Phụ nữ có con dễ mất cơ hội công việc

Nhận định này được nêu ra tại hội thảo khởi động dự án 'Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam' do Liên minh châu Âu, OXFAM, CISDOMA vừa tổ chức tại Trường Đại học Hà Nội.

Cụ thể, theo ông Lê Văn Thanh, quản lý chương trình Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, trong các nghiên cứu về việc làm của Phái đoàn, phụ nữ khi có con gặp nhiều khó khăn trong việc ứng tuyển. Theo đó, khi xem xét hồ sơ ứng tuyển, cơ hội phụ nữ có con được nhận sẽ thấp hơn so với các ứng viên khác, ước tính mất đi hơn 90% cơ hội công việc.

Cũng theo ông Thanh thì Việt Nam là nước Á Đông, có những ưu điểm như gắn kết, cần cù, sáng tạo... tuy nhiên vẫn có tư tưởng trọng nam khinh nữ. Theo ông, phụ nữ hoàn toàn có thể thành công trong các lĩnh vực mà trước kia chỉ có nam giới, và ngược lại đàn ông cũng có thể làm tốt công việc của nữ giới.

Các đại biểu tham dự hội thảo cùng trao đổi, thảo luận về các vấn đề bình đẳng giới hiện nay. Ảnh: Trường Đại học Hà Nội

Các đại biểu tham dự hội thảo cùng trao đổi, thảo luận về các vấn đề bình đẳng giới hiện nay. Ảnh: Trường Đại học Hà Nội

Đồng tình quan điểm này, ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Oxfam tại Việt Nam, cho cho rằng ở Việt Nam phụ nữ vẫn phải đối mặt với sự phân biện đối xử về cơ cấu trong xã hội và trong gia đình. Nhiều số liệu cho thấy, 79% phụ nữ tham gia lực lượng lao động (so với 86% nam giới), nhưng tỉ lệ phụ nữ giữ các vị trí ở cấp quản lý vẫn còn thấp.

Chia sẻ thêm, ông Tú nhận định khoảng cách thu nhập theo giới ngày càng mở rộng. Trong hộ gia đình, phụ nữ gánh vác gánh nặng quá lớn của công việc không được trả công. Bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn phổ biến ở quy mô gia đình. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, định kiến giới đang là một trong những rào cản phổ biến nhất ngăn chặn những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới giữa nam và nữ tại Việt Nam.

Cho rằng những định kiến sai lầm về giới thậm chí ngày càng được củng cố thêm bởi các phương tiện truyền thông và quảng cáo có định kiến về giới, ông Tú minh chứng các quảng cáo thương mại thường gắn phụ nữ với vẻ đẹp hình thể, chăm sóc con cái và nội trợ. Theo Phó Giám đốc Oxfam tại Việt Nam thì giới trẻ chính là những người góp phần thay đổi định kiến về giới trong tương lai.

Trong khi đó, để thay đổi định kiến giới, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng mỗi người cần nhận thức đúng, rằng bình đẳng không phải là sự sòng phẳng ở một cực và tình cảm là ở một cực khác: "Bình đẳng là để mọi người xích lại gần nhau, sống tình cảm hơn, chứ không phải ai cũng là chiến binh để giành chiến thắng trong cuộc chiến bình đẳng".

Để góp phần thực hiện điều đó, dự án "Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam" kéo dài bốn năm và sẽ được triển khai tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Tham gia dự án gồm 1.000 sinh viên tại năm trường đại học, học viện; 20 nhóm thanh niên tại cộng đồng và trong trường đại học, giám đốc marketing và giám đốc điều hành của 50 doanh nghiệp bao gồm các công ty truyền thông quảng cáo và 100 nhà báo.

Mục tiêu của dự án nhằm đạt được ba kết quả cụ thể, gồm: Thanh niên trở thành hạt nhân cho sự thay đổi về bình đẳng giới trong cộng đồng; Các phương tiện truyền thông và doanh nghiệp chuyển đổi các hoạt động truyền thông và quảng cáo theo hướng nhạy cảm về giới; Nam giới và nữ giới ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM có nhận thức và hành động thể hiện bình đẳng giới thực chất.

Qua dự án ông Tú hy vọng rằng sinh viên các trường đại học, học viện tham gia dự án sẽ là những người tiên phong thúc đẩy và dẫn dắt những thay đổi trong cộng đồng hàng triệu người dân tại ba thành phố lớn triển khai dự án, từ đó tác động đến những cư dân thành thị khác để thay đổi định kiến giới. Dự án cũng sẽ góp phần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của định kiến giới thông qua sự tác động trong việc thay đổi nhận thức và hành vi về các định kiến giới đã phổ biến, ăn sâu trong cuộc sống hàng ngày của cộng đồng.

T.Văn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/phu-nu-co-con-de-mat-co-hoi-cong-viec-25494.html