Phụ huynh gặp khó khi con nghỉ học dài ngày

TP HCM đã cho học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn tạm nghỉ đến hết ngày 16-2, để phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra.

Trong lúc dịch bệnh nguy hiểm, con cái nghỉ học ở nhà để được an toàn cũng là mong muốn của hầu hết phụ huynh, nhưng đối với những phụ huynh phải đi làm, việc trông coi con như thế nào cũng đang là câu chuyện đau đầu.

Gần cả tuần nay, gia đình của chị Thanh Hoa ở chung cư Carina (quận 8, TP HCM) gần như đảo lộn. Bởi vì cô gái học lớp 1 của chị được trường cho nghỉ học do lo ngại dịch virus Corona. “Vừa nghỉ Tết xong, cơ quan rất nhiều việc phải bắt tay làm ngay nhưng do con nghỉ học, 2 vợ chồng phải luân phiên xin nghỉ việc để ở nhà chăm con. Nghỉ một tuần thì chúng tôi có thể luân phiên xin nghỉ, giờ trường cho nghỉ thêm một tuần nữa thì không biết xoay xở thế nào”, chị Hoa lo lắng.

Còn vợ chồng anh Đào Huy Lân (ngụ quận 2) đều làm ở công ty nước ngoài, giờ giấc rất nghiêm ngặt, muốn xin nghỉ phép phải báo trước một tuần. Thế nên khi nhận được thông báo 2 con được nghỉ học, gia đình rất lao đao tìm kiếm nơi trông trẻ tạm thời.

Anh Lân cho biết, vợ chồng anh tìm chỗ gửi con để đi làm thì không nơi nào dám nhận giữ trẻ, những điểm tư thục cũng từ chối vì nếu bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị phạt nặng. Không còn cách nào khác, vợ chồng anh đành mua vé máy bay đưa 2 con về với ông bà ở tận Nam Định nhờ trông hộ. Dù khá tốn kém nhưng các con có người trông coi cũng yên tâm hơn là để ở nhà một mình.

Một điểm giữ trẻ ở xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP HCM) tạm đóng cửa.

Một điểm giữ trẻ ở xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP HCM) tạm đóng cửa.

Chị Lan Anh (nhân viên một công ty truyền thông ở quận 1) than thở, chị có 2 đứa con trai sinh đôi năm nay 7 tuổi, rất hiếu động và tinh nghịch. Do chồng đi công tác xa, chị xin làm việc tại nhà để có thể trông con. Cuộc sống gần như xáo trộn khi chị vừa phải nấu ăn, vừa trông coi con cái, vừa phải làm việc qua internet. Ở nhà mấy ngày đầu thì thấy tạm ổn, nhưng được mấy ngày sau nhà cửa lộn xộn, con cái đánh nhau inh ỏi, chị phải luôn làm “trọng tài” giải quyết khi hai con thi nhau mách.

Còn đối với những gia đình công nhân cũng gặp rất nhiều khó khăn khi con cái nghỉ học liên tục hai tuần. Con nghỉ học nhưng cha mẹ vẫn phải đi làm, thậm chí nhiều người làm việc tăng ca, mà không có chỗ gửi nên cũng “điên đầu”.

Chị Thu (công nhân một công ty giày ở Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức) cho biết, do có 3 đứa con đều còn nhỏ nên chị làm đơn nghỉ phép, ở nhà chăm con và các con của đồng nghiệp ở chung xóm trọ, mặc dù công ty tạo điều kiện nhưng giữ nhiều trẻ khiến chị cũng lo lắng.

“Nếu chỉ cần một đứa nhiễm bệnh sẽ lây cho những đứa khác thì nguy hiểm, nhưng không còn cách nào khác. Muốn gửi cũng không có chỗ nào để gửi. Con nghỉ học thời gian ngắn thì gia đình có thể thu xếp được, nhưng dịch bệnh kéo dài và con cái nghỉ nhiều ngày thì không biết phải làm như thế nào, vì nghỉ làm việc nhiều không được, mà có nghỉ nhiều thì lấy gì ăn, lấy gì nuôi các con?...”, chị Thu bộc bạch.

Trong một con hẻm nhỏ ở trên đường Quách Điêu, xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), có 6 đứa trẻ đang ngồi trong một căn nhà, một số đứa “dán mắt” vào màn hình tivi, còn đứa lớn nhất khoảng chừng 14 tuổi đang ngồi bấm điện thoại di động. Chúng tôi bước vào hỏi thăm thì được biết cha mẹ chúng đi làm, đứa lớn nhất con anh Thành được giao trông coi em và những đứa trẻ con của 3 nhà hàng xóm.

Vợ chồng anh Huân nhà gần đó làm nghề may nên nhận việc về nhà gia công, được hàng xóm nhờ để ý những đứa trẻ. Đám trẻ xem hoạt hình chán rồi ra phía trước nhà đá bóng, thỉnh thoảng lại gây lộn cãi nhau, lúc đó anh Huân mới ra quát cho tụi trẻ trật tự.

“Tụi nhỏ nghỉ học ở nhà chủ yếu xem hoạt hình chứ không học hành được gì cả. Nghỉ ít còn được, chứ nghỉ nhiều ngày sẽ không ổn, mà đang dịch bệnh cho chúng đi học thì cha mẹ không yên tâm”, anh Huân nói. Việc trẻ tạm nghỉ học để phòng ngừa dịch bệnh là cần thiết. Nhưng nếu nghỉ dài ngày, ngành chức năng cũng cần có phương án để phụ huynh yên tâm làm việc.

56 tỉnh, thành phố tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến 16-2

Tính đến 19 giờ ngày 7-2, đã có 56 tỉnh, thành phố báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh thêm một tuần để phòng, chống dịch bệnh nCoV. Các tỉnh, thành phố tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 16-2.

Bên cạnh đó, đã có 4 địa phương quyết định cho học sinh nghỉ học cho đến khi có thông báo tiếp theo là Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Điện Biên và Nghệ An. Còn theo thống kê của Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã có khoảng 65 trường ĐH tiếp tục kéo dài thời gian cho sinh viên nghỉ học đến hết ngày 16-2.

Trước đó, chiều 6-2, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của Bộ GD&ĐT đã họp và thống nhất đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố căn cứ tình hình thực tế kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh thêm một tuần nữa, trong đó có thể xem xét nghỉ toàn diện hoặc nghỉ học cục bộ, đảm bảo mục tiêu cao nhất là vì sự an toàn của học sinh và của cộng đồng. Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn các địa phương để có các giải pháp tổ chức thực hiện kế hoạch học tập phù hợp với điều kiện thực tế, bù lại thời gian nghỉ học do dịch bệnh, trong thời gian học sinh nghỉ học khuyến khích các nhà trường áp dụng hình thức học tập trực tuyến nhằm hướng dẫn học sinh tự học. Trong trường hợp cần thiết, Bộ sẽ xem xét lùi thời gian kết thúc năm học.

H.Thanh

H.Nga – N.Cảnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/phu-huynh-gap-kho-khi-con-nghi-hoc-dai-ngay-580880/