Phúc lợi tốt để giữ chân người lao động

Chia sẻ tại hội thảo Giữ chân người lao động (NLĐ) sau đại dịch Covid-19 do Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Long An phối hợp với ManPowerGroup Việt Nam tổ chức mới đây, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), cho biết dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến NLĐ mà còn lan rộng đến cả doanh nghiệp (DN) trong khía cạnh lao động, việc làm.

Quý I/2022, thị trường việc làm đã ghi nhận sự thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa bàn, khu vực, chủ yếu là lao động phổ thông ở ngành sản xuất, chế biến, chế tạo như: dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ... và một số ngành đang có nhu cầu phát triển mạnh là công nghệ, công nghệ thông tin.

Một khảo sát khác do ManPowerGroup Việt Nam và Viện Khoa học, Lao động - Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) thực hiện năm 2021 cho thấy 21% DN ngành sản xuất và chế biến, chế tạo có vốn đầu tư nước ngoài đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và tuyển dụng nhân lực có kỹ năng phù hợp. Tương tự, theo khảo sát mới nhất do ManpowerGroup Việt Nam thực hiện, có gần 40% DN tại Long An cho biết không thể tuyển dụng đủ số lượng lao động như mong muốn.

Bên cạnh lương, người lao động cần chính sách phúc lợi tốt hơn cho bản thân và gia đình

Bên cạnh lương, người lao động cần chính sách phúc lợi tốt hơn cho bản thân và gia đình

Bộ LĐ-TB-XH cho biết đã đề xuất và triển khai nhiều giải pháp phục hồi thị trường lao động như tập trung bảo đảm an sinh xã hội cho NLĐ; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng cho NLĐ để đáp ứng chuyển đổi số; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường kết nối cung - cầu lao động. Tuy nhiên, những giải pháp trên mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu của thị trường lao động.

Để giữ chân NLĐ sau dịch Covid-19, bà Đặng Thị Hải Hà - nhà sáng lập Respect Việt Nam & Weat-work.co, cho rằng phúc lợi cho NLĐ không chỉ là tài chính mà còn phi tài chính. NLĐ mong muốn trả lương cạnh tranh, thời gian linh hoạt và dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Do đó, DN cần gia tăng và cung cấp đa dạng các phúc lợi trong chiến lược nhân sự của mình. Cũng theo bà Hà, có 95% DN đánh giá các phúc lợi ngoài lương rất cần thiết đối với NLĐ. Đôi khi, NLĐ rời bỏ công ty không phải ở mức lương mà là do khả năng lãnh đạo của người quản lý. Do vậy, DN cần nắm rõ tâm tư của NLĐ để đưa ra mức phúc lợi phù hợp.

Theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc tuyển dụng cấp cao và tư vấn nhân sự ManPowerGroup Việt Nam, sau dịch Covid-19, NLĐ mong đợi nhiều hơn ở DN, trong đó có phúc lợi, mức lương cạnh tranh, điều kiện làm việc tốt và cơ hội phát triển kỹ năng. Thực tế, các DN hiểu rõ tầm quan trọng của các phúc lợi đối với NLĐ nhưng vì nhiều lý do khác nhau, một vài phúc lợi mà NLĐ kỳ vọng vẫn chưa thực hiện được.

"Để thu hút và giữ chân NLĐ, các DN gia tăng sức khỏe thể chất và tinh thần cho nhân viên thông qua mô hình 3T. Đó là "Tài chính tốt", lương thưởng cạnh tranh dựa trên hiệu suất lao động; "Tinh thần tốt", tạo dựng môi trường làm việc công bằng, thân thiện; "Thể chất tốt", tăng cường hoạt động thể thao ngay chính tại nơi làm việc" - bà Trang góp ý.

Hồng Đào

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/phuc-loi-tot-de-giu-chan-nguoi-lao-dong-20220615185822754.htm