Phụ huynh băn khoăn với kế hoạch thi vào lớp 10 ở Hà Nội từ năm 2019
Một số phụ huynh phản ánh: 'Năm nay, con tôi thi vào lớp 10 chỉ thi 2 môn Văn và Toán mà cháu đã học tới 2 giờ sáng…'
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa công bố từ năm học 2019-2020 sẽ tuyển sinh lớp 10 bằng bài thi tổ hợp nhiều môn học.
Theo đó, từ năm học 2019-2020, thí sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ phải thi 3 bài thi gồm 2 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử và Giáo dục công dân) hoặc Tổ hợp 2 (Ngoại ngữ, Địa lí, Hóa học và Sinh học).
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết sẽ công bố chọn bài thi tổ hợp vào cuối tháng 3 hàng năm.
Ngay sau khi thông tin này được công bố, một số phụ huynh phản ánh với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng: “Năm nay, con tôi thi vào lớp 10 chỉ thi 2 môn Văn và Toán mà cháu đã học tới 2 giờ sáng.
Vậy nếu từ năm 2019 mà các cháu phải thi 6 môn thì đứa thứ hai nhà tôi chắc không còn thời gian để ngủ”.
Được biết, cách tính điểm xét tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông của Hà Nội kể từ 2005 đến nay được tính theo công thức như sau:
Điểm xét tuyển = Điểm Trung học cơ sở + Điểm thi (đã tính hệ số 2) + Điểm cộng thêm.
Trong đó, điểm trung học cơ sở là tổng số điểm tính theo kết quả học tập và rèn luyện của 4 năm học cấp trung học cơ sở, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập mỗi năm học ở cấp trung học cơ sở được tính như sau:
Hạnh kiểm tốt và học lực giỏi là 5 điểm; Hạnh kiểm khá và học lực giỏi hoặc hạnh điểm tốt và học lực khá là 4,5 điểm; Hạnh kiểm khá và học lực khá là 4 điểm;
Hạnh kiểm trung bình và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực trung bình là 3,5 điểm;
Hạnh kiểm khá và học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình và lực học khá là 3 điểm. Trường hợp còn lại là 2,5 điểm.
Điểm thi là tổng điểm hai bài thi Ngữ văn và Toán (đã nhân hệ số 2), chấm theo thang 10, điểm lẻ đến 0,25.
Chỉ học sinh không vi phạm quy chế trong kỳ tuyển sinh và không có bài thi nào bị điểm 0 mới được đưa vào diện xét tuyển.
Còn điểm cộng thêm là tổng của điểm ưu tiên và khuyến khích.
Đã 13 năm (kể từ năm 2005 đến nay), Hà Nội áp dụng cách tính điểm như vậy khi tuyển sinh vào lớp 10.
Giờ, Hà Nội dự kiến từ năm học 2019-2020, thí sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ phải thi 3 bài thi gồm 2 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp:
Tổ hợp 1 (Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử và Giáo dục công dân) hoặc Tổ hợp 2 (Ngoại ngữ, Địa lí, Hóa học và Sinh học).
Ngay sau khi Sở dự kiến kế hoạch này, một số Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông tại Hà Nội chia sẻ với phóng viên rằng:
“Chúng ta đang tiến hành cải cách giáo dục, hiện tại chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã có, chương trình môn học đang được lấy ý kiến trước khi công bố tức là đang chuẩn bị viết sách giáo khoa.
Theo đó, chương trình bậc trung học cơ sở nói chung, lớp 9 nói riêng sẽ thay đổi theo hướng tích hợp các môn Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và môn Lịch sử và Địa lý.
Có nghĩa là, sách giáo khoa sắp tới sẽ không còn bài học thuần túy chỉ là Địa lý, Lịch sử mà chúng sẽ được tích hợp với nhau (kể cả Vật lý, Hóa học, Sinh học cũng như vậy).
Tuy nhiên, khi nhìn vào kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, môn Vật lý ở nằm trong bài thi tổ hợp 1 thì Hóa học, Sinh học lại nằm trong bài thi tổ hợp 2.
Và ngược lại, Địa lý nằm trong bài thi tổ hợp 2 thì Lịch sử lại nằm trong bài thi tổ hợp 1”.
Một vị Hiệu trưởng băn khoăn: “Có lẽ nào sau năm 2019, khi có sách giáo khoa mới thì Hà Nội lại thay đổi cách thi vào lớp 10”.
Rõ ràng, tư tưởng tích hợp các môn đã có rồi, các chuyên gia cũng đã chỉ rõ chương trình hiện hành quá tải, nặng tính hàn lâm, xa rời thực tế với học trò.
Vậy tại sao Hà Nội vẫn lên kế hoạch tuyển sinh vài năm tới theo chương trình hiện hành.
Lúc này, một chuyên gia nêu quan điểm: “Hà Nội không những không nghĩ tới giảm tải trong thi cử cho học trò mà còn đi ngược với xu hướng cải cách giáo dục của đất nước”.