Phụ nữ Hà Tĩnh xử lý rác từ nhà, giảm ô nhiễm cho cộng đồng

Phân loại, xử lý rác thải tại nhà để giảm gánh nặng rác thải ra cộng đồng, từ hiệu quả các đơn vị điểm đến việc phát triển thành phong trào sâu rộng, hội LHPN các cấp ở Hà Tĩnh đã góp phần thực hiện tiêu chí môi trường một cách bền vững ở các vùng quê NTM.

Gia đình bà Hoàng Thị Khanh tích cực thực hiện phân loại, xử lý rác và nước thải hợp vệ sinh

Gia đình bà Hoàng Thị Khanh tích cực thực hiện phân loại, xử lý rác và nước thải hợp vệ sinh

Tại thôn Tân Đông, xã Thạch Điền (Thạch Hà), đến nay, việc phân loại rác thải tại nhà và xử lý rác đã trở thành nhu cầu của mỗi người phụ nữ trong gia đình.

Bà Hoàng Thị Khanh chia sẻ: “Nay đã thành thói quen, nhà tôi luôn có 2 giỏ đựng rác phân hủy và không phân hủy. Hố rác ủ phân bằng chế phẩm hatimic được xây dựng để xử lý rác hữu cơ, giúp gia đình có thêm nguồn phân xanh phục vụ cho khu vườn mẫu. Rác thải nhựa được gom, đem bán nên lượng rác phải đưa ra bãi rác tập trung không còn đáng kể. Tạo được thói quen phân loại và xử lý rác nên nhà cửa, vườn tược gọn gàng, sạch sẽ”.

Chủ tịch Hội LHPN xã Phan Thị Hoài (ngoài cùng bên trái) cho biết, đến thời điểm hiện nay, toàn thôn có 50 hộ đã xây bể xử lý nước thải

Chủ tịch Hội LHPN xã Phan Thị Hoài (ngoài cùng bên trái) cho biết, đến thời điểm hiện nay, toàn thôn có 50 hộ đã xây bể xử lý nước thải

Bên cạnh triển khai việc phân loại, xử lý rác và và ủ phân vi sinh tới 100% hộ gia đình, thôn Tân Đông đang được Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh chọn làm điểm để hỗ trợ thực hiện mô hình xử lý nước thải. Theo đó, toàn bộ nguồn nước thải trong gia đình được dẫn về bể chứa, sau khi sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý, hoàn toàn không còn mùi khó chịu và trở thành nguồn nước tưới rất tốt cho cây trồng.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Thạch Hà Nguyễn Thị Bính cho biết: Hoạt động tổ chức thu gom, phân loại, xử lý rác tại nguồn được UBND huyện trực tiếp chỉ đạo, HĐND huyện ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể. Theo đó, UBND các cấp hỗ trợ kinh phí cấp sọt phân loại rác, nắp đậy hố xử lý và chế phẩm sinh học cho các hộ tại chi hội làm điểm, với 9.430 giỏ rác, 806 nắp đậy và 10.150 gói chế phẩm sinh học. Kết quả rõ nét từ các thôn làm điểm được cán bộ và người dân rất đồng tình, hưởng ứng và đang được nhân rộng toàn huyện.

Lãnh đạo Hội LHPN Đức Thọ hướng dẫn, kiểm tra việc xây hố rác xử lý phân hữu cơ ở xã Tùng Ảnh, Đức Thọ

Lãnh đạo Hội LHPN Đức Thọ hướng dẫn, kiểm tra việc xây hố rác xử lý phân hữu cơ ở xã Tùng Ảnh, Đức Thọ

Còn tại Đức Thọ, thông qua mô hình “Phân loại và xử lý rác thải tại gia đình”, xây dựng các hố rác tại hộ, nhiều xã đã hạn chế được lượng rác phát sinh ra môi trường. Tiêu biểu trong hoạt động này có hội phụ nữ các xã: Tùng Ảnh, Đức Yên, Đức Thịnh, Trường Sơn, Yên Hồ, Đức Vĩnh, Đức Lạc, Đức Lập…” - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đường Thị Phú cho biết.

Gắn cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” với việc thực hiện tiêu chí môi trường, từ đầu năm đến nay, hội LHPN các cấp trong toàn tỉnh tập trung hỗ trợ, vận động hội viên, phụ nữ và người dân thực hiện phân loại, xử lý rác thải và từng bước hạn chế rác thải nhựa.

Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh trao tặng 80 thùng đựng rác cho các thôn trên địa bàn xã Thuần Thiện, Can Lộc. Ảnh: Kiều Minh

Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh trao tặng 80 thùng đựng rác cho các thôn trên địa bàn xã Thuần Thiện, Can Lộc. Ảnh: Kiều Minh

Theo đó, nội dung trọng tâm là vận động số đông gia đình phân loại từ gốc và xử lý rác bằng các hình thức hợp vệ sinh như: Xây dựng lò đốt rác, hố rác/hố ủ phân sử dụng chế phẩm sinh học. 6 tháng đầu năm 2019, các cấp hội phụ nữ đã tập trung hỗ trợ, vận động xây dựng 3.232 lò đốt rác quy mô gia đình; 8.229 hố rác/hố ủ phân sử dụng chế phẩm sinh học; vận động người dân mua 27.367 giỏ rác, thùng rác (trong đó, các cấp hội tặng 6.563 giỏ rác).

Rác thải và tiến tới là nước thải đang từng bước được xử lý hiệu quả ngay tại hộ gia đình nhằm giảm gánh nặng xử lý rác tập trung, xây dựng những khu dân cư xanh, sạch, đẹp.

Thảo Yến

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/xa-hoi/phu-nu-ha-tinh-xu-ly-rac-tu-nha-giam-o-nhiem-cho-cong-dong/174055.htm