Phủ xanh vườn tạp

Việc thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 8/9/2022, của Ban Chấp hành Ðảng bộ TP Cà Mau, về cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái, hoa kiểng gắn với phát triển chăn nuôi trên địa bàn thành phố đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 05) bước đầu mang lại kết quả khả quan. Nhiều mảnh vườn sau thời gian bỏ hoang nay đã được phủ xanh bằng rau màu, cây ăn trái.

Đặc thù của TP Cà Mau có các phường nằm ở ven đô, mang dáng vóc nửa thành thị, nửa nông thôn, nên đại đa số nông dân sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản kết hợp với tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và thương mại. Do đó, khi Nghị quyết 05 ra đời đã được sự đồng tình hưởng ứng của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân.

Ông Nguyễn Văn Thiết, Phó chủ tịch UBND phường Tân Thành, cho biết, trên địa bàn phường có 26 hộ dân, ở các khóm 2, 3, 4, 6, tự nguyện cải tạo vườn tạp, với diện tích 3 ha, tổng số tiền hỗ trợ mua cây giống, hạt giống gần 41 triệu đồng. UBND phường đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau màu, cây ăn trái và hoa kiểng cho các hộ dân. Theo đánh giá, hầu hết các hộ dân nhận cây giống, hạt giống đều rất phấn khởi, tích cực đầu tư cải tạo đất vườn.

Gia đình ông Lương Quốc Dũng, Khóm 3, phường Tân Thành, phát triển giống cây thảo dược để xóa vườn tạp.

Gia đình ông Lương Quốc Dũng, Khóm 3, phường Tân Thành, phát triển giống cây thảo dược để xóa vườn tạp.

Tại xã Lý Văn Lâm, có 56 hộ dân, ở 8 ấp, đăng ký tham gia thực hiện, với diện tích 5 ha, trong đó, có 14 hộ đăng ký trồng màu với diện tích 2 ha, 9 hộ trồng cây mai vàng với diện tích 1 ha, 20 hộ đăng ký trồng cây ăn trái với diện tích 2 ha, 5 hộ đăng ký nuôi heo với số lượng 50 con và 8 hộ đăng ký nuôi gia cầm với số lượng 2 ngàn con. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 141 triệu đồng, địa phương tiến hành giao các loại cây, con giống cho 56 hộ đăng ký tham gia, hoàn thành vào tháng 7/2023.

Ổi là một trong những cây giống được người dân xã Lý Văn Lâm chọn trồng để thực hiện Nghị quyết 05.

Ổi là một trong những cây giống được người dân xã Lý Văn Lâm chọn trồng để thực hiện Nghị quyết 05.

Triển khai thực hiện nghị quyết, phường Tân Xuyên có 55 hộ dân, ở 5 khóm, đăng ký tham gia. Trong đó, hộ ông Nguyễn Văn Quang, ở Khóm 4, ban đầu đăng ký cải tạo 300 m2 vườn tạp nên chỉ được hỗ trợ 9 cây giống sa pô về trồng. Thấy cây mau bén rễ, phát triển tốt, ông quyết định mở rộng thêm 3.000 m2 đất vườn để trồng các loại cây ăn trái khác. Hay như hộ ông Nguyễn Văn Mười, đảng viên ở Khóm 1, sau khi nhận 30 gốc mai vàng về trồng vì “không ai đăng ký nên đảng viên phải gương mẫu lãnh về trồng”, mai bén rễ được 3 tháng thì ông Mười cải tạo 6.000 m2 đất trước đây trồng tràm kém hiệu quả để lên liếp trồng mai. Ông Mười bộc bạch: “Ðất ven đô giờ trồng rau màu, cây ăn trái hoặc trồng cây cảnh, bán có giá trị kinh tế cao. Hoạt động trong Ban Công tác Mặt trận khóm nên khi Nghị quyết 05 triển khai thì mình phải làm gương, nhận cây trồng thí điểm để nhân rộng đến bà con”.

Cải tạo, phát triển kinh tế vườn, chăn nuôi có quy hoạch... không chỉ giúp gia tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, mà còn góp phần củng cố những giá trị bền vững trong xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Hòa Thành. Xã đã hỗ trợ giống gia súc, gia cầm, hạt giống rau màu, cây kiểng cho các hộ dân thực hiện theo Nghị quyết 05 hơn 137 triệu đồng.

Tính chung trên địa bàn thành phố, thực hiện Nghị quyết 05, có 474 hộ đăng ký cải tạo vườn tạp. Hiện các xã, phường đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ dân triển khai thực hiện, với tổng kinh phí trên 1,1 tỷ đồng.

“Nghị quyết 05 như luồng gió mới, kích thích tinh thần hăng say lao động của bà con. Người đã và đang trồng thì tiếp tục trồng; người từng để đất hoang hóa, vườn cây tạp kém hiệu quả thì hồ hởi cải tạo đất để trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, vì mới triển khai nên nhiều địa phương còn bỡ ngỡ, chưa tính toán kỹ thời vụ, cây con chưa phù hợp. Thay vì tập trung vào các miếng vườn, thửa ruộng hoang hóa, vườn tạp thì các địa phương còn ngại rủi ro nên triển khai mỗi hộ vài cây, con giống. Thời gian tới, hy vọng việc triển khai sẽ đồng loạt hơn, hiệu quả sẽ cao hơn”, ông Thái Văn Tính, Phó trưởng Phòng Kinh tế, chia sẻ.

Bên cạnh những thuận lợi, theo phản ánh của hộ dân và chính quyền địa phương, trong quá trình thực hiện cũng gặp khó khăn. Thời tiết nắng nóng gay gắt và mưa nhiều làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của đàn vật nuôi và sinh trưởng của cây; một số hộ dân tham gia thực hiện mô hình còn chủ quan, lơ là trong việc chăm sóc cây, con giống dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao.

Ðể Nghị quyết 05 thực sự đi vào cuộc sống, tạo thành phong trào xóa vườn tạp mạnh mẽ trên địa bàn thành phố, thiết nghĩ cần có một quyết sách đúng đắn về hỗ trợ vốn và kỹ thuật (ngoài nguồn vốn được hỗ trợ thì nguồn vốn vay phải đáp ứng đủ để người dân mạnh dạn vay cải tạo vườn tạp). Kỹ thuật hướng dẫn phải đến nơi đến chốn, có giám sát chặt chẽ khi cây, con giống bị bệnh. Cần xây dựng những khu vườn mẫu để người dân tham quan và học hỏi; so sánh đầu vào và đầu ra cây, con giống để đảm bảo kinh tế hàng hóa...

Mỹ Tâm

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/phu-xanh-vuon-tap-a29876.html