Phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm

Nghề trồng dâu nuôi tằm hình thành ở Mộc Châu từ thập niên 90 của thế kỷ trước, trải qua nhiều thăng trầm, có thời điểm nghề đã đứt đoạn khi người dân đồng loạt chặt cây dâu, bỏ nuôi tằm, bởi giá kén xuống thấp. Hai năm qua, khi Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Tây Bắc, tại thị trấn Nông trường Mộc Châu thành lập đi vào hoạt động, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Mộc Châu đang hồi sinh trở lại.

Cánh đồng trồng dâu nuôi tằm tại thị trấn Nông trường Mộc Châu. Ảnh: Duy Tùng

Cánh đồng trồng dâu nuôi tằm tại thị trấn Nông trường Mộc Châu. Ảnh: Duy Tùng

Dẫn chúng tôi đi thăm quan dây chuyền chế biến tơ tằm, ông Ngô Văn Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Tây Bắc, thông tin: Nhận thấy tiềm năng của thị trường tơ sợi trên thế giới luôn trong tình trạng khan hiếm, rất nhiều nước có nhu cầu, Công ty đã tập trung liên kết với người dân phát triển vùng nguyên liệu tại Mộc Châu. Ngoài ra, Công ty còn mở rộng thu mua kén tại nhiều tỉnh phía Bắc, như: Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình về để chế biến với sản lượng 150 tấn kén/năm.

Đáp ứng nhu cầu của bạn hàng, Công ty đầu tư trên 5 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền chế biến tơ từ máy cơ khí sang máy tự động, nhờ đó chất lượng và sản lượng tơ được nâng cao, đáp ứng tiêu chuẩn tơ xuất khẩu sang thị trường các nước Châu Âu, Ấn Độ, Hồng Kông. Từ tháng 5/2022 đến nay, nhà máy đã chế biến gần 24 tấn tơ tằm xuất khẩu với doanh thu hơn 36 tỷ đồng.

Kiểm tra chất lượng kén tại Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Tây Bắc. Ảnh: Duy Tùng

Kiểm tra chất lượng kén tại Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Tây Bắc. Ảnh: Duy Tùng

Không chỉ thu mua kén tằm ổn định, giá cao cho người dân, Công ty còn tạo việc làm thường xuyên tại nhà máy cho 41 công nhân với mức lương giao động 6-7 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Thảo, Công nhân nhà máy chế biến tơ, Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Tây Bắc, cho biết: Tôi vào làm ở đây từ ngày thành lập Công ty. Làm gần nhà nên tôi có điều kiện chăm sóc gia đình tốt hơn; mọi chế độ về bảo hiểm, điều kiện an toàn lao động của công nhân đều được Công ty đảm bảo, thực hiện theo đúng quy định. Bình quân hằng tháng, tôi được nhận 7 triệu đồng tiền lương.

Dây chuyển sản xuất sợi tơ tại Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Tây Bắc. Ảnh: Việt Anh

Dây chuyển sản xuất sợi tơ tại Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Tây Bắc. Ảnh: Việt Anh

Huyện Mộc Châu có khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp với cây dâu, người dân nơi đây có kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm từ nhiều năm. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có trên 70 hộ nuôi tằm với diện tích gần 40 ha dâu, sản lượng kén đạt 40 tấn/năm, đây là con số khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của Mộc Châu. Khuyến khích các hộ nông dân mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm, Công ty Dâu tằm tơ Tây Bắc đã đảm bảo thu mua toàn bộ kén cho người dân, hỗ trợ nông dân kỹ thuật trồng dâu lai, nuôi tằm dưới nền nhà và nuôi bằng né gỗ giúp giảm công lao động, tăng chất lượng kén…

Đến thăm cánh đồng trồng dâu của gia đình bà Nguyễn Thị Bền, tại tiểu khu Tiền Tiến, thị trấn Nông trường Mộc Châu, đúng thời điểm bà Bền đang hái lá dâu cho tằm ăn. Vừa thoăn thoát hái lá, bà Bền vừa chia sẻ: Gia đình tôi gắn bó với nghề này từ năm 1995, mặc dù có quãng thời gian khó khăn khi giá tơ tằm xuống thấp, nhưng gia đình vẫn quyết tâm gắn bó với cây dâu, con tằm. Rất mừng khi hơn 2 năm trở lại đây, giá kén bắt đầu tăng, bởi vậy nên thu nhập từ nghề cũng cao hơn. Gia đình hiện có 1,3 ha trồng dâu để tạo nguồn thức ăn nuôi tằm giống phục vụ nhu cầu các hộ nuôi tằm, bình quân gia đình thu 250 triệu đồng từ tiền bán giống tằm.

Mô hình nuôi tằm giống của gia đình bà Nguyễn Thị Bền tại tiểu khu Tiền Tiến, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Ảnh: Việt Anh

Mô hình nuôi tằm giống của gia đình bà Nguyễn Thị Bền tại tiểu khu Tiền Tiến, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Ảnh: Việt Anh

Cũng nhiều năm gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm, từ khi nghe tin nhà máy tơ tằm của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Tây Bắc đi vào hoạt động và thu mua toàn bộ kén của người dân trên địa bàn, chị Trần Thị Thúy, tiểu khi 66, thị trấn Nông trường Mộc Châu rất phấn khởi, khi giờ đây không lo đầu ra cho sản phẩm.

Chị Thúy thông tin: Từ khi nhà máy của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Tây Bắc đi vào hoạt động với giá thu mua kén cao, ổn định, gia đình tôi chủ động thuê thêm đất mở rộng đầu tư trồng dâu nuôi tằm. Công ty cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân về các giải pháp khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng vùng trồng dâu, cũng như nuôi tằm để ra được kén tằm chất lượng phục vụ cho nhà máy chế biến. Hiện, gia đình tôi có gần 7.000 m2 trồng dâu nuôi tằm, bình quân hằng năm thu 1.8 tấn kén, với giá bán 160 nghìn đồng/kg kén (tăng 70 nghìn/kg so với thời điểm năm 2020) thu được hơn 280 triệu đồng.

Với những hiệu quả trong việc trồng dâu nuôi tằm, nhất là gắn sản xuất với chế biến và xuất khẩu, nghề trồng dâu nuôi tằm tại cao nguyên Mộc Châu đang dần hồi sinh trở lại, mở ra hướng đi mới cho người dân, tăng thêm thu nhập, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương.

Việt Anh - Duy Tùng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/phuc-hoi-nghe-trong-dau-nuoi-tam-WaO9kvXVR.html