Phụ huynh Hà Nội sốt ruột mong trẻ trở lại trường

Phụ huynh cảm thấy vui mừng, coi việc trường khảo sát ý kiến là tín hiệu cho thấy con sắp được đi học trở lại.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trưởng Marie Curie, cho biết trường đã hoàn thành việc khảo sát. Theo đó, 94% phụ huynh có con học lớp 6 ở trường đồng ý cho con trở lại lớp. Con số này ở bậc tiểu học là 91%.

Thầy chia sẻ như vậy, đa số phụ huynh muốn con được chuyển sang học trực tiếp. Lý do rất đơn giản - trẻ đã ở nhà quá lâu, từ đầu năm học đến nay, và tình hình dịch cũng cơ bản ổn định. Bản thân thầy cũng rất mong mở cửa trường học, để trẻ có nốt khoảng thời gian học tại lớp trước khi năm học kết thúc.

 Con trai chị Phương học lớp 2 và hơn một nửa thời gian từ khi vào tiểu học, cậu bé phải học trực tuyến tại nhà. Ảnh: N.P.

Con trai chị Phương học lớp 2 và hơn một nửa thời gian từ khi vào tiểu học, cậu bé phải học trực tuyến tại nhà. Ảnh: N.P.

Sốt ruột mong ngày con đến lớp

Ngày 3/4, khi giáo viên khảo sát ý kiến về việc cho con đi học trở lại hay chưa, chị Nguyễn Phương (có con học lớp 2 tại trường tiểu học ở quận Hà Đông) chọn đồng ý.

Nữ phụ huynh mong đợi tín hiệu mở cửa trường học từ rất lâu, đặc biệt khi thấy các hoạt động khác đã bình thường trở lại và dịp cuối tuần, công viên đông đúc phụ huynh dẫn trẻ đến chơi.

Con trai chị Phương học lớp 2, tức hơn một nửa thời gian từ khi vào tiểu học, cậu bé phải ở nhà học trực tuyến. Học online lâu ngày không chỉ khiến việc học giảm sút mà còn tác động xấu lên sức khỏe thể chất, tâm lý con.

Con tăng cân, thèm được vận động sau hàng tháng trời phải ở trong nhà. Con chị Phương cũng từ một cậu bé vui vẻ, ngoan ngoãn, nay trở nên cáu gắt.

Nhìn con trai ngày càng chán nản với việc học online, thích kiếm cớ rời chỗ trong giờ học, chị Phương chỉ mong con sớm ngày đến lớp.

"Tôi ra công viên, thấy nhộn nhịp trẻ con, không hiểu sao trẻ đi chơi được mà trường học vẫn đóng cửa”, chị Phương băn khoăn. Chị cũng thắc mắc giáo viên đã cho phụ huynh bình chọn nhưng không biết đến bao giờ, thành phố mới quyết định cho học sinh lớp 1 đến lớp 6 chuyển sang học trực tiếp.

Chị Dương Hà cũng vừa lựa chọn đồng ý cho 2 con, đang học trường tư thục ở Cầu Giấy, đến lớp. Nữ phụ huynh cho hay ở lớp con gái chị, 24/28 phụ huynh tham gia bình chọn đưa ra ý kiến tương tự. Ở lớp con trai, số người chưa muốn cho con đi học chỉ chiếm số ít - 3/26 phụ huynh.

Từ thực tế quan sát việc học online của con, chị rất sốt ruột, mong con sớm được đến trường. Chị Hà chia sẻ dù trường và giáo viên rất sát sao việc học của trẻ, gia đình cũng có điều kiện kèm cặp, việc học online không thể nào thay thế học trực tiếp.

“Đến trường, con được chạy nhảy, vui đùa với bạn, tham gia các hoạt động con yêu thích. Những thứ này, con bỏ lỡ trong thời gian học trực tuyến”, chị Hà nói.

Tương tự, chị Thu Trang (Thanh Xuân) cũng ngóng trông ngày con đến lớp. Con gái lớn của chị học lớp 5, đứng trước áp lực rất lớn để chuyển cấp. Con thứ 2 học lớp 3, việc học nhẹ nhàng song con chểnh mảng. Con thứ 3 sắp vào lớp 1.

Bà mẹ 3 con thực tế đã cho con thứ 3 học tiền tiểu học tại một nhóm lớp mấy tháng nay. Con mắc Covid-19 từ bạn học và về lây cho cả nhà. May mắn, những đứa trẻ trải qua triệu chứng nhẹ.

Vì thế, đến nay, chị sẵn sàng cho con trở lại lớp, chuẩn bị tâm lý để điều trị Covid-19 nếu không may con tái nhiễm thay vì giữ con ở nhà mãi.

 Học sinh tiểu học ở ngoại thành Hà Nội trở lại trường hôm 10/3 rồi quay trở lại học online do dịch trong khi trẻ từ lớp 1 đến lớp 6 ở nội thành vẫn học trực tuyến từ đầu năm học đến nay. Ảnh: Thạch Thảo.

Học sinh tiểu học ở ngoại thành Hà Nội trở lại trường hôm 10/3 rồi quay trở lại học online do dịch trong khi trẻ từ lớp 1 đến lớp 6 ở nội thành vẫn học trực tuyến từ đầu năm học đến nay. Ảnh: Thạch Thảo.

Nhà trường sẵn sàng, giáo viên cũng mong ngóng

Trao đổi với Zing, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, cho hay sau khi nhận thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, phòng đã chỉ đạo các trường tiểu học, THCS trên địa bàn khảo sát ý kiến phụ huynh việc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 trở lại trường từ ngày 2/4, dự kiến có kết quả vào ngày 4/4.

“Các trường đã sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Mọi việc tùy vào nguyện vọng phụ huynh, thành phố sẽ căn cứ vào mong muốn của cha mẹ học sinh cùng tình hình dịch để quyết định”, bà Hằng thông tin.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng trường TH Khương Thượng (Đống Đa), cũng khẳng định trường đã chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, điều kiện dạy học, thầy cô sẵn sàng tâm lý chuyển sang dạy học trực tiếp.

Dự kiến mấy ngày tới, trường tiến hành khảo sát. Cô Hà cho hay với sự đồng hành sát sao của phụ huynh, trường chỉ cần một ngày là hoàn thành việc lấy ý kiến.

Nhưng với thông tin cô Hà nắm bắt được, một số phụ huynh đã rất sốt ruột, mong con đi học trở lại vì trẻ ở nhà quá lâu, cả người lớn lẫn trẻ em đều oải. Một số khác còn lo dịch bệnh.

Hiệu trưởng trường Tiểu học Khương Thượng nói thêm thực tế, trẻ bị lây bệnh khi ở nhà nhiều lắm. Hàng trăm học sinh của trường đã mắc Covid-19 dù không đi học. Trong khi đó, chỉ còn một tháng nữa, các con thi cuối kỳ.

Ở nhà học online, trẻ thiệt thòi nhiều. Thầy cô rất cố gắng để dạy học song chất lượng dạy học trực tuyến không thể như ở lớp, khi có sự giám sát thường xuyên từ giáo viên.

“Tôi sốt ruột lắm, cũng mong khống chế được dịch, các con đi học là tốt nhất. Đến lớp, trẻ được giải tỏa tâm lý, học hành, ôn tập cho đỡ chứ một năm trời học online rồi”, cô Thanh Hà chia sẻ.

Cô nói thêm phụ huynh rất lo cho con vì con ở nhà học phát sinh nhiều vấn đề. Trẻ bức bách, tính cách trở nên khó chịu, một số trẻ không nói gì, trẻ khác lại cuồng tay chân.

Nhiều phụ huynh thường tâm sự với giáo viên và chính cô hiệu trưởng về việc con ra sao trong ngày tháng ở nhà. Cô Hà chia sẻ cô thấu hiểu nỗi lo của họ, tất cả cũng chỉ vì con cái.

Ở thời điểm dịch bùng phát mạnh, phụ huynh chưa muốn cho con đến trường vì sợ dịch nguy hiểm. Hiện tại, họ vẫn lo lắng song cũng muốn làm sao để con được học tập.

“Một phụ huynh còn kể với tôi, dịp sinh nhật, con xin mẹ dành phần thưởng lớn nhất là chở con đến trường, cho con ngắm trường chứ nhớ trường lớp quá. Do đó, được học trực tiếp là điều tuyệt vời đối với cả giáo viên, học sinh và gia đình”, cô Thanh Hà tâm sự.

Cô thông tin thêm do từng “suýt” mở cửa hồi tháng 2, trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất, lau dọn mọi thứ, tập duyệt các phương án dạy học, đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch nên hiện tại, trường không gặp khó khăn gì nếu đón trẻ đến lớp.

Giáo viên cũng đã trải qua thời gian dạy trực tuyến vất vả khi 70-80% thầy cô mắc Covid-19, vừa ho, sốt, vừa giảng bài qua màn hình. Đến nay, thầy cô chỉ mong có ít nhất một vài tuần để ôn tập lại cho các con, sẵn sàng nghỉ muộn hơn để có thêm thời gian dạy học, rà soát kiến thức cho trẻ.

Cô Thanh Hà tin tưởng học dưới sự kiểm tra, nhắc nhở của giáo viên sẽ hiệu quả hơn. Ở nhà, một số trẻ vẫn nói dối, báo camera hỏng để tắt đi, tiện làm việc riêng. Cô thú nhận nếu không trao đổi thường xuyên với phụ huynh để nhắc nhở, giáo viên vẫn có thể bị học trò “bắt nạt”.

Dù thầy cô nỗ lực để khắc phục khó khăn, việc dạy học trực tiếp vẫn ổn hơn. Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Thanh Hà thừa nhận trong thời gian đầu, có thể, tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con đi học trực tiếp không đạt 100%.

“Một số người có thể theo dõi thêm, thấy tình hình an toàn mới cho con trở lại trường. Về phía chúng tôi, nếu thành phố cho phép đón trẻ đến lớp, trường sẽ cố gắng để phụ huynh yên tâm”, cô Hà khẳng định.

Chia sẻ với Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng Hà Nội nên cho trẻ mầm non, tiểu học đi học tập trung. Trẻ ở nhà lâu ngày có nguy cơ mất an toàn (tai nạn), trầm cảm hay vẫn lây nhiễm từ cha mẹ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền Nhiễm TP.HCM, cho rằng Hà Nội hoàn toàn có thể để trẻ lứa tuổi này đến lớp. Ông nhấn mạnh trẻ vẫn mắc Covid-19 kể cả khi ở nhà, do đó, không thể đổ thừa việc cho trẻ đi học làm tăng nguy cơ, số ca nhiễm SARS-CoV-2.

Ông cho biết khi dương tính nCoV, trẻ trải qua triệu chứng nhẹ, có thể sốt cao nhưng tự hết trong vòng 48 tiếng, không nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó, trẻ ở nhà học online lâu ngày dẫn đến những hệ lụy mà mọi người đều thấy rõ như thiệt thòi về mặt cảm xúc, bệnh tật về tai, mắt.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-huynh-ha-noi-sot-ruot-mong-tre-tro-lai-truong-post1306962.html