Phụ nữ Pà Thẻn làm kinh tế từ văn hóa truyền thống
BHG - Trên địa bàn xã Tân Bắc, huyện Quang Bình có một hợp tác xã (HTX) nhỏ, nằm khuất sau tiệm thuốc tây nhưng lại thu hút rất nhiều sự quan tâm của du khách đến tham quan cũng như khách mua hàng bởi các sản phẩm thủ công với màu đỏ đặc trưng của văn hóa dân tộc. Đó là HTX Thổ cẩm Pà Thẻn Tân Bắc.
Chị Tải Thị Mai, Giám đốc HTX chia sẻ: Từ năm 2009, nhận thấy nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình ngày càng mai một, thế hệ trẻ không mấy mặn mà với văn hóa truyền thống, trong khi lớp người đi trước lại chỉ làm sản phẩm riêng lẻ phục vụ nhu cầu cá nhân, không đủ đáp ứng thị trường; tôi nảy ra ý tưởng thành lập HTX nhằm duy trì, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đồng thời tạo cơ hội việc làm, phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc trên địa bàn.
Với tâm huyết ấy, chị Mai – khi đó là Chi hội Trưởng Phụ nữ thôn My Bắc - đã kết nối những phụ nữ Pà Thẻn trong thôn lại cùng nhau làm việc. Năm 2017, HTX Thổ cẩm Pà Thẻn được thành lập với 10 thành viên, chủ yếu là những phụ nữ lớn tuổi, có kinh nghiệm dệt thổ cẩm lâu năm.
Chị Mai cho biết, với những hoa văn cổ truyền, các bác, các cô xã viên đã được học từ khi còn nhỏ, họ rất quen thuộc với công việc này. Tuy vậy, chị vẫn phải tìm hiểu, học hỏi thêm qua các trang sách cổ để hệ thống lại và truyền bá những câu truyện dân gian của dân tộc mình qua từng nét hoa văn đặc trưng ấy.
Bên cạnh những sản phẩm trang phục truyền thống, chị Mai còn thiết kế, sáng tạo kết hợp thêm nét hiện đại, làm nên những sản phẩm thông dụng như túi, ví, mũ,...làm tăng tính ứng dụng của thổ cẩm.
Để quảng bá sản phẩm của HTX, chị Mai đã tích cực học hỏi, tham gia các hội, nhóm và livestream, đưa hình ảnh sản phẩm lên các trang mạng xã hội, giúp chúng tiếp cận được với nhiều người hơn. Qua đó, những sản phẩm thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn đã được biết đến, đón nhận, có những đơn đặt hàng đi khắp trong và ngoài nước.
Qua 6 năm hoạt động, HTX đã có những thành công nhất định. Các sản phẩm của HTX đều được yêu thích và tin dùng của đông đảo khách hàng, tất cả các mặt hàng thổ cẩm đều có mã vạch, tem truy xuất, bảo đảm chất lượng thương hiệu OCOP của sản phẩm. Trong năm 2022, doanh thu của HTX là hơn 1 tỷ đồng, tạo thu nhập cho các xã viên 3-8 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, chị Tải Thị Mai cùng những nghệ nhân trong HTX cũng tổ chức những lớp dạy nghề dệt thổ cẩm dành cho các bạn trẻ, với mong muốn thế hệ sau sẽ tiếp nối, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.
Chị Mai chia sẻ, trong tương lai, HTX sẽ định hướng phát triển kết hợp du lịch với văn hóa bản địa, lưu giữ nét truyền thống qua ngôi nhà cổ truyền của dân tộc Pà Thẻn, đồng thời quảng bá, tiếp thị các sản phẩm nghề thủ công như nghề dệt, nghề đan lát. Từ đó mang hình ảnh truyền thống dân tộc đến với nhiều người hơn cũng như tạo cơ hội việc làm, phát triển kinh tế cho phụ nữ Pà Thẻn trên địa bàn.