Phú Thọ: 2,9 km đường nông thôn tiêu tốn 14,9 tỷ đồng

Đường giao thông nông thôn từ xóm Tam Văn nối xóm Xè 1 (xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) có chiều dài 2.390,9m, được phê duyệt tổng mức đầu tư lên tới 14,9 tỷ đồng. Theo tính toán, trung bình 1 km đường hoàn thiện (trừ chi phí dự phòng) sẽ tiêu tốn 4,7 tỷ đồng tiền ngân sách.

Như Công lý & Xã hội đã phản ánh, tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) tại xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn vừa thi công xong nhiều đoạn đã bị nứt, cống đổ nghiêng, ta luy sạt lở.

Dự án này do Công ty Cổ phần lâm sản xây dựng Thanh Sơn (địa chỉ khu Hạ Sơn, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn) trúng thầu thi công, thời gian thực hiện hợp đồng 300 ngày (10 tháng).

Vết nứt kéo dài ngay đầu đường nối với xóm Xè 1. Ảnh chụp ngày 23/9.

Vết nứt kéo dài ngay đầu đường nối với xóm Xè 1. Ảnh chụp ngày 23/9.

Một km đường “ngốn” 4,7 tỷ

Theo tìm hiểu, Dự án cải tạo nâng cấp đường GTNT xã Văn Miếu (đoạn xóm Tam Văn đi xóm Xè 1) được phê duyệt chủ trương đầu tư từ cuối tháng 3/2022.

Đến ngày 19/10/2022, UBND huyện Thanh Sơn ban hành quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật (KTKT), quyết định này do bà Đinh Thị Kiều An, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn ký ban hành.

Theo đó, dự án được phê duyệt với mục tiêu đảm bảo lưu thông hàng hóa, giao thông thuận tiện đi lại cho người dân trên địa bàn xã Văn Miếu, góp phần phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội của địa phương và các xã lân cận.

Cũng theo báo báo cáo KTKT này, tổng mức đầu tư dự án hơn 14,9 tỷ đồng, bao gồm các chi phí: xây dựng 12,6 tỷ; quản lý dự án 272,4 triệu đồng; tư vấn xây dựng 940,9 triệu đồng; chi phí khác 180,5 triệu đồng; dự phòng 896,4 triệu đồng.

Vết nứt ngay cạnh khe co giãn (khe hở kỹ thuật). Ảnh chụp ngày 23/9.

Vết nứt ngay cạnh khe co giãn (khe hở kỹ thuật). Ảnh chụp ngày 23/9.

Tổng chiều dài thiết kế đường là 2.930,9 m, trong đó tuyến 1 dài 2.729,28 m; tuyến 2 dài 201,62 m. Quy mô thiết kế đường cấp A (theo Quyết định 4927/QĐ-BGTVT ngày 25/12/2014; Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) 10380:2014). Theo quy định, tiêu chuẩn này đường vận tốc thiết kế 20km/h, chiều rộng nền đường 6 m, chiều rộng mặt đường 3,5 m...

Về kết cấu mặt đường, mặt đường bê tông xi măng và lề gia cố mác M250 dày 20 cm trên lớp cấp phối đá dăm loại II dày 15 cm. Rãnh thoát nước hình thang 0,4X0,4X1,2 mét, được gia cố bằng bê tông xi măng mác 150. Cống ngang thiết kế dự án điển hình của Viện khoa học công nghệ.

Căn cứ báo cáo KTKT, nếu loại trừ chi phí dự phòng, mỗi km đường ở dự án này tiêu tốn 4,7 tỷ đồng, nếu chỉ tính riêng chi phí xây dựng mỗi km đường “ngốn” hơn 4,3 tỷ đồng ngân sách.

Vết nứt dưới mương thoát nước. Ảnh chụp ngày 23/9.

Vết nứt dưới mương thoát nước. Ảnh chụp ngày 23/9.

Được biết, tổ chức lập báo cáo KTKT dự án này là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình 8, (viết tắt: Công ty Tư vấn xây dựng công trình 8, địa chỉ khu 21, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông). Công ty do bà Phạm Thị Bích Ngọc là đại diện pháp luật.

Cũng trong khuôn khổ dự án này, đến tháng 1/2024, ông Trần Quang Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn ký phê duyệt chỉ định cho Công ty Tư vấn xây dựng công trình 8 trúng gói thầu tư vấn giám sát dự án trị giá 412,6 triệu đồng.

Đường nằm trên sườn núi?

Trong bản thiết kế thi công, đường GTNT từ xóm Tam Văn nối với xóm Xè 1 được đơn vị thiết kế (Công ty Tư vấn xây dựng công trình 8) đánh giá là “Tuyến đường nằm trong vùng núi cao. Tuyến nằm trên các sườn núi, xen kẽ các khu tụ thủy, địa hình có chênh cao lớn. Tuyến đi qua phần lớn là núi cao, chủ yếu là rừng tự nhiên và rừng trồng. Các khu dân cư phân bố rải rác”.

Theo anh S (có nhà ngay mặt đường), địa hình khu vực trục đường đi qua đều là đồi trồng cây lâu năm, nên bản thiết kế nêu “đường nằm trên sườn núi” là chưa chính xác.

Dự án đường GTNT từ xóm Tam Văn nối với xóm Xè 1 chưa đến 3km. Ảnh Google map.

Dự án đường GTNT từ xóm Tam Văn nối với xóm Xè 1 chưa đến 3km. Ảnh Google map.

Về kinh phí thực hiện, người dân cho rằng, dự án được đồng thuận, nhất trí cao nên tiết kiệm được chi phí giải phóng mặt bằng. Ngoài ra nền đường đi lại nhiều năm, quá trình sử dụng nhiều chỗ được người dân cải tạo, lắp cống thoát nước, khi làm đường mới còn có thể tận dụng được.

Tại bản thiết kế dự án do Công ty Tư vấn xây dựng công trình 8 thực hiện cũng thể hiện, toàn bộ dự án có 20 ống cống thoát nước, đơn vị thiết kế đề xuất giữ nguyên 10 ống cống, nối thêm 1 ống cống và thay mới 9 cái còn lại.

Ngoài ra qua khảo sát địa chất, đường gồm 3 lớp: tầng thực vật dày trung bình 0,3-0,5 m; lớp sét pha lẫn sỏi sạn màu vàng dày trên 2 mét; đá phong hóa 70-80%. Do đó, sau khi bóc tầng thực vật cỏ rác, đất đào nền ở các vị trí trên tuyến có thể tận dụng làm đất đắp.

Để làm rõ những phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan tới dự án này, PV đã liên hệ với UBND huyện Thanh Sơn, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực Thanh Sơn nhưng chưa nhận được phản hồi.

Công lý & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin!

Phú Nguyễn

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/phu-tho-2-9-km-duong-nong-thon-tieu-ton-14-9-ty-dong-453306.html