Phục hồi vận động sau đột quỵ bằng robot

Phương pháp hiện đại này ngoài đem lại hiệu quả điều trị với độ chuẩn xác cao cho người bệnh còn giảm gánh nặng cho nhân viên y tế

Sau khi được cứu qua khỏi nguy cấp đột quỵ liệt nửa người, từ giữa tháng 7, anh H.T.H (41 tuổi, ở Hà Nội) tiếp tục điều trị phục hồi chức năng để có thể nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường. Hai tuần qua, thay vì được các nhân viên trực tiếp hỗ trợ, anh H. tập luyện vận động với robot chuyên dụng.

Người máy thay bác sĩ

Hệ thống robot anh H. tập luyện đặt tại Trung tâm Phục hồi chức năng - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Anh H. cho biết bình thường các buổi tập trước đó được nhân viên y tế trợ giúp thì việc nhấc chân đi từng bước rất khó, song với sự hỗ trợ của robot thì các bước chân của anh trở nên dễ dàng hơn, được lặp lại liên tục, không bị đau đớn. "Đến thời điểm này, sức khỏe của tôi gần như phục hồi được khoảng 90% sau tai biến. Hy vọng robot huấn luyện dáng đi sẽ giúp tôi kiểm soát thăng bằng, di chuyển tốt hơn" - anh H. nói.

Bác sĩ trao đổi với người bệnh sau đột quỵ tập phục hồi chức năng bằng robot

Bác sĩ trao đổi với người bệnh sau đột quỵ tập phục hồi chức năng bằng robot

PGS-TS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong phục hồi chức năng, hệ thống robot tập luyện đang ngày càng trở nên phổ biến. Đây cũng là hệ thống tiên tiến, hiện đại chuyên sâu được áp dụng trong phục hồi chức năng ở các bệnh nhân tại trung tâm. Đặc biệt, đối với các bệnh nhân bị tổn thương thần kinh trung ương như đột quỵ, tổn thương tủy sống, phương pháp này đem lại nhiều ưu điểm so với tập luyện truyền thống. Đó là tạo thuận lợi cho người bệnh cũng như giảm gánh nặng cho nhân viên y tế. "Nhờ hệ thống robot thông minh, thiết bị tự động hỗ trợ thực hiện các bài tập vật lý trị liệu với độ chính xác cao, cường độ phù hợp cho từng trường hợp, người bệnh sẽ sớm vận động bình thường, cải thiện dáng đi. Đồng thời, robot cũng ghi nhận lại dữ liệu để theo dõi đánh giá quá trình tiến triển của người bệnh" - PGS Khanh thông tin.

Theo PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay nhu cầu phục hồi chức năng do đột quỵ, chấn thương tủy sống... là rất lớn. Chỉ riêng tại đây đã có hàng ngàn người bệnh cần phục hồi chức năng, chữa trị các di chứng sau bệnh tật. Hệ thống robot huấn luyện dáng đi được đánh giá là hiện đại trên thế giới hiện nay. Việc ứng dụng công nghệ này vào trị liệu phục hồi chức năng sẽ là cứu cánh cho nhiều ca bệnh khó, nhất là bệnh nhân di chứng do đột quỵ.

Giới chuyên môn cho biết robot được ứng dụng khá rộng trong phục hồi chức năng các bệnh lý về cơ xương khớp, từ những chức năng nhỏ như bàn chân, bàn tay, đau vai gáy, cột sống đến các di chứng nặng nề sau đột quỵ như liệt nửa người, yếu chi… Các kết quả nghiên cứu, ứng dụng của thế giới đến nay cho thấy robot hỗ trợ trị liệu đã đem lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là độ chính xác, phục hồi chuẩn theo chức năng cơ thể của con người.

Nên tập càng sớm càng tốt

Theo các chuyên gia, phục hồi chức năng vận động là một nhu cầu cấp bách và cần phải thực hiện sớm nhằm giảm tối đa các di chứng. PGS Khanh cho biết với bệnh nhân nhập viện do đột quỵ cấp được khuyến cáo nên được bắt đầu với các bài tập vận động sớm, trong 24 - 48 giờ sau khi được cấp cứu đột quỵ, nếu không có chống chỉ định của bác sĩ. Hiện nay đột quỵ não đang có xu hướng trẻ hóa, nhiều bệnh nhân mới ngoài 30 tuổi đã bị đột quỵ, di chứng để lại rất nặng nề. Sau cứu sống, khoảng 80% bệnh nhân đột quỵ bị ảnh hưởng chức năng vận động, di chuyển.

Thời gian vàng phục hồi tốt nhất cho bệnh nhân sau đột quỵ nên bắt đầu càng sớm càng tốt, tiến triển nhiều nhất sẽ xảy ra trong khoảng 6 tháng đầu. Do đó, việc phục hồi chức năng sớm sẽ làm giảm tối đa các di chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Nguyên tắc của phục hồi chức năng sau đột quỵ là cần can thiệp sớm, đúng cách, kiên trì, liên tục. Bản thân người thân và người bệnh đột quỵ thường lo sợ khi tập vận động sẽ bị tái phát hoặc bị chảy máu não trở lại, có người nằm kiêng tuyệt đối trên giường vài tháng như vậy sẽ mất thời gian vàng để phục hồi chức năng. Thông thường, một bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu đúng, đến viện điều trị kịp thời, tập luyện sớm, đúng cách, sau 4-6 tuần tập luyện, có tới 70%-80% bệnh nhân có thể tự đi lại với sự hỗ trợ của người khác hoặc dụng cụ hỗ trợ. Mốc thời gian bệnh nhân tiến triển rõ rệt nhất là trong 3 tháng đầu sau đột quỵ, khả năng phục hồi sẽ chậm dần đến tháng thứ 6 và ổn định sau 1 năm. Từ thời điểm này được đánh giá là di chứng sau đột quỵ. "Các khuyến cáo mới nhất hiện nay trên thế giới cho rằng bệnh nhân sau đột quỵ não cần phải tập phục hồi chức năng ngay khi ổn định, thậm chí ngay khi còn nằm trên giường bệnh" - PGS Khanh nhấn mạnh.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chia việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ thành 4 giai đoạn. Sau giai đoạn cấp, tối cấp diễn ra trong 48 giờ đầu ưu tiên cứu sống bệnh nhân, người bệnh bước vào giai đoạn hồi phục sớm. Giai đoạn 2 diễn ra từ sau 48 giờ đến 3 tháng, là giai đoạn tối ưu, tuy nhiên thực tế không phải bệnh nhân nào cũng tiếp cận được sớm. Giai đoạn tiếp theo từ 3 - 6 tháng sau đó, cũng là giai đoạn phục hồi tốt nhưng chậm hơn. Sau 6 tháng, bệnh nhân chuyển sang giai đoạn mạn tính. Đặc biệt, nếu sau 1 năm, tổn thương do đột quỵ cơ bản đã định hình, khả năng thay đổi, phục hồi không còn nhiều nhưng nếu kiên trì tập luyện vẫn tốt hơn, có cơ hội hồi phục.

30 triệu người cần phục hồi chức năng

Theo Bộ Y tế, nhu cầu phục hồi chức năng tại Việt Nam rất lớn do dân số đang già hóa, tỉ lệ khuyết tật lớn; mô hình bệnh tật thay đổi cần phục hồi chức năng như bệnh không lây nhiễm (tim mạch, đột quỵ) tăng, tai nạn thương tích tăng. Ước tính cả nước có hơn 30 triệu người cần được phục hồi chức năng, trong đó tỉ lệ nữ cao hơn nam, tập trung nhiều ở độ tuổi 50 - 59 và nhiều nhất thuộc nhóm mắc bệnh rối loạn cơ xương khớp... Tuy nhiên, chỉ hơn 40% người tiếp cận phục hồi chức năng. Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng tỉ lệ này lên 80%.

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phuc-hoi-van-dong-sau-dot-quy-bang-robot-196240918192503407.htm