Phục hồi du lịch cần mạnh mẽ, đồng bộ và an toàn

Phú Yên đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển thị trường khách nội địa, trong đó có thị trường khách TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam. Ảnh: TRẦN QUỚI

Tác động của đại dịch COVID-19 đã đẩy ngành Du lịch rơi vào giai đoạn khủng hoảng chưa từng có. Hai năm qua, kinh tế du lịch gần như chạm đáy, hàng loạt doanh nghiệp phá sản. Năm 2022, trong bối cảnh dịch COVID-19 đã được kiểm soát, vắc xin bao phủ gần như toàn dân, ý thức của người dân về phòng chống dịch được nâng lên… là điều kiện cần và quan trọng để phục hồi ngành công nghiệp không khói này.

Chuẩn bị cho năm 2022 với quyết tâm phục hồi kinh tế sau đại dịch nói chung và phục hồi du lịch nói riêng, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” với sự tham gia của các nhà quản lý cấp cao, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế.

“Phá băng” du lịch trong thích ứng linh hoạt

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần có sự đánh giá toàn diện, sâu sắc tác động của COVID-19 đối với các ngành kinh tế, nhất là ngành Du lịch; đánh giá thực trạng và xu thế phát triển du lịch; nghiên cứu sâu các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, làm cơ sở đề xuất, kiến nghị các giải pháp phục hồi, phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới.

Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cảm thán: Từ một ngành công nghiệp không khói đóng góp trên 10% vào GDP, hai năm qua, do ảnh hưởng bởi đại dịch, ngành Du lịch khủng hoảng. Hơn lúc nào hết thời điểm này, cần phải thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp để phục hồi ngành Du lịch.

Theo Bộ VH-TT-DL, các giải pháp cần tập trung là nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam; khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm, thương hiệu du lịch độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử Việt Nam. Đặc biệt, chú ý gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên với phát triển du lịch bền vững; tìm ra các giải pháp thúc đẩy tính lan tỏa, liên kết vùng, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để phát triển du lịch gắn với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường…

Sau làn sóng dịch cao điểm lần thứ tư, doanh nghiệp du lịch rơi vào tình trạng kiệt quệ, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, những giải pháp hỗ trợ này chưa đủ để ngành Du lịch phục hồi. Thậm chí, trong thực thi chính sách vẫn còn những bất cập, chưa đến được với doanh nghiệp, người lao động. Nhiều chính sách như giảm giá điện, tiền thuê đất… đã được kiến nghị từ nhiều năm nay nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được chấp thuận.

Du lịch Phú Yên cũng không ngoài vòng xoáy bởi sự tác động của COVID-19. Ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho biết: Từ năm 2020 đến nay, hoạt động du lịch ngưng trệ, hướng dẫn viên du lịch, người lao động trực tiếp và gián tiếp trong ngành mất việc làm, không có thu nhập, nhiều doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú, mua sắm,… cạn kiệt nguồn lực, phải giải thể. Trong năm 2021, các chỉ tiêu du lịch của tỉnh tiếp tục giảm sâu. Tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên ước đạt 370.000 lượt, đạt 18,5% kế hoạch năm; tổng doanh thu hoạt động du lịch đạt 17% kế hoạch năm.

Phát triển sản phẩm du lịch mới, gắn với du lịch nông nghiệp, đồng quê là một trong những thế mạnh của du lịch Phú Yên. Trong ảnh: Du khách trải nghiệm với vườn cây đỏ ở cao nguyên Vân Hòa. Ảnh: TRẦN QUỚI

Phát triển sản phẩm du lịch mới, gắn với du lịch nông nghiệp, đồng quê là một trong những thế mạnh của du lịch Phú Yên. Trong ảnh: Du khách trải nghiệm với vườn cây đỏ ở cao nguyên Vân Hòa. Ảnh: TRẦN QUỚI

Giải pháp đồng bộ, hướng đến du lịch an toàn

Quan điểm chung, nhất quán của Chính phủ trong bối cảnh hiện tại là thích ứng linh hoạt, an toàn, các bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương và cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực đồng lòng vào cuộc tìm hướng đi và giải pháp để sớm phục hồi, phát triển du lịch trở lại, đồng thời đảm bảo môi trường an toàn, xã hội khỏe mạnh và phát triển bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đến ngày 24/12, cả nước đã tiêm đủ mũi 1 vắc xin cho 98% dân số từ 18 tuổi trở lên, mũi 2 đạt 86%. Trẻ em 12-17 tuổi đã hoàn thành mũi 1 đạt 79% và mũi 2 là 38%. Qua đánh giá của Bộ Y tế, những F0 đã tiêm vắc xin có diễn biến bệnh nhẹ hơn; các F0 thể nhẹ và F1 đang được cách ly, chữa trị tại nhà. Sau 4 đợt dịch, hệ thống y tế đã được củng cố mạnh mẽ hơn, người dân có ý thức hơn trong việc phòng, chống dịch. Đây là tiền đề để Việt Nam phát triển kinh tế, khôi phục du lịch.

Theo Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, để phục hồi ngành Du lịch an toàn, hiệu quả cần ưu tiên số hóa, phân tích thị trường, dự báo đề cập đến các xu hướng du lịch để thích ứng với việc tìm thị trường. Phục hồi du lịch gắn liền với sản phẩm du lịch. Mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn. Cần giữ chân đội ngũ nhân lực nòng cốt, tiếp tục đào tạo nhân lực và phát triển kỹ năng làm việc an toàn cho đội ngũ nhân viên. Xây dựng các sản phẩm mới, sản phẩm du lịch an toàn, sản phẩm du lịch đi vào thị trường ngách (du lịch golf, du lịch mạo hiểm…) nhằm đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với xu hướng và nhu cầu của thị trường… Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Mở cửa hoạt động du lịch trở lại gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động ngành Du lịch; đổi mới chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để tăng cường nguồn lực cho phát triển du lịch; phát triển hạ tầng du lịch, thu hút nguồn lực đầu tư, đổi mới sản phẩm, phát huy lợi thế về du lịch. “Mục tiêu của quá trình phục hồi và phát triển du lịch là nhanh chóng phục hồi và phát triển trên cơ sở thực hiện hiệu quả với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nói.

Đối với du lịch Phú Yên, tỉnh đã sớm đưa ra các giải pháp để phục hồi nền kinh tế du lịch như liên kết với các tỉnh thành, nhất là TP Hồ Chí Minh để thí điểm tiến tới phục hồi thị trường khách nội địa; phát động chương trình du lịch nội địa “Người Phú Yên du lịch Phú Yên”; ưu tiên tiêm vắc xin đủ liều cho người lao động trong ngành Du lịch… Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết: Tỉnh đã sớm chuẩn bị cho vấn đề hồi phục du lịch với các giải pháp cơ bản về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, xây dựng kế hoạch phục hồi theo từng giai đoạn, thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh. Phát triển sản phẩm du lịch mới, Phú Yên đang hướng tới du lịch xanh, du lịch an toàn, phát huy tài nguyên tự nhiên, sinh thái với giá trị văn hóa truyền thống độc đáo riêng có để tạo nên những trải nghiệm ấn tượng; chuyển đổi số trong ngành Du lịch. Phấn đấu tăng trưởng ngành dịch vụ (trong đó có du lịch) đạt 7,9% trong năm 2022.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngành Du lịch cần sẵn sàng mở lại du lịch khi thực sự an toàn. Hai vấn đề lưu tâm đối với phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới là: Tăng cường du lịch cộng đồng với sức hấp dẫn của văn hóa dân gian, vừa bổ trợ cho sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp lớn, vừa giúp người dân cải thiện sinh kế, tiếp cận với văn minh bên ngoài qua du khách. Thứ hai là cần khẩn trương số hóa các nguồn tài nguyên về du lịch, đặc biệt là văn hóa.

QUỲNH MAI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/377/269595/phuc-hoi-du-lich-can-manh-me-dong-bo-va-an-toan.html