Phụ nữ Đơn Dương giúp nhau thoát nghèo

Với mục tiêu 'Phụ nữ Đơn Dương phát huy nội lực, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, vươn lên thoát nghèo', những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đơn Dương đã xây dựng các nguồn quỹ tiết kiệm, mô hình thiết thực giúp nhiều hội viên phụ nữ thoát nghèo bền vững.

Hội Phụ nữ xã tham quan khu đất trồng ớt được đầu tư nhà lưới của bà Nữ (bên trái)

Hội Phụ nữ xã tham quan khu đất trồng ớt được đầu tư nhà lưới của bà Nữ (bên trái)

Hiệu quả nguồn Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo

Nổi bật với mô hình “Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, chỉ với 5.000 đồng mỗi hội viên (1 năm đóng một lần), nguồn quỹ tiết kiệm này đã giúp cho rất nhiều hội viên phụ nữ thoát nghèo.

Như bà Nguyễn Thị Nữ (60 tuổi), xã Quảng Lập, trước đây gia đình bà là một trong những hộ cận nghèo của địa phương. Để phát triển sản xuất, bà mong muốn làm nhà lưới cho hơn 1 sào rau củ, mục đích để rau màu không hư hại vào mùa mưa và giảm sâu bệnh. Nắm được nhu cầu của gia đình bà, năm 2018, Hội Phụ nữ xã Quảng Lập đề xuất Huyện hội giúp bà vay 20 triệu đồng từ nguồn “Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”.

Từ số tiền này cùng những nguồn vay hộ nghèo khác, bà Nữ mạnh dạn đầu tư gần 50 triệu đồng để làm nhà lưới. “Nhờ có số tiền đó mà tôi làm được nhà lưới, rau quả năng suất, ít sâu bệnh hơn. Có thêm thu nhập, cuộc sống của tôi đỡ vất vả rất nhiều”, nói dứt lời, bà Nữ cười khoe căn nhà cấp bốn vừa mới xây lại: “Trước đây tôi ở nhà ván gỗ, vừa rồi tôi dành dụm được ít rồi vay thêm để làm nhà mới, nay không sợ mưa dột nữa, mừng lắm”.

Chị Thái Thị Ngọc Trang - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quảng Lập cho biết, vừa qua, xã Quảng Lập được giải ngân 60 triệu đồng từ nguồn “Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, gia đình bà Nữ là một trong 3 gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được Huyện hội bình xét cho vay. Đến nay, 2 trong 3 hộ này đã thoát diện hộ nghèo.

Theo bà Phan Thị Hoài Thanh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đơn Dương, mục đích của nguồn quỹ tiết kiệm này là hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo có thêm nguồn vốn đầu tư sản xuất, phát huy sức mạnh nội lực phát triển kinh tế gia đình.

Theo đó, Huyện hội có hơn 12 nghìn hội viên, với 5.000 đồng mỗi hội viên/ năm, mỗi năm nguồn quỹ này dao động khoảng 70 triệu đồng. Tùy theo số lượng hội viên của mỗi xã, thị trấn mà Hội phân bổ nguồn vốn vay phù hợp. Hội Phụ nữ các cấp có nhiệm vụ rà soát đúng đối tượng phụ nữ nghèo, nắm bắt nhu cầu của hội viên để tiền quỹ được sử dụng hiệu quả. Nguồn quỹ này được cho vay xoay vòng, năm nay, 10 xã, thị trấn đều đã được sử dụng. “Đến thời điểm hiện tại, Hội đã giúp gần 60 hội viên phụ nữ nghèo với số tiền hơn 500 triệu đồng. Riêng trong năm nay, Hội đã vận động và trao hơn 200 triệu đồng cho 13 phụ nữ nghèo tại xã Tu Tra và Próh làm kinh tế thoát nghèo” - bà Thanh cho biết.

Thiết thực các mô hình giúp đỡ phụ nữ nghèo

Không chỉ riêng “Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, những năm qua, Hội Phụ nữ huyện Đơn Dương còn xây dựng nhiều mô hình giúp đỡ phụ nữ nghèo như: nuôi heo đất, hỗ trợ sinh kế, đỡ đầu phụ nữ làm kinh tế cùng nhiều nguồn quỹ tiết kiệm khác. Tùy theo điều kiện thực tế và nhu cầu của hội viên mà Hội giúp đỡ. Đồng thời, hướng dẫn hội viên xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, nhiều phụ nữ nhờ đó thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Gia đình chị Ka Đế (40 tuổi), thôn Suối Thông A1, xã Đạ Ròn là một trong những hội viên đồng bào dân tộc thiểu số may mắn được Huyện hội giúp đỡ thoát nghèo. Nay đến thăm gia đình chị là ngôi nhà 2 tầng khang trang. Chị Ka Đế cười nói: “Trước đây gia đình khó khăn lắm, nhờ được Hội Phụ nữ quan tâm cho vay 10 triệu đồng mua máy vắt sữa bò mà nay gia đình khá hơn nhiều”. Nay số bò sữa của gia đình chị đã tăng lên 20 con, mang lại thu nhập 20 triệu đồng mỗi tháng, ngôi nhà mới này vừa được chị xây trong năm nay.

Bà Thanh cho biết, thời gian qua, Hội Phụ nữ huyện Đơn Dương luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động chị em phát huy nội lực, tương trợ lẫn nhau, vươn lên khắc phục khó khăn. Qua đó, nhiều mô hình giúp đỡ phụ nữ nghèo được hội viên hưởng ứng và phát huy hiệu quả, giúp nhiều hội viên có vốn làm kinh tế, không sa vào “tín dụng đen”, vay nặng lãi.

Cụ thể, Hội đã triển khai mô hình “Hỗ trợ phương tiện sinh kế” cho hội viên phụ nữ nghèo. Trong 5 năm qua, bằng nguồn vận động xã hội hóa, Hội Phụ nữ các cấp đã trao 64 phương tiện sinh kế cho hội viên nghèo, khó khăn như: tủ bánh mì, máy bơm thuốc, nhà lưới, ống dây tưới, bò sinh sản,... Huyện hội cũng đã thành lập Tổ phụ nữ tương thân, tương trợ; Tổ phụ nữ kế hoạch nhỏ,... hội viên phụ nữ nghèo nhờ đó có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình.

Bà Thanh chia sẻ: “Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục duy trì, phát triển các mô hình giúp đỡ phụ nữ nghèo. Đồng thời, các cấp Hội sẽ rút kinh nghiệm phân bổ nguồn vốn sao cho hợp lý, đúng đối tượng để các mô hình thực sự hiệu quả”.

Với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, Hội LHPN huyện Đơn Dương đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho nhiều phụ nữ nghèo, khó khăn có thêm động lực vươn lên. Qua đó, giúp hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, đời sống được nâng lên góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế của địa phương.

NHẬT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202011/phu-nu-don-duong-giup-nhau-thoat-ngheo-3030168/