Phú Lương chủ động phòng chống thiên tai

Những năm gần đây, Phú Lương là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh chịu nhiều thiệt hại do mưa bão gây ra. Để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai, huyện đã xây dựng phương án phòng chống lụt bão, ứng phó thiên tai sát với thực tế địa phương.

Ban chỉ huy quân sự huyện kiểm kê phương tiện, vật tư phục vụ công tác phòng chống, ứng phó thiên tai.

Ban chỉ huy quân sự huyện kiểm kê phương tiện, vật tư phục vụ công tác phòng chống, ứng phó thiên tai.

Với đặc thù là một huyện miền núi, có nhiều khe suối, cầu tràn nên mỗi khi xảy ra mưa lớn, giông lốc sẽ khiến mực nước dâng nhanh, làm ngập tràn cục bộ, gây ách tắc giao thông và gây thiệt hại về người và tài sản. Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) huyện, chỉ tính riêng trong năm 2019, trên địa bàn huyện Phú Lương đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn, giông lốc, mưa đá khiến 829 nhà dân bị thiệt hại, nhiều diện tích lúa, rau màu bị mất trắng; nhiều tuyến đường giao thông liên xóm, liên xã bị úng ngập; 7 điểm trường học bị hư hỏng… Tổng thiệt hại do thiên tai ước trên 6,4 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi về các biện pháp ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay, ông Phan Văn Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Đến thời điểm hiện tại, huyện đã hoàn thành xây dựng phương án PCTT - TKCN theo cấp độ rủi ro năm 2020. Chúng tôi đã chỉ đạo các xã thành lập được 154 tổ xung kích phòng chống thiên tai ở các xóm, tổ dân phố để phòng chống và khắc hậu quả mưa bão theo phương châm “4 tại chỗ”. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tiến hành kiểm kê, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư phục vụ công tác ứng phó, khắc phục thiên tai, bao gồm: 3 xuống máy; 12 nhà bạt; trên 430 áo phao cứu sinh các loại; hơn 1300 bao tải; 700m dây thừng; hơn 200 cuốc, xẻng, xè beng; 19 thuyền tôn; 300m2 bạt dứa…

Ngoài ra, trên cơ sở dự báo các loại hình thiên tai có khả năng xảy ra tại địa phương, huyện đã xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao bị ảnh hưởng. Từ đó, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn có khu vực xung yếu xây dựng phương án chủ động ứng phó thiên tai và phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn chuẩn bị về lực lượng, phương tiện… Đơn cử như tại xã Phủ Lý, đây là một trong những xã được xác định là địa bàn xung yếu, có thể xảy ra sạt lở đất tại các khu vực khai thác khoáng sản, hồ chứa bùn thải của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn khi xảy ra mưa bão. Nhằm chủ động trong công tác phòng chống bão lũ, giảm nhẹ thiệt hại, ông Hoàng Thanh Đóa, Chủ tịch UBND xã Phủ Lý cho biết: Ngoài việc chuẩn bị lực lượng, vật tư, chúng tôi đã tổ chức ký kết biên bản hiệp đồng giữa Ban Chỉ huy PCTT - TKCN xã với 3 doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Các doanh nghiệp sẽ căn cứ vào khả năng của đơn vị để chủ động xây dựng phương án, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia phòng chống khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra…

Ngoài ra, việc kiểm tra, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi trước mùa mưa cũng được huyện chú trọng. Trong năm 2019, từ nguồn vốn khắc phục hậu quả mưa lũ và 1 số nguồn vốn lồng ghép khác, huyện đã đầu tư tu sửa, nâng cấp hồ chứa Núi Phật (xã Tức Tranh); hồ Ba Họ (xã Yên Ninh); 4,3km kênh mương; 3 đập chứa nước với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng. Trong năm nay, ngay từ đầu quý II, UBND huyện đã giao phòng chuyên môn tiếp tục kiểm tra, đánh giá công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ. Hiện, toàn huyện có 61 hồ chứa nước, 40 đập dâng, 35 trạm bơm, cơ bản các hồ chứa đảm bảo vận hành trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, qua kiểm tra có 5 đập bị thấm; 24 tràn xả lũ chưa được kiên cố; 6 cống lấy nước bị hư hỏng nặng… Sau khi kiểm tra, huyện đã có văn bản đề nghị sở, ngành liên quan đầu tư, sửa chữa nâng cấp các công trình để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sản xuất cũng như ứng phó với các diễn biến thiên tai có thể xảy ra.

Phan Trang

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/phu-luong-chu-dong-phong-chong-thien-tai-271201-205.html