Phụ nữ Phú Đô (Thái Nguyên) lan tỏa phong trào chống rác thải nhựa

'Trước đây mỗi lần đi chợ về, tôi phải dọn ra cả hơn chục cái túi bóng, dồn vào bao tải chẳng mấy chốc là đầy. Bây giờ đi chợ mang theo làn nhựa, hạn chế tối đa mang túi nilon về nhà. Chị em phụ nữ dân tộc Sán Chay ở đây ai cũng làm như vậy' - Bà Trần Thị Tập chia sẻ.

 Mô hình "Ngôi nhà xanh" của chị em phụ nữ dân tộc Sán Chay tại xóm Cúc Lùng, xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Mô hình "Ngôi nhà xanh" của chị em phụ nữ dân tộc Sán Chay tại xóm Cúc Lùng, xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Xóm Cúc Lùng nằm các trung tâm xã Phú Đô (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) khoảng 2km, được bao quanh bởi những đồi chè xanh ngút tầm mắt. Điều ấn tượng hơn cả, chính là con đường chạy quanh làng, ven dọc những nương chè sạch sẽ, không còn bóng dáng chai lọ, túi nilon hay bất kỳ một loại rác thải nhựa nào.

"Ra đường thấy ai vứt cái gì thì nhắc nhở. Bản thân tôi, thấy ở đâu có túi nilon thì nhặt gom lại, đợi mang đi xử lý. 4 năm nay rồi, gia đình tôi có thói quen phân loại rác thải ngay từ trong gia đình. Ngay cả cháu gái 11 tuổi cũng đã biết tự giác trong việc này", bà Trần Thị Tập ở xóm Cúc Lùng cho biết.

Bà Vũ Thị Ân, 58 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Cúc Lùng cho biết: Chi hội có 62 hội viên, 100% là người dân tộc Sán Chay. Sau khi Hội LHPN xã phát động phong trào chống rác thải nhựa, tất cả hội viên đều tích cực hưởng ứng, tham gia.

"Lần đầu tiên tôi mang "Ngôi nhà Xanh" về đặt ở ngã ba, ai cũng thắc mắc không biết cái "chuồng sắt" ấy để làm gì. Đầu tiên mọi người chưa hiểu nên cũng gặp không ít khó khăn. Tôi mới tổ chức ra cuộc họp, phân tích lợi ích của việc thu gom rác thải nhựa, chị em hiểu, đồng tâm tham gia. Chưa tròn 1 năm chúng tôi đã bán được rác thải nhựa ở mô hình "Ngôi nhà Xanh", có được một món tiền tiết kiệm tặng 15 em học sinh khó khăn trong xóm. Dù rất nhỏ thôi nhưng thấy được hiệu quả của hoạt động nên ai cũng vui", bà Ân tâm sự.

Sau 4 năm triển khai phong trào phòng chống rác thải nhựa, dọc đường làng, nương chè, khu vực công cộng và ngay cả trong mỗi hộ gia đình ở xóm Cúc Lùng đều sạch sẽ, không có bóng dáng rác thải nhựa.

Không chỉ vậy, bà Ân cho biết, từ việc xả rác bừa bãi ra môi trường, đến nay mỗi chị em trong Chi hội đều tạo được cho mình thói quen gặp rác ở đâu, thu gom ở đó; gặp ai xả rác là nhắc nhở, tuyên truyền ngay, kể cả các thành viên trong gia đình. "Rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan mà còn ảnh hưởng nhiều đến môi trường, cuộc sống và đặc biệt là sức khỏe con người. Hiểu được điều đó, chị em ngày càng tích cực tham gia vào các hoạt động nhằm hạn chế phát sinh rác thải nhựa", bà Ân chia sẻ thêm.

Trong đời sống sinh hoạt, nhu cầu sử dụng các sản phẩm có vật chất là nhựa có thể tái chế rất nhiều. Để quản lý sử dụng các sản phẩm đó mang lại hiệu quả thiết thực, công tác tuyên truyền phải quan tâm hàng đầu. Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đô cho biết: Địa bàn xã có gần 50% hội viên phụ nữ là người dân tộc thiểu số, chính quyền luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho chị em ở khu vực này. Trong công tác tuyên truyền phòng chống rác thải nhựa, các ngành đoàn thể, đặc biệt là Hội LHPN cũng đã xây dựng các mô hình triển khai thực hiện, tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân.

"Thời gian trước, ở nhiều nơi, đặc biệt là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, bà con chưa biết cách thu gom, tận dụng rác thải nhựa, cũng chưa biết tác hại của rác thải nhựa với môi trường nên việc tiếp cận tuyên truyền có gặp chút khó khăn. Tuy nhiên, Hội LHPN xã đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền riêng, khuyến khích toàn thể gia đình đều thực hiện tự phân loại rác thải tại hộ gia đình", bà Quỳnh cho hay.

Mô hình đi chợ bằng làn đã được chị em phụ nữ xã Phú Đô tích cực hưởng ứng. Ngay cả trong các triển lãm, hội chợ, những sản phẩm trưng bày, bán đều được bao bọc bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường thay cho túi nilon.

Xã Phú Đô hiện có 1.268 hội viên phụ nữ, trong đó có 484 phụ nữ dân tộc thiểu số bao gồm Sán Chay, Nùng, Tày, Dao và Mông. Từ năm 2018, Hội LHPN xã Phú Đô đã thực hiện triển khai các kế hoạch, hoạt động phòng chống rác thải nhựa và bảo vệ môi trường đến 14/14 Chi hội trên địa bàn. Có nhiều chương trình đã được triển khai thu hút đông đảo hội viên tham gia như "Đi chợ bằng làn", "Ngôi nhà Xanh", " Đổi phế liệu lấy cây xanh", "Chủ nhật Xanh"...

Chị Trần Thị Huyền - Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Đô, cho biết: "Đối với phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, phương pháp tuyên truyền chúng tôi lựa chọn là trực tiếp. Chúng tôi chú trọng tuyên truyền lồng ghép vào các buổi sinh hoạt trực tiếp, ví dụ như sinh hoạt dịp 8/3, 20/10, sơ kết, tổng kết và các buổi họp xóm... Ngoài việc tuyên truyền trực tiếp thì tuyên truyền qua các trang mạng xã hội, pano, áp phích, khẩu hiệu, băng rôn... ".

Hoạt động "đổi rác lấy cây xanh" cũng được chị em phụ nữ xã Phú Đô hưởng ứng.

Hoạt động "đổi rác lấy cây xanh" cũng được chị em phụ nữ xã Phú Đô hưởng ứng.

Theo chị Huyền, để phong trào phòng chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường được lan tỏa sâu rộng và có thể bền vững hơn, thì không chỉ đến cán bộ hội viên, nhân dân tham gia mà còn phải xuất phát từ trong nhà trường: "Hội LHPN xã vẫn xác định tuyên truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia. Khi đi cơ sở, chúng tôi vẫn nhắc nhau: "Cán bộ hội viên về tuyên truyền, vận động con em mình thực hiện tốt phong trào phòng chống rác thải nhựa trước tiên".

Chúng tôi cũng đã thấy được, ngay từ cơ bản nhất, các em học sinh từ lớp mầm đến 18 tuổi cần được giáo dục ý thức phân loại rác từ hộ gia đình như thế nào, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, bảo vệ môi trường ra sao. Khi đó mới tạo tiền đề cho thế hệ sau thực hiện phòng chống rác thải nhựa", chị Huyền chia sẻ.

Anh Đào

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phu-nu-phu-do-thai-nguyen-lan-toa-phong-trao-chong-rac-thai-nhua-20240924190927045.htm