Phụ huynh Trung Quốc lo ngại con bị giám sát khuôn mặt tại trường

Sau gần hai năm trường học triển khai hệ thống nhận dạng khuôn mặt học sinh, nhiều phụ huynh ở Trung Quốc phản đối mạnh mẽ vì lo sợ trẻ gặp nguy hiểm.

Từ năm 2019, các trường học Trung Quốc triển khai hệ thống nhận dạng khuôn mặt học sinh. Tuy nhiên, gần đây, việc sử dụng hệ thống nhận dạng này đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ phụ huynh.

Tranh cãi

Tháng hai, một phụ huynh họ Tan ở huyện Badong (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) lên tiếng cáo buộc trường Trung học Jingxin Youyi bắt học sinh sử dụng máy quét nhận dạng khuôn mặt để mua hàng trong khuôn viên trường.

Ngôi trường này đã bắt học sinh thanh toán qua hệ thống do tập đoàn công nghệ tài chính Alipay vận hành kể từ tháng 12/2021. Ông Tan cũng từng khiếu nại trên trang web của chính phủ khi máy quét lần đầu tiên được cài đặt. Vị phụ huynh cho rằng hệ thống có thể gây ra rủi ro về quyền riêng tư nếu dữ liệu khuôn mặt của học sinh bị rò rỉ.

Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đăng tải ý kiến của ông Tan. Nhiều bình luận cho rằng hệ thống nhận diện này tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là các lợi ích nó mang lại.

 Một phụ nữ sử dụng hệ thống thanh toán nhận dạng khuôn mặt ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Sixthtone.

Một phụ nữ sử dụng hệ thống thanh toán nhận dạng khuôn mặt ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Sixthtone.

Nhà trường phản hồi hệ thống Alipay giải quyết một số vấn đề như học sinh làm mất thẻ học sinh, tiện lợi cho việc mua sắm. Họ nhấn mạnh việc sử dụng là hoàn toàn tự nguyện, tất cả học sinh và giáo viên đều tán thành.

Tuy nhiên, ngay sau đó, trong một bài đăng khác, ông Tan khẳng định đây là hệ thống bắt buộc, nhiều giáo viên trong trường có cùng ý kiến.

Theo Alipay, hệ thống nhận dạng khuôn mặt có tên “One Face Pass” được thiết kế để sử dụng ở các trường tiểu học và trung học cơ sở. Công nghệ này được sử dụng để xác minh danh tính của học sinh, đồng thời hỗ trợ thanh toán với điều kiện học sinh phải cung cấp dữ liệu khuôn mặt cá nhân kèm theo thông tin ngân hàng của cha mẹ.

Số lượng trường học lắp đặt hệ thống thanh toán này không được tiết lộ. Phía Alipay cũng không trả lời yêu cầu phỏng vấn của trang Sixth Tone.

Nhà trường nói thêm việc sử dụng hệ thống One Face Pass phù hợp sáng kiến “smart campus” của Trung Quốc, chính sách được cơ quan giáo dục nước này đề xuất vào năm 2019. Chính sách này khuyến khích các cơ sở giáo dục sử dụng công nghệ kỹ thuật số để quản lý học sinh trong nhiều tình huống, trong lớp học hay thậm chí việc mượn trả sách thư viện.

Rủi ro từ ngành công nghiệp béo bở

Theo Sixthtone, nhận dạng khuôn mặt đã trở thành ngành công nghiệp béo bở ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Các trường học sử dụng công nghệ này để giám sát học sinh; cảnh sát phát hiện tội phạm tiềm ẩn; các công ty game áp dụng để ngăn chặn trẻ vị thành niên chơi vào đêm khuya.

Ở Trung Quốc, camera giám sát với công nghệ nhận dạng khuôn mặt được sử dụng trong mọi hình thức giám sát, từ xác định người đi bộ sai luật đến ngăn chặn trộm cắp giấy trong nhà vệ sinh công cộng.

Camera còn được dùng để sàng lọc người vào ra khuôn viên làm việc, khu dân cư và ga tàu điện ngầm. Số lượng máy quay trong hệ thống CCTV ở Trung Quốc đã lên đến khoảng 200 triệu. Con số này được dự đoán tăng lên 626 triệu vào năm 2020.

Theo thống kê, số lượng máy quét khuôn mặt được lắp đặt ở Trung Quốc tăng trung bình 30% mỗi năm từ năm 2010 đến 2018. Dự kiến thị trường đạt mức tăng trưởng 10 tỷ nhân dân tệ (1,6 tỷ USD) vào năm 2024.

 Camera giám sát đặt tại một hội chợ công nghệ cao diễn ra ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Camera giám sát đặt tại một hội chợ công nghệ cao diễn ra ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Với thống kê trên, người dân Trung Quốc lo lắng về sự can thiệp ngày càng nhiều của công nghệ. Cuộc khảo sát năm 2020 cho thấy có hơn 60% số người được hỏi nói rằng hệ thống nhận dạng khuôn mặt đã bị lạm dụng và hơn 30% cho biết thông tin khuôn mặt họ đang bị rò rỉ hoặc bị khai thác.

Chính quyền đang xây dựng các quy định pháp lý để kiểm soát các rủi ro tiềm ẩn do công nghệ mang lại. Tháng 7/2021, Tòa án Tối cao Trung Quốc lần đầu tiên công bố tài liệu chỉ rõ những tình huống nào mà việc sử dụng nhận diện khuôn mặt có thể bị coi là vi phạm quyền riêng tư.

Duan Weiwen, Giám đốc nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhấn mạnh trường học nên thận trọng khi thu thập thông tin sinh trắc học của trẻ vị thành niên.

Theo Luật Bảo vệ thông tin cá nhân mới được thông qua của Trung Quốc, dữ liệu khuôn mặt của một người và bất kỳ dữ liệu nào liên quan trẻ vị thành niên được phân loại là “thông tin cá nhân nhạy cảm”.

Loại dữ liệu này chỉ có thể được thu thập sau khi trải qua quá trình đánh giá nghiêm ngặt, cơ quan thu thập phải chứng minh được mục đích cũng như sự cần thiết của việc thu thập này.

Ông Duan cũng khẳng định: “Giới chức giáo dục nên nhận thức đầy đủ về những rủi ro đạo đức tiềm ẩn và cạm bẫy lâu dài của việc lạm dụng nhận dạng khuôn mặt, thay vì chỉ theo đuổi lợi ích trước mắt”.

Theo giáo sư Lao Dongyan của Đại học Thanh Hoa, không giống các dạng thông tin sinh học khác như dấu vân tay hay DNA, dữ liệu khuôn mặt có thể bị thu thập mà người dùng không biết hoặc không chấp thuận. Thông tin nhận dạng khuôn mặt có thể được bán cho các công ty quảng cáo bên thứ ba và nếu dữ liệu đó bị rò rỉ, thiệt hại là không thể khắc phục được.

"Những rủi ro nằm ngoài sức tưởng tượng nếu dữ liệu khuôn mặt của bạn lọt vào tay bọn tội phạm", giáo sư Lao Dongyan giải thích. "Các tài khoản ngân hàng dễ dàng bị hack và khuôn mặt có thể bị ghép vào các video khiêu dâm với công nghệ deepfake", vị này nói thêm.

Đầu năm 2019, cuộc điều tra của báo The Beijing News phát hiện nhiều dịch vụ cho phép người dùng ghép khuôn mặt người nổi tiếng hoặc nhân vật giải trí vào hình ảnh các ngôi sao khiêu dâm với giá dưới 1 USD.

Nguyễn Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-huynh-trung-quoc-lo-ngai-con-bi-giam-sat-khuon-mat-tai-truong-post1300068.html