Phục vụ tốt nhất nhu cầu người dân

TP HCM lên kế hoạch nâng cấp, đầu tư mới nhà vệ sinh công cộng để bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị cũng như phục vụ tốt nhu cầu của người dân và du khách

Là tài xế xe ôm công nghệ, chị Dương Thị Thiệp (huyện Bình Chánh, TP HCM) thường xuyên di chuyển ngoài đường.

Nhu cầu thay đổi

Nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) rất cần thiết đối với những tài xế như chị Thiệp. Chị cho biết thường xuyên sử dụng NVSCC khu vực trung tâm thành phố. Trong số này, do đặc thù địa bàn, NVSCC tại Công viên 23 Tháng 9 phía đường Lê Lai, quận 1 được chị và nhiều đồng nghiệp tìm tới bởi bên cạnh việc miễn phí còn sạch sẽ.

Cũng là khách quen của NVSCC tại Công viên 23 Tháng 9, ông Nguyễn Văn Sinh (44 tuổi, quận 1) bày tỏ sự thoải mái khi bước ra. Theo ông, thành phố cần tăng cường thêm số lượng NVSCC, nhất là những khu vực giáp ranh quận 1 với các quận lân cận.

"Hiện nay, TP HCM triển khai nhiều xe buýt đưa khách du lịch tham quan vòng quanh thành phố, đi từ quận này sang quận khác, do đó cần thêm NVSCC để phục vụ khách du lịch tốt hơn" - ông Sinh nói.

Người dân sử dụng nhà vệ sinh công cộng tại Công viên 23 Tháng 9 (quận 1, TP HCM) trưa 3-9. Ảnh: LÊ VĨNH

Người dân sử dụng nhà vệ sinh công cộng tại Công viên 23 Tháng 9 (quận 1, TP HCM) trưa 3-9. Ảnh: LÊ VĨNH

Theo tìm hiểu, thực tế, nhiều NVSCC được bố trí quản lý, vận hành và bảo đảm chất lượng như trên, tuy nhiên, không phải nơi nào cũng thế.

Đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM cho hay trên địa bàn còn những NVSCC xây dựng từ lâu, mẫu mã lạc hậu, chưa đạt tiêu chuẩn và chưa phù hợp, hài hòa với thiên nhiên, cảnh quan cùng kiến trúc hiện đại.

Một số NVSCC chỉ được vệ sinh định kỳ, chất lượng phục vụ chưa đạt yêu cầu, công tác giám sát, đề xuất cải tạo còn thiếu. Thậm chí, nhiều NVSCC xuống cấp đến nỗi không thể sử dụng, trang thiết bị hư hỏng, mất cắp.

Sẽ có thêm 172 NVSCC

Sở TN-MT vừa trình lên UBND TP HCM đề án cải thiện số lượng và chất lượng NVSCC trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024 - 2025.

Đề án hướng đến mục đích cải thiện số lượng và chất lượng NVSCC để phục vụ khách du lịch, người dân. Cùng với đó, tăng cường chất lượng vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị; góp phần nâng cao chất lượng sống, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường nhằm xây dựng TP HCM trở thành "thành phố xanh và thân thiện với môi trường".

Nhà vệ sinh công cộng thông minh trên đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM thời điểm được bàn giao, đưa vào khai thác. Ảnh: LÊ VĨNH

Nhà vệ sinh công cộng thông minh trên đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM thời điểm được bàn giao, đưa vào khai thác. Ảnh: LÊ VĨNH

Theo lộ trình đề án đưa ra, đến hết quý II/2025, TP HCM sẽ nâng cấp, cải tạo 80 NVSCC hiện hữu xuống cấp, hư hỏng; đến hết quý III/2025, đầu tư mới 172 NVSCC. Ngoài ra, đến cuối năm 2025 sẽ vận động hơn 600 cơ sở kinh doanh, dịch vụ đồng ý cho du khách, người dân sử dụng nhà vệ sinh tại cơ sở.

Hiện nay, trên địa bàn TP HCM đã có nhiều địa phương thí điểm đầu tư NVSCC (có kèm ki-ốt) theo hình thức xã hội hóa để phục vụ miễn phí cho người dân.

TP HCM ưu tiên hình thức đầu tư xã hội hóa để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Các khu vực/vị trí tập trung đông người như công viên, quảng trường, chợ, bến xe, trạm trung chuyển xe buýt, bến thủy nội địa, vỉa hè, mảng xanh trên dải phân cách, điểm tham quan/du lịch... được ưu tiên lựa chọn để xây dựng NVSCC.

Người dân trông đợi

Sở TN-MT cho hay sẽ có 2 loại NVSCC là kiên cố và di động nhưng thành phố khuyến khích ưu tiên sử dụng các mẫu NVSCC di động để thuận lợi cho việc tháo lắp, di dời hoặc giải tỏa khi có yêu cầu của cơ quan, đơn vị chức năng.

Quy mô NVSCC phù hợp với quỹ đất dành cho việc bố trí xây dựng. Thiết kế của NVSCC phù hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hiện hành; phù hợp nhiều đối tượng sử dụng gồm trẻ em, người lớn, khách nước ngoài và người khuyết tật.

NVSCC có màu sắc phù hợp phía bên ngoài, tránh hiện tượng phản chiếu ánh sáng gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Ngoài ra, vật liệu và kết cấu bền vững, ổn định trong quá trình vận hành và sử dụng; có hệ thống cấp nước, hệ thống thu gom nước thải và bể tự hoại trước khi được nối ra hệ thống thoát nước bên ngoài công trình; khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời để vận hành NVSCC… là những nội dung quan trọng của đề án.

Đề án trên được người dân TP HCM trông đợi. Họ mong sớm có thêm nhiều NVSCC đạt chuẩn trên địa bàn.

Anh Đào Thanh Hùng (38 tuổi, quận Bình Thạnh) nói chất lượng những NVSCC anh từng sử dụng hiện nay tạm ổn. Anh nhận xét tại khu vực trung tâm TP HCM có thể dễ dàng tìm thấy NVSCC nhưng các quận lân cận như Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận... thì rất khó nên mong có thêm nhiều NVSCC hơn tại các khu vực khác để người dân thuận tiện sử dụng.

Đã tăng nhưng cần hơn nữa

Thống kê của Sở TN-MT cho thấy trên địa bàn TP HCM hiện có 2.165 NVSCC do nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý và vận hành. Trong đó, tại các khu vực công cộng có 283 cái; tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ đồng ý cho sử dụng nhà vệ sinh của cơ sở có 1.882 cái. So với thời điểm thống kê năm 2018, tăng 2.022 cái.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đã thống nhất chủ trương thí điểm lắp đặt 4 NVSCC ở quận 8, phục vụ miễn phí cho người dân. Toàn bộ kinh phí lắp đặt, quản lý, vận hành và bảo trì, bảo dưỡng NVSCC được thực hiện từ nguồn xã hội hóa, do nhà đầu tư chi trả.

Bốn vị trí dự kiến lắp đặt nhà vệ sinh gồm Công viên Dạ Nam (phường 3), Công viên Võ Liêm Sơn (phường 4), trước chung cư Giai Việt và trạm chờ xe buýt trước Trường THPT Tạ Quang Bửu (cùng ở phường 5). Những nhà vệ sinh này do Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam thực hiện.

LÊ VĨNH - PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phuc-vu-tot-nhat-nhu-cau-nguoi-dan-196240903203838223.htm