Phúc Lai: Phát huy thế mạnh kinh tế đồi rừng

PTĐT - Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp đời sống người dân xã Phúc Lai, huyện Đoan Hùng...

Mô hình trồng bưởi, chè trên diện tích đất vườn đồi của hộ bà Tạ Thị Hương - khu 3 cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng bưởi, chè trên diện tích đất vườn đồi của hộ bà Tạ Thị Hương - khu 3 cho hiệu quả kinh tế cao.

PTĐT - Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp đời sống người dân xã Phúc Lai, huyện Đoan Hùng ngày một khấm khá hơn. Trên cơ sở bám sát thực tiễn của địa phương trong phát triển kinh tế, xã đã đề ra những giải pháp phù hợp.
Qua tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; tập trung chỉ đạo nhân dân đảm bảo khung thời vụ gieo trồng, tích cực phòng trừ sâu bệnh, tăng cường đưa cơ giới hóa vào sản xuất, mở rộng diện tích thâm canh... nên sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã dần ổn định, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Diện tích gieo trồng lúa hàng năm của xã đạt trên 240ha, sản lượng trên 1.200 tấn, an ninh lương thực được đảm bảo.Toàn xã có diện tích đất tự nhiên trên 1.400ha, trong đó trên 700ha đất trồng cây lâm nghiệp. Vì vậy, kinh tế đồi rừng là một trong những thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương. Trước đây, do nhận thức còn hạn chế, đa phần người dân không mặn mà với việc đầu tư phát triển rừng sản xuất; công tác chăm sóc, bảo vệ rừng chưa được quan tâm, chú trọng nên năng suất rừng thấp, chất lượng gỗ kém. Từ chủ trương của huyện và hiệu quả mang lại, đến nay, người dân đã đầu tư thâm canh rừng trồng. Kinh tế rừng là một trong những hướng đi chủ đạo để phát triển kinh tế của xã. Người dân đã tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo vệ diện tích rừng hiện có và phát huy các mô hình kinh tế đồi rừng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu nhập cho người dân.Năng suất rừng bình quân đạt 70m3/ha/chu kỳ, trung bình mỗi chu kỳ khai thác cho doanh thu từ 70 đến 80 triệu đồng/ha. Việc đưa những cây lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất được xã chú trọng. Hiện nay trên diện tích rừng trồng, đa phần diện tích bạch đàn kém hiệu quả đã được thay bằng cây keo. Theo kế hoạch đề ra, xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy chế, chính sách trồng, bảo vệ rừng; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây rừng. Chính quyền xã phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn, định hướng cho người dân phát triển các loại cây phù hợp. Sau mỗi vụ trồng rừng, cán bộ chuyên môn tiến hành kiểm tra tỷ lệ cây sống và khuyến cáo kịp thời để chăm bón, phòng trừ sâu bệnh nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Từ đó, nâng cao nhận thức cho các chủ rừng và mỗi người dân trong việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Hiện nay, hầu hết diện tích rừng trồng ở Phúc Lai đều phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế khá. Trung bình mỗi năm, toàn xã trồng mới khoảng 50-60ha rừng. Ngoài trồng cây lâm nghiệp, bưởi là cây được địa phương xác định là cây trồng phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất cao hạn, đất đồi vườn và đem lại giá trị kinh tế cao. Toàn xã hiện có trên 80ha bưởi, trong đó 50ha đã cho thu hoạch. Từ hiệu quả của cây bưởi mang lại, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được chuyển giao, ứng dụng nhanh chóng vào sản xuất như kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, thụ phấn bổ sung cho bưởi. Với diện tích cho thu hoạch gần 165ha, cây chè là cây trồng mũi nhọn của xã. Hiện nay, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 12 tấn/ha, sản lượng ước đạt trên 1.900 tấn. Doanh thu hàng năm từ chè ước đạt 8,5 tỷ đồng. Để nâng cao năng suất, chất lượng chè búp tươi, xã vận động người dân thay thế chè giống cũ bằng các giống mới cho năng suất, chất lượng cao; áp dụng quy trình sản xuất an toàn. Hộ bà Tạ Thị Hương - khu 3 là một trong những hộ kinh tế khấm khá nhờ trồng chè và bưởi. Gia đình hiện trồng 1,5ha chè và trên 500 gốc bưởi Diễn, bưởi Khả Lĩnh. Bà Hương cho biết: Diện tích đất vườn đồi của gia đình trước đây trồng cây lâm nghiệp là chủ yếu. Theo chủ trương của xã và qua học hỏi một số mô hình, gia đình đã đầu tư trồng bưởi,bắt đầu cho thu hoạch; mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Giống chè cũ dần được thay thế bằng các giống mới như LDP1, LDP2, chè búp tươi được bán cho nhà máy nên đầu ra ổn định. Trồng chè và bưởi cho thu nhập gấp 2 đến 3 lần so với trồng cây nguyên liệu giấy như trước đây. Cùng với phát triển nông nghiệp, các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ cũng được khuyến khích phát triển. Hiện nay có 140 hộ hoạt động trong lĩnh vực này, chủ yếu là các ngành nghề sản xuất chè khô, chế biến lâm sản, sản xuất đồ mộc, dịch vụ nông nghiệp, buôn bán nhỏ... Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt khoảng 22 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 7,8%. Ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã chủ trương phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, dần đưa nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa. Bên cạnh việc duy trì và phát triển nghề sẵn có tại địa phương, xã luôn tạo mọi điều kiện khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, mở rộng nghề mới. Những hộ được chọn hỗ trợ đầu tư, vay vốn phải thông qua lựa chọn kỹ càng, vừa đảm bảo việc thoát nghèo được đầu tư đúng địa chỉ, vừa là nơi để bà con học tập và làm theo. Qua đó, nhân rộng những mô hình hiệu quả để có thể ứng dụng vào thực tiễn địa phương, góp phần phát triển kinh tế hộ.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201906/phuc-lai-phat-huy-the-manh-kinh-te-doi-rung-165099