Nâng cao đời sống người dân

Ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp tác động nhanh đến tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở Phú Hòa. Đến nay, hệ thống hạ tầng cơ sở nông thôn phát triển mạnh mẽ và có bước đột phá, nhất là thủy lợi, bê tông hóa giao thông nông thôn, giúp cải thiện điều kiện sống của người dân nông thôn.

Mô hình trồng mía ở xã Hòa Hội. Ảnh: THÙY TRANG

Ông Đinh Công Thạch, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương đã tập hợp sức mạnh đoàn kết, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Việc làm đường nông thôn được đẩy mạnh, tạo thành phong trào lan tỏa đến mọi thôn, xóm và người dân; đến nay 100% số xã có đường nhựa hoặc bê tông đến trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp giữ được mức tăng trưởng ổn định, năng suất chất lượng của cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Huyện đang tiếp nhận hồ sơ đăng ký đầu tư của 4 dự án thuộc lĩnh vực nước sạch nông thôn, nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và đang tích cực hỗ trợ để các nhà đầu tư sớm hoàn thành thủ tục, triển khai dự án, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Đến nay, trên địa bàn huyện Phú Hòa có 8/8 xã tiếp tục giữ vững nông thôn mới, từng bước nâng cao chất lượng tiêu chí. Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019; 2 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là xã Hòa Quang Bắc, Hòa Quang Nam.

Thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Phú Hòa đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, triển khai nhiều mô hình luân canh cây trồng như: mô hình một vụ lúa - đậu phộng, mô hình rau màu - dưa hấu - bắp, mô hình trồng rau gia vị các loại, cây dược liệu, hoa… Nhiều mô hình phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập khá cao, từ 100-200 triệu đồng/ha/năm cho người dân. Đặc biệt, từ quá trình chuyển đổi đã dần hình thành các vùng chuyên canh mang lại hiệu quả rõ rệt như vùng trồng cây ăn quả Sơn Ngọc, xã Hòa Quang Bắc; vùng trồng khóm Đồng Din ở các xã Hòa Quang Nam, Hòa Định Đông, thị trấn Phú Hòa. Các hợp tác xã, tổ hợp tác được hình thành, hướng người nông dân đến các mô hình sản xuất sạch, hình thành nhiều chuỗi liên kết từ khâu trồng, chế biến giúp đảm bảo đầu ra cho sản phẩm; đơn cử như mô hình sản xuất các sản phẩm làm từ khóm của HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din.

Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din chia sẻ: HTX được thành lập từ năm 2018 với vốn điều lệ 2 tỉ đồng, sản xuất và kinh doanh dịch vụ trên cây khóm, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nông nhàn tại địa phương. Thời gian qua, HTX đã đầu tư và mở rộng nhà xưởng dây chuyền chế biến các sản phẩm từ trái khóm, đến nay có 3 sản phẩm được chọn vào Chương trình OCOP gồm bánh khóm, nước ép khóm và khóm sấy. Ngoài ra, HTX còn đầu tư một số mô hình bước đầu mang lại hiệu quả như lá giang sấy xuất khẩu, mô hình trồng cây sung Mỹ, trồng măng, du lịch sinh thái…

Trong năm 2019, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động, lũy kế đến nay trên địa bàn huyện có 9 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 670 tỉ đồng, đã tạo nên cú hích cho Phú Hòa trong tiến trình phát triển, hội nhập. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư nâng cấp, bộ mặt nông thôn và đời sống người dân tiếp tục được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 43 triệu đồng, tăng 53,6% so năm 2015; người dân nơi đây ngày càng tiếp cận và thụ hưởng tốt hơn các điều kiện về dịch vụ xã hội.

Ông Lê Ngọc Tính, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển từng bước theo định hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân, tạo diện mạo mới cho nông nghiệp, nông thôn. Người dân đã đổi mới tư duy, chủ động, sáng tạo trong tăng gia sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng quê hương Phú Hòa ngày một phát triển.

THÙY TRANG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/248631/phu-hoa--ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-gan-voi-tai-co-cau-nong-nghiep.html