Phụ nữ Quảng Nam ngăn chặn bất bình đẳng giới và xâm hại trẻ em

VOV.VN -Thời gian qua, Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam đã có nhiều mô hình hay, cách làm tốt ngăn chặn nạn bất bình đẳng giới và xâm hại trẻ em, nhất là trẻ em gái. Đây cũng là nội dung của Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, thầy và trò trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS liên xã Cà Dy –TaBhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam tập trung chuẩn bị cho Tọa đàm “Điều con muốn nói” do Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam tổ chức tại trường. Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của trường có tiết mục văn nghệ biểu diễn tại “Tọa đàm tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, hướng tới bình đẳng giới” do Hội phụ nữ huyện Nam Giang tổ chức.

Với đặc thù học sinh ở lại ký túc xá cả tuần, các trường bán trú ở miền núi chú trọng giáo dục phòng tránh xâm hại trẻ em

Với đặc thù học sinh ở lại ký túc xá cả tuần, các trường bán trú ở miền núi chú trọng giáo dục phòng tránh xâm hại trẻ em

Em Vương Thị Thanh Thảo, học sinh Lớp 9/3, trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS liên xã Cà Dy –TaBhing nói, sau khi được trang bị kiến thức về phòng, tránh xâm hại trẻ em gái, em đã tuyên truyền cho các bạn trong lớp và bà con ở khu dân cư: “Trong các buổi sinh hoạt lớp thì con có tuyên truyền cho các bạn về vấn đề phòng chống xâm hại trẻ em nữ. Con cũng có nói lại với các bạn những nội dung mà con tiếp thu được trong những buổi sinh hoạt của nhà trường. Con cũng tuyên truyền các bạn ở trong thôn và với các phụ huynh về nội dung tảo hôn, xâm hại tình dục, bạo lực gia đình”.

Với đặc thù trường bán trú, học sinh tuổi mới lớn sinh hoạt, ăn nghỉ tại ký túc xá từ thứ hai đến thứ sáu, trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS liên xã Cà Dy –TaBhing rất chú trọng sinh hoạt ngoại khóa, trang bị cho học sinh nữ những kiến thức cơ bản về phòng, chống tảo hôn, trẻ em gái kỹ năng về phòng chống xâm hại.

Nhà trường cũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam thành lập câu lạc bộ thủ lĩnh với 30 em, gồm những học sinh năng nổ, được các bạn tin yêu. Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức Tọa đàm “Điều em muốn nói” để các em mạnh dạn bày tỏ tâm tư. 150 em học sinh được giãi bày những điều liên quan tảo hôn, xâm hại, bạo lực gia đình. Các cơ quan của huyện, tỉnh lắng nghe và giải thích những điều các em còn vướng mắc. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nam Giang tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức Luật Bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình, thi kiến thức, xử lý những tình huống phòng tránh xâm hại trẻ em gái.

 Các nội dung của Dự án 8 đã và đang đi vào cuộc sống, được người dân đón nhận.

Các nội dung của Dự án 8 đã và đang đi vào cuộc sống, được người dân đón nhận.

Cô Vương Thị Ánh, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS liên xã Cà Dy –TaBhing, huyện Nam Giang cho biết: “Dần dần các em cũng tự có kỹ năng hơn. Trong khoảng thời gian nhiều năm trở lại đây, riêng học sinh của trường từ lớp 6 đến lớp 9 không có em nào là nạn nhân bị xâm hại. Liên quan đến dự án 8 về bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em gái, trường cũng được Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam lên tổ chức thành lập câu lạc bộ thủ lĩnh cũng hướng dẫn, cung cấp tài liệu để nhà trường định kỳ tổ chức truyền thông cho các em”.

Thời gian qua, Hội Phụ nữ huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện đẩy mạnh hình thức sân khấu hóa, tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình tại 8 xã vùng cao biên giới. Từ năm ngoái đến nay, huyện Nam Giang thành lập 7 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh sự thay đổi”, 17 tổ truyền thông cộng đồng. Hội lựa chọn 5 xã thành lập “địa chỉ tin cậy” gồm các xã Đakre, La Ê, Chaval, Tà Pơ và thị trấn Thạnh Mỹ. "Địa chỉ tin cậy" là mô hình tổ chức hoạt động xã hội tình nguyện tại cộng đồng. Nội dung hoạt động của mô hình là tiếp nhận, hỗ trợ và thông báo kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực; bảo đảm an toàn cho nạn nhân; bảo đảm bí mật thông tin về người báo tin và nạn nhân.

 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh sự thay đổi”, tổ truyền thông cộng đồng là nơi tổ chức nhiều buổi tọa đàm, sinh hoạt

Câu lạc bộ “Thủ lĩnh sự thay đổi”, tổ truyền thông cộng đồng là nơi tổ chức nhiều buổi tọa đàm, sinh hoạt

Câu lạc bộ “Thủ lĩnh sự thay đổi”, tổ truyền thông cộng đồng là nơi tổ chức nhiều buổi tọa đàm, sinh hoạt, cùng trao đổi, thảo luận chia sẻ cách làm hay, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, phối hợp của các cấp chính quyền và các hội đoàn thể trong triển khai thực hiện công tác bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em; công tác vận động, huy động nguồn lực lồng ghép trong triển khai thực hiện; phối hợp trong tuyên truyền phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng ngừa bạo lực học đường; công tác định hướng nghề nghiệp giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

“Chúng tôi giám sát lại tổ truyền thông cộng đồng năm 2023 chúng tôi đã thành lập, họp lại tổ truyền thông cộng đồng, hướng hoạt động như thế nào, có hiệu quả hay không và có nên thành lập hay không nữa. Chúng tôi cũng xem xét lại xã nào nên thành lập địa chỉ đáng tin cậy. Bởi địa chỉ đáng tin cậy chủ yếu là nơi để chị em có nơi cư trú, báo tin về những vấn đề bạo lực gia đình. Bà con cũng nói rằng nên duy trì hoạt động”, bà A Rất Thị Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam nói.

Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của trường Phổ thông bán trú THCS liên xã Cà Dy- TaBhing, huyện Nam Giang

Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của trường Phổ thông bán trú THCS liên xã Cà Dy- TaBhing, huyện Nam Giang

Triển khai Dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều hoạt động như: In, phát tài liệu hướng dẫn nội dung, cách thức triển khai, vận hành từng mô hình, hoạt động cụ thể của Dự án. Đồng thời, Hội cũng định hướng công tác truyền thông giai đoạn 2021-2025, giúp các địa phương triển khai, vận hành các mô hình theo yêu cầu của Dự án; cung cấp tài liệu khung làm cơ sở cho địa phương có thể phát triển thêm các tài liệu phù hợp với đặc điểm tình hình từng địa phương; Tổ chức các lớp tập huấn với hàng trăm lượt cán bộ tham gia… Bên cạnh đó, Hội thành lập điểm, truyền thông 2 mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”, 2 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại 2 xã của huyện miền núi cao Tây Giang và Nam Giang với 400 người dân, học sinh tham gia…

Hội Phụ nữ cấp huyện cũng đã thành lập 30 tổ truyền thông cộng đồng tại 30 thôn, bản với hơn 200 người tham gia; tổ chức 14 cuộc truyền thông cộng đồng. Đến nay, hơn 1.000 phụ nữ mang thai vùng dân tộc thiểu số và miền núi được tuyên truyền, vận động đến sinh con tại cơ sở y tế; thành lập mới 14 địa chỉ tin cậy hỗ trợ và bảo vệ phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình; thành lập 25 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”…

 Tọa đàm “Điều em muốn nói” là diễn đàn để trẻ em mạnh dạn bày tỏ tâm tư.

Tọa đàm “Điều em muốn nói” là diễn đàn để trẻ em mạnh dạn bày tỏ tâm tư.

Các hoạt động của Dự án 8 được triển khai bám sát yêu cầu định hướng của dự án, vừa mang tính toàn diện, cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế. Các nội dung của Dự án 8 đã và đang đi vào cuộc sống, được người dân đón nhận và được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Bước đầu thực hiện Dự án 8 không chỉ giúp người dân thay đổi nhận thức và hành động về bình đẳng giới, quyền lợi trẻ em mà còn góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các huyện miền núi.

Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam Tổ chức các cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản; Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; Thực hiện các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em; Tổ chức Hội thi/liên hoan các mô hình sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình, và mua bán phụ nữ và trẻ em.

“Tọa đàm tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, hướng tới bình đẳng giới”

“Tọa đàm tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, hướng tới bình đẳng giới”

Bà Đặng Thị Lệ Thủy, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam cho biết, Hội tập trung xây dựng chương trình phát triển năng lực thực hiện bình đẳng giới trong cộng đồng: "Chỉ đạo, điều hành công tác tuyên truyền cũng như vận động về sự nhận thức của phụ nữ, lấy sự hài lòng của phụ nữ làm thước đo để đánh giá phong trào, nâng cao chất lượng giám sát phản biện đề xuất chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình và bình đẳng giới".

PV/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phu-nu-quang-nam-ngan-chan-bat-binh-dang-gioi-va-xam-hai-tre-em-post1130420.vov