Phụ nữ xã Phú Nghĩa sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng giảm nghèo

Chồng mất từ lâu, con trai cả đã trưởng thành nhưng do ảnh hưởng sau tai nạn giao thông nên thần trí không ổn định, gia cảnh của chị Nguyễn Thị Thắng, hội viên phụ nữ thôn Bến Nghĩa, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) gặp rất nhiều khó khăn. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và tổ chức hội, đoàn thể, chị được hỗ trợ kinh phí và ngày công sửa chữa nhà ở. Cùng với đó, chị được tiếp cận vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo để đầu tư phát triển chăn nuôi. Cuối năm 2023, khi kinh tế ổn định hơn, chị tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo.

Chồng mất từ lâu, con trai cả đã trưởng thành nhưng do ảnh hưởng sau tai nạn giao thông nên thần trí không ổn định, gia cảnh của chị Nguyễn Thị Thắng, hội viên phụ nữ thôn Bến Nghĩa, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) gặp rất nhiều khó khăn. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và tổ chức hội, đoàn thể, chị được hỗ trợ kinh phí và ngày công sửa chữa nhà ở. Cùng với đó, chị được tiếp cận vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo để đầu tư phát triển chăn nuôi. Cuối năm 2023, khi kinh tế ổn định hơn, chị tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo.

Hội LHPN xã Phú Nghĩa giao ban với các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm đôn đốc tổ viên hướng dẫn hội viên phụ nữ nghèo được vay vốn trả gốc, lãi đúng hạn.

Hội LHPN xã Phú Nghĩa giao ban với các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm đôn đốc tổ viên hướng dẫn hội viên phụ nữ nghèo được vay vốn trả gốc, lãi đúng hạn.

Trong những năm qua, từ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều sinh viên trên địa bàn xã có điều kiện đi học, tìm được công việc phù hợp, thu nhập bảo đảm đời sống cho gia đình và góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương. Gia đình chị Nguyễn Thị Giang, hội viên chi hội phụ nữ thôn Tân Thành là một trong những hộ sử dụng nguồn vốn chính sách chương trình học sinh, sinh viên đúng mục đích, hiệu quả cao. Chị Giang chia sẻ: Nhà có 6 người, gia đình cả bên nội, bên ngoại đều không khá giả nên vợ chồng tôi phải tự xoay sở mọi việc. Với tâm niệm cho con "cái chữ” là cho cả tương lai nên cuộc sống dù vất vả, tôi vẫn quyết tâm lo cho con được học hành đến nơi, đến chốn. Năm 2023, con gái lớn thi đỗ và theo học tại Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Hà Nội. Nhờ nguồn vốn vay dành cho học sinh, sinh viên đã tạo điều kiện để con gái tôi yên tâm học tập, gia đình từng bước phát triển kinh tế.

Theo chị Chu Thị Thúy Hường, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Nghĩa, tín dụng chính sách xã hội là kênh "trợ lực” quan trọng để phụ nữ nghèo vươn lên thoát nghèo. Đến nay, tổng dư nợ vốn vay NHCSXH do Hội quản lý đạt trên 13,4 tỷ đồng với 296 hộ hội viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay. Nguồn vốn chủ yếu về giải quyết việc làm, học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường… Nhiều năm qua, Hội quản lý hiệu quả nguồn vốn, không có nợ quá hạn, lãi tồn quá 3 tháng. Việc giao ban định kỳ với NHCSXH huyện và các tổ tiết kiệm và vay vốn được duy trì thường xuyên.

Hội LHPN xã cũng tích cực phối hợp với Hội Nông dân thành lập 1 tổ vay vốn của ngân hàng Liên Việt với 6 tổ viên, tổng dư nợ 1,2 tỷ đồng. Bên cạnh kênh vốn vay, Hội chú trọng tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia các mô hình phát triển sản xuất, đẩy mạnh các hoạt động phối hợp giải quyết việc làm cho hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Trong năm 2024, Hội phối hợp với Công ty CP May Lạc Thủy tư vấn nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên phụ nữ trong độ tuổi lao động với 55 hội viên tham gia. Qua đó, giới thiệu 12 hội viên trong độ tuổi lao động vào làm việc tại công ty đảm bảo lao động có hợp đồng, mức thu nhập bình quân mỗi tháng đạt từ 5 triệu đồng, Ngoài ra, Hội phối hợp với Hội Nông dân mở lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cây chuối, trồng, chăm sóc giống ngô lai, đào tạo nghề ngắn hạn về chăn nuôi gia cầm cho hàng trăm lao động nông thôn, trong đó có 70% lao động nữ. Hội thành lập mới 1 tổ hợp tác nuôi ong lấy mật tại thôn Bến Đình với 7 thành viên, 1 tổ hợp tác may gia công thôn Bến Nghĩa với 5 thành viên. Các mô hình kinh tế tập thể, tổ nhóm liên kết về phát triển kinh tế tiếp tục duy trì hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, như: mô hình góp vốn xoay vòng, tổ liên kết kinh doanh trồng trọt, chăn nuôi, tổ liên kết may quần áo du lịch, tổ sản xuất chè, tổ hợp tác trồng rau an toàn…

Với sự đồng hành của các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, đời sống, thu nhập của hội viên, phụ nữ xã Phú Nghĩa ngày càng được cải thiện. Dự kiến đến cuối năm 2024, toàn Hội giảm từ 80 hộ xuống còn dưới 40 hộ hội viên nghèo, góp phần đáng kể vào kết quả phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã từ 3,3% xuống còn dưới 2%.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/314/194760/phu-nu-xa-phu-nghia-su-dung-hieu-qua-nguon-von-tin-dung-giam-ngheo.htm